Tuesday, January 21, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Giá thực phẩm tăng vì khí hậu, ‘cơn đau đầu’ mới của các ngân hàng trung ương


Biến đổi khí hậu đã đẩy tăng giá cả hàng hóa nông nghiệp từ cà phê, ca cao cho đến lúa mì, thịt heo trong thời gian gần đây.

Hàng loạt rào cản thương mại mà chính phủ các nước áp đặt nhằm củng cố nguồn dự trữ lương thực trong nước có thể làm tăng nguy cơ “chiến tranh lương thực”.

Các mẫu hình thời tiết đang thay đổi làm sản lượng mùa màng thấp khiến nguồn cung siết chặt và có thể tạo ra áp lực lạm phát thường trực trong dài hạn. Đối với các ngân hàng trung ương, đó là thách thức ngày càng nghiêm trọng, nhưng hướng giải quyết ra sao vẫn là điều còn tranh cãi.

Biến đổi khí hậu đã đẩy tăng giá cả hàng hóa nông nghiệp từ cà phê, ca cao cho đến lúa mì, thịt heo trong thời gian gần đây. Các mẫu hình thời tiết đang thay đổi làm sản lượng mùa màng thấp khiến nguồn cung siết chặt và có thể tạo ra áp lực lạm phát thường trực trong dài hạn. Đối với các ngân hàng trung ương, đó là thách thức ngày càng nghiêm trọng, nhưng hướng giải quyết ra sao vẫn là điều còn tranh cãi.

Nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh do biến đổi khí hậu đang đẩy tăng giá nhiều mặt hàng thực phẩm. Hình FT/Getty

Biến đổi khí hậu “đốt nóng” giá cả thực phẩm

60 năm trước, khi ông bà của Giuseppe Divita mở nhà máy ép dầu ô liu ở thị trấn Chiaramonte Gulfi trên đảo Sicily của nước Ý bởi khí hậu ở đây rất lý tưởng để trồng cây ô liu.

Divita hiện nay sở hữu khu vườn ô liu riêng cũng như nhà máy ép dầu ô liu. Ông than phiền, thời tiết không còn thuận lợi như ngày xưa nữa. Với nhiệt độ trung bình hàng năm tăng cao và lượng mưa giảm dần, việc trồng ô liu và chế biến dầu ngày càng trở nên khó khăn.

Trên khắp khu vực Địa Trung Hải, sản lượng giảm và chi phí đầu vào cao hơn đối với các nhà sản xuất dầu ô liu đã đẩy giá loại dầu thực vật cao cấp này lên mức cao nhất trong 20 năm trong năm 2024. Divita lo ngại, các khó khăn về sản xuất dầu ô liu sẽ trở nên tồi tệ hơn khi tác động của biến đổi khí hậu trở nên gay gắt hơn.

Những sự kiện như hạn hán, lũ lụt hoặc sương giá làm giảm sản lượng thu hoạch và tăng giá thực phẩm. Chiến tranh và dịch bệnh cũng là những yếu tố tác động lớn đến nguồn cung thực phẩm.

Nhưng một vấn đề nghiêm trọng khác là các kiểu thời tiết thay đổi vĩnh viễn do biến đổi khí hậu đang làm giảm năng suất cây trồng, thắt chặt nguồn cung và đẩy giá lên cao. Từ cam ở Brazil đến ca cao ở Tây Phi; ô liu ở Nam Âu và cà phê ở Việt Nam.

Adam Davis, đồng sáng lập quỹ phòng hộ nông nghiệp toàn cầu Farrer Capital cho biết, biến đổi khí hậu đã đẩy giá tăng mạnh đối với một danh sách dài các mặt hàng thực phẩm trong năm nay. “Giá lúa mì tăng 17%, dầu cọ tăng 23% , đường tăng 9% và thịt heo tăng 21%”, ông nói.

Theo tổ chức tư vấn Energy & Climate Intelligence Unit, 1/3 mức tăng giá thực phẩm ở Anh trong năm 2023 là do biến đổi khí hậu.

Đà tăng giá của thực phẩm, từng được coi là tạm thời đang trở thành nguồn gây áp lực lạm phát dai dẳng. Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức), lạm phát thực phẩm trên toàn cầu có thể tăng tới 3,2 điểm phần trăm mỗi năm trong 10 năm tới do nhiệt độ cao hơn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, có thể lạm phát tổng thể hàng năm của thế giới sẽ tăng tới 1,18 điểm phần trăm vào năm 2035. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu lịch sử từ 121 quốc gia từ năm 1996 đến năm 2021 để mô hình hóa các kịch bản lạm phát trong tương lai.

Thu hoạch ô liu ở thị trấn Chiaramonte Gulfi trên đảo Sicily, Ý. Sản lượng ô liu ở đây đang giảm do thời tiết khô hạn. Hình FT

Nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh, đe dọa nguồn cung lương thực

Theo một báo cáo gần đây của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thế giới đang trên đà tăng nhiệt độ lên tới 2,9 độ C so với mức nhiệt độ của thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng này gần gấp đôi mục tiêu đã được nhất trí tại cuộc đàm phán về khí hậu ở Paris vào năm 2015.

Nông nghiệp là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Trong thập niên tới, một số sản lượng lương thực quan trọng nhất trên toàn cầu có thể thiếu hụt do nhiệt độ tăng. Hơn nữa, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn cũng cản trở hoạt động thu hoạch.

Năng suất lúa mì thường giảm mạnh khi nhiệt độ mùa xuân vượt quá 27,8 độ C. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, các vùng trồng lúa mì chính ở Trung Quốc và Mỹ đang đối mặt với nhiệt độ vượt quá mức này ngày càng thường xuyên.

Theo nghiên cứu của Trường Chính sách và khoa học dinh dưỡng Friedman của Đại học Tufts (Mỹ), vào năm 1981, các đợt nắng nóng được dự báo xảy ra cứ 100 năm một lần, thì nay lại xảy ra 6 năm một lần ở vùng Trung Tây của Mỹ và 16 năm một lần ở vùng đông bắc của Trung Quốc.

“Cây lương thực thường có năng suất khá ổn định ở nhiệt độ từ 20-30 độ C, tùy thuộc vào loại cây. Chúng tôi nhận thấy, năng suất cây lương thực sụt giảm khá mạnh nếu nhiệt độ vượt lên khỏi mức đó”, chuyên gia kinh tế Friderike Kuik, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của ECB nói.

Những biến động về khí hậu và thời tiết cũng đang làm thay đổi các chu kỳ sinh trưởng, tạo ra áp lực mới từ nạn sâu bệnh. Ở Ghana và Bờ Biển Ngà, nơi sản xuất 2/3 sản lượng ca cao của thế giới, lượng mưa lớn vào mùa hè năm ngoái tạo môi trường ẩm ướt hoàn hảo để bệnh đen quả phát triển mạnh. Sản lượng ca cao toàn cầu trong năm nay dự kiến giảm hơn 10% so với năm trước.

Đối với nông dân, những thách thức từ biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào cao hơn. Những vùng đất từng mang lại mùa màng bội thu nhờ lượng mưa dồi dào giờ đây cần được tưới tiêu và cần nhiều thuốc trừ sâu hơn để ngăn chặn dịch bệnh và sâu bọ.

Nông dân thu hoạch đậu nành ở Waynesfield, bang Ohio, vùng Trung Tây của nước Mỹ. Vào năm 1981, các đợt nắng nóng dự kiến sẽ xảy ra 100 năm một lần, nhưng hiện dự kiến xảy ra 6 năm một lần ở vùng Trung Tây của Mỹ. Hình Bloomberg

Các ngân hàng trung ương nên hành động thế nào?

Tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp đang châm ngòi cuộc tranh luận về việc liệu các ngân hàng trung ương có nên tăng lãi suất để ứng phó những cú sốc về giá thực phẩm hay không.

Marc Pourroy, giáo sư kinh tế của Đại học Poitiers ở Pháp cho biết, trong một thời gian dài, các nhà kinh tế nhất trí rằng, họ không nên làm như vậy. Điều này là do lạm phát thực phẩm được coi là tạm thời và sẽ dần trở lại mức trung bình trong lịch sử.

Nhiều ngân hàng trung ương loại trừ giá lương thực và năng lượng dễ biến động ra khỏi là lạm phát lõi, thước đo giá cả mà họ theo dõi chặt chẽ nhất.

Nhưng hiện nay, biến đổi khí hậu đang bắt đầu gây áp lực lạm phát trong dài hạn. Do vậy, có nhiều tranh luận về việc liệu các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lãi có nên chú ý nhiều hơn đến giá cả thực phẩm hay không.

Theo David Barmes, nhà nghiên cứu chính sách của Viện nghiên cứu Grantham, việc coi lạm phát thực phẩm tăng vọt chỉ là vấn đề tạm thời sẽ không thực sự là cách tiếp cận hữu ích nữa. Nếu cú sốc giá cả lặp đi lặp lại và thường xuyên và sẽ ảnh hưởng đến lạm phát tổng thể một cách lâu dài hơn.

Neumann của HSBC dự đoán, việc nguồn cung thực phẩm bị gián đoạn thường xuyên hơn sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải phản ứng. Điều đó sẽ dẫn đến lãi suất biến động nhiều hơn và có thể cao hơn theo thời gian.

Lạm phát giá thực phẩm của một nước cũng có xu hướng bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, các nhà kinh tế và các nhà phân tích thị trường khác thường lập luận rằng, tăng lãi suất có thể không giải quyết được những cú sốc tiêu cực từ phía nguồn cung thực phẩm.

Tuy nhiên, lần này, các nhà kinh tế lưu ý, các thông số của cuộc tranh luận đã thay đổi do biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển có thể phải chú ý đến giá thực phẩm hơn khi quyết định chính sách tiền tệ. Lý do là giá cả dễ biến động của thực phẩm đã trở thành xu hướng lâu dài, trong khi chi tiêu thực phẩm chiếm phần lớn ngân sách của người dân.

Raghuram Rajan, cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, cho rằng, ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế đang phát triển luôn cần phản ứng nhanh hơn với giá thực phẩm.

Khi biến đổi khí hậu diễn ra và làm suy giảm năng suất cây lương thực, các chính phủ cũng ngày càng có xu hướng chuyển sang chính sách bảo hộ. Điều đó có thể làm trầm trọng thêm tác động lạm phát. Ví dụ, năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các loại gạo trắng phi basmati, khiến giá gạo tăng vọt.

Cần công cụ kiểm soát lạm phát thực phẩm thay thế lãi suất

Quan điểm của nhà nghiêh cứu chính sách David Barmes của Trường Kinh tế London là cần có các công cụ kiểm soát lạm phát thay thế lãi suất để giải quyết những áp lực giá cả đến từ biến đổi khí hậu.

Được triển khai bởi các cơ quan quản lý tài chính và thương mại, thay vì ngân hàng trung ương, những công cụ này có thể bao gồm chính sách kiểm soát giá thực phẩm và trợ cấp có mục tiêu cho những nhóm người dân yếu thế. Barmes cho biết thêm, chính sách cạnh tranh chặt chẽ hơn và các biện pháp chống độc quyền cũng cần thiết để ngăn chặn các doanh nghiệp có thị phần lớn trục lợi trong thời kỳ lạm phát, từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề.

Trong báo cáo nghiên cứu gần đây, Isabella Weber, giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ) tranh luận rằng, các nước nên xây dựng vùng đệm dữ trữ lương thực để làm mềm biến động giá cả cũng như đánh thuế lợi nhuận cao bất ngờ của các công ty trong các lĩnh vực thiết yếu như thực phẩm để ngăn chặn họ tăng giá quá mức. (KTSG Theo Financial Times)