Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Dự án 88: Chính quyền VN bắt giam nhà báo nhiều gấp ba lần 2 năm trước


12 nhà báo độc lập bị bắt giữ chỉ riêng trong năm 2021 khiến đây là năm tồi tệ nhất đối với lĩnh vực tự do báo chí ở Việt Nam.

Các nhà báo thuộc Hội Nhà báo VN Độc lập tại phiên toà ở TPHCM hôm 05/01/2021. Hình AFP

Hôm 9 tháng 5, tổ chức Dự án 88 công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2021, qua đó hỗ trợ thêm quan điểm rộng rãi cho rằng quốc gia độc đảng này là “một trong những nước ngược đãi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận tồi tệ nhất trên thế giới”.

Theo thống kê của tổ chức này thì có 12 người làm truyền thông độc lập bị bắt bớ hồi năm ngoái, gần gấp đôi so với năm 2020 với bảy người làm truyền thông độc lập bị bỏ tù, và chỉ ba người bị bắt giam hồi năm 2019.

Một sự gia tăng mà theo tổ chức này là nhằm “dẹp bỏ mọi nỗ lực cổ xuý tự do báo chí” ở Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do qua email, bà Jessica Nguyễn, người phụ trách Vận động của tổ chức Dự án 88, cho biết thêm một vài thông tin đáng chú ý:

“Chính quyền đã bắt giữ 12 chuyên gia truyền thông vào năm 2021, tăng từ bảy người vào năm 2020 và ba người vào năm 2019, thể hiện nỗ lực nhằm dập tắt những cố gắng thúc đẩy tự do báo chí trong nước.

Chúng tôi cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng các nhà bình luận trực tuyến bị bắt vào năm 2021, tổng cộng là 15 người. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên chúng tôi chứng kiến chính quyền đã bắt giữ các nhà hoạt động theo Điều 331, “Lạm dụng (lợi dụng-PV) các quyền tự do dân chủ”, nhiều hơn bất kỳ điều luật nào khác của Bộ luật Hình sự.

Có 17 tù nhân chính trị bị án tù vì điều 331, so với 14 người bị truy tố vì Điều 117 “tuyên truyền chống phá nhà nước”. 

Một trong những vụ bắt bớ gây chú ý trong năm vừa rồi đó là vụ nhà báo công dân Lê Văn Dũng ở Hà Nội. Ông bị truy tố và bắt giam dưới cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở Hoa Kỳ này cũng đề cập đến các vụ xét xử nhiều nhà báo độc lập diễn ra trong năm 2021, với các bản án nặng nề được áp đặt lên họ, bao gồm các bản án từ 11 đến 15 năm tù đối với ba lãnh đạo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong đó có blogger Nguyễn Tường Thụy của Đài Á Châu Tự Do; hay bản án chín năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang.

Ngoài nhắm đến giới hoạt động truyền thông độc lập, chính quyền Việt Nam còn bị cáo buộc mở cuộc trấn áp nhắm đến các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực môi trường trong năm vừa qua.

Tiêu biểu nhất là vụ bắt giữ nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Nguỵ Thị Khanh, và các nhà hoạt động xã hội khác như Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, và Bạch Hùng Dương. Cả bốn người này đều làm cho các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp với nhà nước, và đều bị cáo buộc dưới tội danh trốn thuế.

Những vụ bắt bớ này đã làm gia tăng con số tù nhân chính trị ở Việt Nam, mà theo thống kê của Dự án 88 thì hiện đang là 206 người.

Tù nhân chính trị ở Việt Nam có thể là bất kỳ ai, từ nhà báo, blogger, tác giả, nhà hoạt động môi trường, giáo viên, lãnh đạo tôn giáo, ứng viên Đại biểu Quốc hội, hay thậm chí là những người sử dụng Facebook bình luận trực tuyến.

Họ bị bắt và bị cầm tù vì can đảm lên tiếng trước những bất công và oan sai, những vấn đề nhức nhối về dân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam. Họ bị án tù vì chính quyền Việt Nam cho rằng các nhà bất đồng chính kiến này lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, hoạt động tuyên truyền nhằm chống phá nhà nước, bất kể họ có ôn hoà như thế nào.” – Bà Jessica Nguyễn cho hay.

Trong khi Việt Nam đang vận động để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2035, báo cáo nêu trên là một lời nhắc nhở rõ ràng về lý do tại sao đất nước do một đảng Cộng sản lãnh đạo không thích hợp với vai trò lãnh đạo này, theo tuyên bố của Dự án 88.

Ở chiều ngược lại, cũng trong ngày 9 tháng 5, báo Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, đã cho đăng tải bài viết với tiêu đề “RSF lại phớt lờ sự thật” của tác giả Chu Xuân Đại Thắng, nhằm đáp trả việc tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp hạng Việt Nam thuộc nhóm nước đàn áp tự do báo chí tệ nhất trên thế giới.

Bài báo này gọi những nhà báo độc lập, bloggers, và tác giả bị bắt là những đối tượng “phản động, cơ hội chính trị”, và “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt Nam”.
Tác giả của bài viết này cũng khẳng định không ai ở Việt Nam bị xét xử và bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Và cho rằng các đài nước ngoài như CNN, BBC, NHK,… được tiếp cận “dễ dàng” để thể hiện sự tự do báo chí ở Việt Nam. (T/H, RFA)