Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Cảnh báo chiêu trò lừa đảo quyên góp tràn lan mạng xã hội

Lợi dụng tình cảnh khó khăn chồng chất của những người sống sót sau thảm họa động đất khi phải đối mặt với việc mất người thân, nhà cửa, thiếu thốn lương thực,… rất nhiều kẻ vô cảm đã tạo ra các chiêu trò lừa đảo kêu gọi quyên góp và thu lợi bất chính.

Các buổi phát trực tiếp trên TikTok hiển thị ảnh có hiệu ứng âm thanh và yêu cầu quyên góp.

Theo Reuters, tính đến chiều ngày 15/2/2023, trận động đất thế kỷ đã khiến 41,200 người thiệt mạng, hơn 26 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần hỗ trợ nhân đạo, 10 thành phố bị ảnh hưởng kèm theo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá trận động đất là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tại châu Âu trong vòng 100 năm qua.

Sau hơn 1 tuần kể từ khi trận động đất xảy ra, Liên Hợp quốc cho biết giai đoạn giải cứu đã gần kết thúc, hiện tại trọng tâm sẽ chuyển sang giai đoạn mới gồm cung cấp nơi trú ẩn, thức ăn và trường học cho những người bị ảnh hưởng bởi động đất.

Theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Henri P.Kluge, các vấn đề liên quan tới sức khỏe do thời tiết lạnh, thiếu vệ sinh và nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm cần được quan tâm, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương.

Những người sống sót sau thảm họa động đất phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ảnh: Reuters
Những người sống sót sau thảm họa động đất phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Hình Reuters
Công tác giải cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chuẩn bị khép lại để chuyển sang giai đoạn ổn định cuộc sống cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Ảnh: Reuters
Công tác giải cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chuẩn bị khép lại để chuyển sang giai đoạn ổn định cuộc sống cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Hình Reuters
Một tuần sau khi xảy ra thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người chết đã vượt qua con số 41.200. Ảnh: Reuters
Một tuần sau khi xảy ra thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người chết đã vượt qua con số 41,200. Hình Reuters

Trước tình cảnh khó khăn chồng chất của những người sống sót khi phải đối mặt với việc mất người thân, nhà cửa, thiếu thốn lương thực,… rất nhiều người đã lợi dụng lòng tin của cộng đồng để tạo ra các chiêu trò lừa đảo kêu gọi quyên góp.

Dùng hình ảnh giả để gây quỹ vào tài khoản cá nhân

Theo Daily Mail, hàng loạt kẻ lừa đảo đã đăng những hình ảnh và video giả mạo về thảm kịch động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trên các nền tảng xã hội như TikTok và Twitter.

Với những thông điệp như “Cầu nguyện cho Thổ Nhĩ Kỳ”, “Hãy giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ” hay “Quyên góp cho các nạn nhân động đất”, những kẻ lừa đảo kêu gọi chuyển tiền quyên góp vào tài khoản PayPal cá nhân của chúng và thu lợi bất chính.

Một tài khoản Twitter giả kêu gọi mọi người quyên góp cho một liên kết PayPal. Hình Daily Mail
Hơn 100 chiến dịch gây quỹ đã ra mắt trên PayPal kể từ khi trận động đất xảy ra, một số trong số đó là lừa đảo.

TikTok Live, nền tảng nổi tiếng với giới trẻ với hoạt động tặng quà ngay trên ứng dụng, cũng là một công cụ được các nhóm lừa đảo sử dụng.

Theo đó, một tài khoản đã phát sóng trực tiếp trong hơn 3 giờ đồng hồ cảnh quay từ trên cao của các tòa nhà bị phá hủy trong trận động đất thảm khốc kèm dòng chữ: “Hãy giúp đỡ/quyên góp cho Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong khi đó, một video phát trực tiếp khác lại cho thấy hình ảnh một đứa trẻ đang chạy khỏi một vụ nổ với dòng kêu gọi quyên góp.

Nhiều tài khoản TikTok sử dụng hình ảnh giả để kêu gọi quyên góp. Hình Daily Mail

Tuy nhiên, theo như điều tra của BBC, những hình ảnh này đã từng được sử dụng vào năm 2018, rất lâu trước khi trận động đất xảy ra, với chú thích có nội dung hoàn toàn khác xa.

BBC cho biết, một tài khoản khác cũng đăng cùng một lời kêu gọi 8 lần chỉ trong 12 giờ, trong đó chia sẻ cùng một hình ảnh lính cứu hỏa ôm một đứa trẻ bị bao vây bởi các tòa nhà bị sập. Sau đó, bức ảnh này đã được xác định là không hề có thật mà chỉ là sản phẩm được tạo ra bởi phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).

Bức ảnh giả được tạo bởi AI. Hình Daily Mail

Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 100 chiến dịch gây quỹ không chính thức được phát động kêu gọi quyên góp cho thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ – Syria trên mạng xã hội.

Nỗ lực ngăn chặn hành vi lừa đảo trực tuyến

Theo trang tin công nghệ Bleeping Computer, PayPal đã không hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2016, vì vậy các tài khoản Twitter có tên người dùng nghe giống tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ trong khi liên kết với tài khoản PayPal đều không đáng tin cậy. PayPal đang tích cực rà soát các tài khoản để các khoản quyên góp được thực hiện đúng mục đích.

Trang quyên góp PayPal yêu cầu quyên góp cho những người sống sót sau thảm họa động đất bị phát hiện là giả mạo. Hình Daily Mail

Đại diện TikTok cho biết sẽ ngăn chặn những hành vi lừa đảo và bảo vệ người dùng muốn quyên góp cho các nạn nhân động đất.

Bà Helen Stephenson, Giám đốc điều hành của Ủy ban từ thiện Anh cũng cảnh báo rằng những kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng lòng thương của cộng đồng để thu lợi: “Trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã có tác động tàn khốc và việc số người chết ngày càng tăng khiến nhiều người không khỏi đau lòng. Đáng buồn thay, những sự kiện như vậy lại tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo.

Khi các nền tảng mạng xã hội dần phổ biến, những kẻ lừa đảo sẽ tìm ra những chiêu trò mới để lừa mọi người chuyển tiền. Tuy nhiên, công chúng không nên để điều này ngăn cản họ đóng góp để giúp mọi người đối phó với những tác động kinh hoàng của trận động đất gần đây”. (T/H, CDKH)