Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đối đầu với Bắc Kinh: Tân chính phủ của Úc cam kết đầu tư vào khí hậu ở Thái Bình Dương

Ngoại trưởng cho biết Úc sẽ lấy 82% nhu cầu năng lượng của mình từ các nguồn tái tạo vào năm 2030

Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã khơi dậy một “kỷ nguyên mới” của sự can dự vào Thái Bình Dương trong một bài diễn văn tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Fiji.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong gặp ông Henry Puna, tổng thư ký của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương tại Suva, Fiji hôm 26/05/2022. Hình Getty

Bà Wong, mới từ chuyến đi tới Tokyo cho Đối thoại An ninh Tứ giác về, đang thăm khu vực Nam Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Kinh công khai thúc đẩy ảnh hưởng trong khu vực.

Ngoại trưởng nói rằng chính phủ mới được bầu của ông Albanese sẽ “lắng nghe” những lo ngại về biến đổi khí hậu của các nước láng giềng ở Thái Bình Dương của Úc.

Bà nói với những người tham dự hôm 26/05, “Chúng tôi sẽ lắng nghe. Chúng tôi sẽ lắng nghe quý vị — ý tưởng của quý vị về cách chúng ta có thể cùng nhau đối mặt với những thách thức chung và đạt được nguyện vọng chung của mình.”

Bà Wong cho biết chính phủ tiền nhiệm đã “lơ là trách nhiệm của mình trong việc hành động về biến đổi khí hậu.”

Bà nói, “Bỏ qua những lời kêu gọi hành động của gia đình Thái Bình Dương của chúng ta. Không tôn trọng các quốc gia Thái Bình Dương trong cuộc đấu tranh của họ để thích ứng với những gì là một mối đe dọa hiện hữu.”

Ngoại trưởng Úc Penny Wong đến Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Suva, Fiji hôm 26/05/2022. Hình Getty

“Cho dù điều đó biểu hiện ở mực nước biển dâng cao ở các quốc đảo Thái Bình Dương, hay trong những trận cháy rừng và lũ lụt thảm khốc tại quê nhà ở Úc, chúng ta có thể thấy rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn Thái Bình Dương. Tôi muốn bảo đảm với quý vị rằng chúng tôi đã nghe thấy quý vị.”

Bà Wong cho biết chính phủ của ông Albanese đã được bầu trên nền tảng tăng mục tiêu giảm phát thải của đất nước từ 26-28% lên 43% vào năm 2030 — và đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Chính phủ trung-tả của Đảng Lao Động cũng sẽ đưa cam kết này vào luật và nộp đơn đệ trình chính thức lên Liên Hiệp Quốc.

Bà nói: “Kế hoạch của chúng tôi sẽ chứng kiến ​​tỷ lệ năng lượng tái tạo trong Thị trường Năng lượng Quốc gia của Úc tăng lên đến 82% vào năm 2030.”

Tính đến năm 2021, thị trường năng lượng quốc gia của Úc cung cấp 64.67% điện (pdf) từ sản xuất nhiệt điện than.

Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama nói rằng thật “tuyệt vời” khi được gặp Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong. Hình Twitter

Chính phủ của Đảng Lao Động cũng cam kết có Hiệp định Đối tác Cơ sở hạ tầng Khí hậu Úc-Thái Bình Dương mới để hỗ trợ các dự án năng lượng ở Thái Bình Dương và thành lập “đại sứ về biến đổi khí hậu.” Không rõ mối quan hệ đối tác khí hậu này sẽ hoạt động như thế nào bên cạnh các sáng kiến ​​và chương trình tài trợ hiện có như Hiệp định Đối tác Khí hậu Thái Bình Dương của Úc và Quỹ Tài trợ Cơ sở hạ tầng của Úc cho Thái Bình Dương (AIFFP).

Bài nói của bà Wong được đưa ra khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công du Thái Bình Dương trong nỗ lực củng cố các mối bang giao cho Bắc Kinh.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đề nghị một khối dữ liệu và an ninh trên toàn khu vực Nam Thái Bình Dương gồm 10 quốc gia Thái Bình Dương khác nhau. Bắc Kinh đang ngỏ ý về một Khu vực Thương mại Tự do Quần đảo Thái Bình Dương- Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác nhiều hơn trong “các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống,” bao gồm cam kết làm việc về các mạng dữ liệu, an ninh mạng, và hệ thống hải quan thông minh.

Ông David Panuelo, chủ tịch Liên bang Micronesia, đã viết cho 21 nhà lãnh đạo Thái Bình Dương, lập luận chống lại hiệp ước khu vực nói trên vì lo ngại nó có thể châm ngòi cho một cuộc “Chiến Tranh Lạnh” giữa Bắc Kinh và các quốc gia dân chủ.

Ông nói trong bức thư mà Reuters có được: “Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của chúng ta, lãnh thổ đại dương của chúng ta và các nguồn tài nguyên bên trong, và không gian an ninh của chúng ta, ngoài tác động đến chủ quyền của chúng ta, còn làm tăng khả năng Trung Quốc xung đột với Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và New Zealand.”

Các chuyến công du cấp cao tới Thái Bình Dương cũng diễn ra trong bối cảnh thỏa thuận an ninh Bắc Kinh-Quần đảo Solomon sắp đạt được có thể mở đường cho quân đội, vũ khí, và tàu hải quân Trung Quốc đóng quân trong khu vực.

Ông Eric Louw, giáo sư về truyền thông chính trị đã về hưu và là một chuyên gia về chống phân biệt đối xử, đã cảnh báo các lãnh đạo dân chủ không nên sử dụng viện trợ để giành chiến thắng trong cuộc chiến ảnh hưởng với Bắc Kinh.

Ông viết trên The Epoch Times: “Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Á Châu cho biết chính phủ của Quần đảo Solomon quá yếu kém đến mức các nhà tài trợ đã được cảnh báo không nên đổ quá nhiều viện trợ vào vì khả năng hấp thụ của đất nước này có hạn — quá nhiều viện trợ sẽ chỉ làm quá tải năng lực hành chính hạn chế của họ và chỉ đơn giản là thúc đẩy tham nhũng và lãng phí.”

Ông nói: “Trở lại những ngày Chiến Tranh Lạnh, các chính trị gia tham nhũng ở các nước yếu kém, kém phát triển từ Thái Bình Dương đến Phi Châu và Châu Mỹ Latinh đến Á Châu đã trở nên giàu có khi đứng giữa hai bên chống lại nhau. Có lẽ [Thủ tướng Manasseh] Sogavare nghĩ rằng thời kỳ tốt đẹp đã trở lại và ‘Chiến Tranh Lạnh mới’ có nghĩa là ông ấy có thể đồng thời chõ cái miệng của mình vào máng ăn của cả Bắc Kinh, Canberra, và Hoa Thịnh Đốn.” (T/H, ETV)