Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Financial Times: Mặt tối của nền kinh tế ‘hổ giấy’ Trung Quốc – 600 triệu người hiện đang không đủ sống!

Trung Quốc đang phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt trước tuyên bố rằng Bắc Kinh về cơ bản đã chiến thắng cuộc chiến chống đói nghèo sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận rằng hơn hai phần năm dân số kiếm được ít hơn 140 USD mỗi tháng.

Một tuần sau khi ông Lý công bố số liệu trên với bình luận rằng số tiền đó chỉ đủ thuê nhà ở thành phố lớn, các học giả và cư dân mạng đua nhau đặt câu hỏi về cam kết xóa đói giảm nghèo của Bắc Kinh vào cuối năm nay.

Một cố vấn chính sách có trụ sở tại Bắc Kinh, người đã từ chối nêu tên chia sẻ với  Financial Times rằng: “Với mức giá hiện tại, Thủ tướng đang cho thấy 600 triệu người Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc duy trì mức sống cơ bản”. “[Chiến dịch] giúp đỡ người nghèo cần phải tiếp tục”.

Phản ứng dữ dội đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh có thể đáp ứng một trong những mục tiêu chính sách lớn nhất của mình hay không, mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố hồi tháng 3 rằng Trung Quốc đã đạt được “những thành tựu quyết định trong việc xóa đói giảm nghèo”.

“Chúng tôi gần như đã đạt được mục tiêu của mình và về cơ bản đã xóa đói giảm nghèo ở cấp độ khu vực”, ông (Tập) nói.

Người dùng trên trang tiểu blog Weibo cho biết số liệu của ông Lý gây quan ngại.

“Nếu 600 triệu người này không thể đủ trang trải cuộc sống, phần còn lại của dân số Trung Quốc cũng không có được một cuộc sống dễ dàng” – Bình luận trên Weibo.

Một nhà bình luận cho rằng “khoảng cách thu nhập ngày càng tăng là lỗ hổng lớn nhất trong xã hội Trung Quốc. Tầng lớp thu nhập thấp chiếm tỷ trọng quá lớn, gần một nửa dân số và vẫn đang tăng lên, điều này gợi ý một vấn đề của hệ thống quyền lực [chính trị] của Trung Quốc”.

Dữ liệu chính thức cho thấy số người Trung Quốc sống trong nghèo đói đã giảm xuống còn 5,5 triệu vào năm ngoái từ 99 triệu vào năm 2012. Các tỉnh công nghiệp hóa đã đạt được thành công thậm chí còn lớn hơn. Giang Tô, một trong những tỉnh giàu nhất quốc gia, báo cáo chỉ có 17 người sống trong tình trạng cực nghèo khổ vào tháng 1.

Tuy nhiên, sự cải thiện to lớn này đã gặp phải sự hoài nghi vì định nghĩa nghèo đói của Trung Quốc khác với các tiêu chuẩn quốc tế. Hơn một chục tỉnh định nghĩa nghèo đói là thu nhập bình quân đầu người dưới 3.500 nhân dân tệ (500 USD) một năm. Con số này thấp hơn so với tiêu chuẩn hơn 4.800 nhân dân tệ do Ngân hàng Thế giới thiết lập.

Ông Wang Jun, nhà phân tích tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, một nhà tư tưởng của chính phủ cho biết: “Trung Quốc đã đặt ra một chuẩn nghèo đói thấp đến mức cuối cùng chuẩn này đã hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề nghèo đói”. 

Theo nhà phân tích, ngưỡng nghèo của ông Lý Khắc Cường có ngụ ý thực hơn vì di cư từ nông thôn ra thành thị của Trung Quốc vẫn đang gia tăng.

Li Jinlong, một giáo sư tại Đại học Hồ Nam và là một chuyên gia về giảm nghèo, cho biết Thủ tướng đã nêu nhẹ vấn đề. Phần lớn của 550 triệu dân số nông thôn Trung Quốc và một tỷ lệ đáng kể cư dân đô thị, theo nhận định của ông, hầu như không đủ sống (theo Financial Times).

Giáo sư Li nói: “Không có cách nào để cư dân nông thôn thoát nghèo khi họ không thể tìm được một ngành có lợi nhuận để làm việc”.

Trong khi nhiều người lao động nhập cư báo cáo thu nhập cao hơn sau khi có việc tại các thành phố, sự thiếu vắng an toàn xã hội đã gây tổn hại cho phúc lợi kinh tế của họ.

Nhiều công nhân nông thôn ít có quyền tiếp cận vào các lợi ích đô thị như chăm sóc sức khỏe và giáo dục ngay cả sau nhiều năm ở thành phố vì hệ thống hộ khẩu hay đăng ký hộ gia đình của Trung Quốc.

Hầu hết các thành phố miễn cưỡng cấp hộ khẩu cho lao động nông thôn, đặc biệt là những người không có kỹ năng, bởi vì họ gây thêm áp lực cho các dịch vụ xã hội. Điều đó đã buộc nhiều người phải trở về nông thôn, nơi mà triển vọng thu nhập còn kém.

Một số lượng ngày càng tăng những người nông dân đã thậm chí từ bỏ cố gắng đạt được các mức thu nhập cao hơn.

Gần thành phố trung tâm Huangshi, Li Jianguo, một công nhân 43 tuổi di cư đến đã trở thành nông dân, cho biết ông cảm thấy thoải mái khi sống trên một cánh đồng lúa rộng 0,4 ha mà từ đó ông kiếm được lợi nhuận hàng năm là 7.800 nhân dân tệ.

“Tôi không có kỹ năng, cũng không có vốn để tăng thu nhập của mình”, ông Li cho biết. “Tôi cần phải làm việc với những gì tôi có”.

NTD, Theo Financial Times