ĐƯỢC THẢ: Vài điều lạ trong vụ 4 tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy
Bản tin 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị tạm giữ với hơn 10kg thuốc lắc và ma túy vào ngày 16 Tháng Ba đã gây chấn động dư luận trong nước.
Tuy nhiên, sự chấn động lúc đó chỉ là một cơn địa chấn nhỏ, so với tin mới nhất, được ông Trung tướng Tô Ân Xô –người phát ngôn Bộ Công an –đưa ra vào ngày 22 Tháng Ba. Ông Xô cho biết các cơ quan chức năng xác định chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự bốn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, nên cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định trả tự do cho bốn tiếp viên hàng không nêu trên.
Ông Xô giải thích thêm rằng, các lãnh đạo đầu ngành có liên quan đã họp và đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật, mới thống nhất kết luận vụ việc xảy ra như sau:
Khi đang lưu trú tại Paris (Pháp Quốc), có một nghi phạm người Việt Nam nhờ các cô chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà, với tiền công là 10 triệu đồng (hơn $400).
Về đến phi trường Tân Sơn Nhất, sau khi bị hải quan kiểm tra hành lý, các cô ấy mới biết trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp đã bị trà trộn, cất giấu ma tuý.
Sự ngây thơ, trong trắng của 4 tiếp viên hàng không này đã được Bộ Công an chứng minh là thiệt, nên họ được thả.
Tuy 4 tiếp viên này được thả vì “chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự”, thế nhưng theo báo Tuổi Trẻ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vẫn tiến hành khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma túy” để điều tra làm rõ bản chất vụ việc, xử lý nghiêm những người có liên quan theo quy định.
Như thế người ta có thể hiểu như thế này: Vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam trên chuyến bay VN10 của hãng hàng không Vietnam Airlines, sẽ được xử dù chưa bắt được nghi phạm nào. Còn 4 cô tiếp viên hàng không Nguyễn Thanh Thuỷ, Trần Thị Thu Ngân, Nguyễn Thu Vân, và Võ Tú Quỳnh, do không biết số hàng được thuê mang về có chứa ma túy nên không bị xử lý hình sự.
Trước khi ông Tô Ân Xô phán 4 cô này “chưa có tội”, trên mạng xã hội cũng đã hình dung một kịch bản tương tự, khi một ai đó cho rằng “đây là chuyện vô ý, tình cờ thôi, và có thể 4 cô này bị ‘lừa’ chứ cháu gái của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không đời nào làm chuyện đó! Không biết thì không có tội, nếu có chăng thì cũng kỷ luật vì tội… ngu ngơ thôi, chứ mang luật pháp vào đây làm gì!”.
Chẳng biết cô tiếp viên họ Võ có phải con cháu lãnh đạo (cũng họ Võ) không, mà thiên hạ họ “ác ý” như thế. Hay cũng chỉ tình cờ mang cùng họ thôi?
Không khó để người ta thấy trong vụ –mà Bộ Công an không gọi là án –này có nhiều điều không tình cờ cho lắm.
Thứ nhất là bên Cục Hải quan TP.HCM có nhận định khác với Bộ Công an. Trong buổi trao đổi với báo Thanh Niên ngày 18 Tháng Ba, ông Đinh Ngọc Thắng –Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM –khẳng định, vụ bắt giữ 4 cô gái này không phải là chuyện tình cờ. Ông Thắng nói Cục Hải quan TP.HCM đã căn cứ vào nhiều thông tin tình báo, các nghiệp vụ kiểm soát hải quan, loạt dấu hiệu nghi vấn, đối tượng trọng điểm, thông tin thu nhập… trước khi quyết định phá án.
Khác với lời nhận định của ông Tô Ân Xô, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng 4 tiếp viên hàng không này là 4 đối tượng chính trong vụ án mà họ đã dày công theo dõi.
Theo tường trình của một lãnh đạo trong Cục Hải quan TP.HCM, nay sau khi kiểm tra và phát hiện trong hành lý của 4 cô tiếp viên này có chứa chất cấm, Cục Hải quan đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an tiếp hành khám xét, phân loại và thống kê số lượng chất cấm trong từng va li. Tuy nhiên, ngay trong lúc các cơ quan chức năng đang phá án, thì “một tờ báo đăng thông tin này lên. Từ chỗ đó, nhóm đối tượng biết và không xuất hiện (để nhận hàng) nữa”.
Ông lãnh đạo này cho đó là “điều đáng tiếc!”
Có rất nhiều câu hỏi sau về chuyện nay, nhưng lại không được phóng viên nào nêu ra cho Cục Hải quan TP.HCM trong cuộc họp báo. Thí dụ như tờ báo này tên gì? Cơ quan nào cung cấp tin tức mật đó cho tờ báo? Mục đích cung cấp tin tức đó là gì? Tờ báo nhanh chóng đưa tin khi cơ quan chức năng đang án có phạm tội “làm lộ bí mật” hay không?…
Nếu tra cứu trên Google, người ta cũng dễ dàng tìm thấy tên tờ báo đầu tiên đưa tin này là tờ Sức khỏe & Đời sống (SKĐS). Một tờ báo không có thế mạnh về tin tức, xã hội, hay phóng sự, như các tờ báo lớn khác như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, VietnamNet, VNExpress,…
Điều đặc biệt là bản tin này còn có 2 tấm hình được cung cấp từ những cán bộ điều tra có mặt trong buổi khám xét. Ai là người cung cấp tin tức và hình ảnh này? Điều này có vi phạm pháp luật trong lúc đang phá án hay không?
Nếu để ý sẽ thấy chỉ sau một thời gian ngắn sau khi đưa tin, đủ để nhiều người biết và chia sẻ, tờ SKĐS rút bài đó ra khỏi trang web của họ. Có thể họ bị buộc phải rút xuống, cũng có thể họ tự rút xuống sau khi đã làm đúng yêu cầu của một người nào đó.
Trong buổi họp báo của Cục hải quan TP.HCM ngày 17 Tháng Ba, người ta thấy rõ “thế yếu” của lãnh đạo Cục Hải quan trong vụ này. Họ là đơn vị phát hiện “nhóm đối tượng mới” với đường dây vận chuyển chặt chẽ; họ bỏ công theo dõi, sàng lọc, phân loại đối tượng,… rồi mời các cơ quan chức năng vào phá án.
Cuối cùng, ông Cục trưởng bị người phát ngôn Bộ Công an dội một gáo nước lạnh cho tỉnh người, khi tuyến bố “không đủ căn cứ xử lý hình sự bốn cô gái vàng” này. (T/H, SGN)