Gậy ông đập lưng ông?! Chế tài nông sản Úc, nông dân TQ chịu thiệt hại cao gấp 11 lần
Việc Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm hoặc đánh thuế cao đối với các sản phẩm nông nghiệp của Úc lại khiến nông dân Trung Quốc thiệt hại gấp 11 lần so với nông dân Úc.
Do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu thông tin về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán khiến dịch bệnh lan rộng toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, cả thế giới đã có hơn 72,8 triệu ca nhiễm với hơn 1,62 triệu ca tử vong.
Chính phủ Úc từ sớm đã bày tỏ minh xác rằng chính quyền ĐCSTQ phải gánh chịu mọi trách nhiệm cho đại dịch lần này. ĐCSTQ đã chuyển các vấn đề chính trị sang thương mại, áp đặt các biện pháp trừng phạt thuế quan đối với các sản phẩm của Úc như rượu vang, lúa mạch, thịt cừu, thịt bò, than đá, tôm hùm và gỗ, hoặc cấm nhập khẩu các mặt hàng này.
Trang Newtalk News của Đài Loan hôm 13/12 cho hay, động thái này của ĐCSTQ đã khiến nông dân Úc tổn thất 330 triệu đô-la Úc, nhưng bản thân ĐCSTQ còn hứng chịu thiệt hại nặng nề hơn.
Báo cáo trích dẫn số liệu của Cục Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp và Khoa học Úc (the Australian Bureau of Agricultural and Resource Economics and Sciences) cho thấy nông dân Trung Quốc dự kiến sẽ tổn thất 3,6 tỷ đô-la Úc, cao gấp 11 lần mức thiệt hại mà nông dân Úc phải gánh chịu (330 triệu đô-la Úc). Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc phải mua than từ các nước khác với mức giá cao hơn.
Một báo cáo từ Cục Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp và Khoa học Úc nêu rõ: “Khi sản xuất nông nghiệp của Úc chuyển hướng sang các nước khác, dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ tăng vào năm 2025. Điều này có nghĩa là sự sụt giảm trong xuất khẩu nông sản của Úc nói chung sẽ ít thiệt hại hơn so với giao dịch thương mại với Trung Quốc”.
Kể từ tháng 10 đến nay, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy thép và công ty điện lực cấm mua than của Úc, giá than cốc chất lượng cao của Úc đã giảm 22%.
Tuy nhiên, động thái này của Bắc Kinh đã khiến giá than cốc ở Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 4 năm kể từ tuần trước, khiến các nhà máy thép lâm vào cảnh khốn đốn. Một quốc gia khác cung cấp than đá cho Trung Quốc là Mông Cổ, tuy nhiên do các tài xế xe tải cần phải kiểm dịch khi đi qua biên giới, thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài dẫn đến giá than sản xuất tại Trung Quốc tăng cao, ĐCSTQ phải thu mua than từ các nước khác với mức giá cao hơn của Úc.
Trước sự đàn áp kinh tế của Bắc Kinh, chính phủ Úc đã tìm kiếm thị trường ở các nước khác. Hành động ngang ngược của ĐCSTQ cũng gây bất mãn cho người dân ở các nước khác. Người dân nhiều nước đã chung tay phát động phong trào mua rượu vang Úc nhằm bày tỏ sự ủng hộ với nước Úc. Người dân Úc cũng đang kêu gọi các công ty của nước này mau chóng rút khỏi Trung Quốc.
Việc ĐCSTQ không ngừng bắt nạt Úc cũng đã gây ra sự bất mãn và phản ứng dữ dội từ Liên minh Năm Mắt do năm nước Hoa Kì, Anh Quốc, Liên bang Úc, Canada và New Zealand hợp thành. Một số quan chức chính phủ cấp cao đã bắt đầu thảo luận về cách đối phó tốt hơn với đòn trả đũa kinh tế có tính bắt nạt của ĐCSTQ đối với Úc.
Theo tập đoàn truyền thông News Corp Australia, một lựa chọn được đưa ra là năm nước áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc; một lựa chọn khác là trong khi bốn nước đồng minh đang chung sức tẩy chay ĐCSTQ, Úc sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa bằng cách đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo kế hoạch này, Liên minh Năm Mắt sẽ đánh giá mọi mức thuế cao mà Bắc Kinh công bố đối với các mặt hàng xuất khẩu của Úc. Nếu các động thái của ĐCSTQ được coi là mối đe dọa đối với Úc vì mục đích chính trị, Úc sẽ áp đặt mức thuế trả đũa ngang bằng hoặc cao hơn đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Nếu ĐCSTQ muốn bù lỗ ở các thị trường khác, nó sẽ vấp phải sự tẩy chay của bốn đồng minh còn lại.
Cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind tuyên bố rằng khi gặp phải tình cảnh tương tự, các nạn nhân tiềm ẩn sẽ đồng tâm hiệp lực đưa ra đối sách tập thể và phối hợp. (DKN)