Friday, September 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Điểm ‘tín nhiệm xã hội’ của Trung Quốc không kiểm soát việc tiếp cận thực phẩm


David Williams

Ngày 10 tháng 9 năm 2024

NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ

Công dân Trung Quốc cần có điểm tín nhiệm xã hội đạt 650 để mua thực phẩm ở siêu thị.

PHÁN QUYẾT CỦA CHÚNG TÔI

Sai. Không có hệ thống tín nhiệm xã hội nào ở Trung Quốc ngăn cản người dân mua thực phẩm.

Công dân Trung Quốc không thể bị cấm mua thực phẩm do điểm tín nhiệm xã hội Hình ảnh của EPA PHOTO

AAP FACTCHECK – Công dân Trung Quốc bị cấm mua thực phẩm ở siêu thị nếu họ có dưới 650 điểm theo hệ thống điểm tín nhiệm xã hội của nước này, các bài đăng trên mạng tuyên bố.

Điều này không đúng sự thật. Ở Trung Quốc không có hệ thống quốc gia về điểm tín nhiệm xã hội nào ngăn cản người dân mua thực phẩm.

“Trung Quốc cập nhật hệ thống tín nhiệm xã hội của họ để kết hợp tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương,” một bài đăng trên Facebook cho biết. “Hiện nay, để mua thực phẩm tại siêu thị này bằng hình thức thanh toán nhận dạng khuôn mặt, bạn cần có điểm tín nhiệm xã hội tối thiểu là 650”.

Bài đăng có một đoạn phim trong đó một người phụ nữ tuyên bố rằng cô ấy không thể mua được thực phẩm – không phải do điểm tín nhiệm xã hội thấp, mà vì cô ấy không thể liên kết nhận dạng khuôn mặt với thẻ ngân hàng của mình.

Điểm tín nhiệm xã hội không được đề cập trong đoạn phim đó. 

Một bài đăng khác cũng đưa ra tuyên bố tương tự, nhưng chia sẻ một đoạn phim khác.

Trong đoạn phim này, một người phụ nữ mua thực phẩm từ một siêu thị qua hệ thống thanh toán chấp nhận nhận dạng khuôn mặt. Không hề đề cập đến điểm tín nhiệm xã hội.

Một tuyên bố tương tự được đưa ra trong một bài đăng trên X: “Hiện tại, bạn cần Điểm Tín nhiệm Xã hội tối thiểu là 650 để ăn tối tại Burger King ở Trung Quốc… Mọi thứ đều vui cho đến khi điểm tín nhiệm xã hội của bạn (<650) không cho phép bạn mua đồ ăn nữa”.

Jeremy Daum, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Luật Yale có trụ sở tại Bắc Kinh, đã xác định người dùng X đó là một nguồn thông tin sai lệch chính về hệ thống “tín nhiệm” của Trung Quốc.

“Rất nhiều đánh giá của người tiêu dùng/người dùng trong các ứng dụng và nền tảng trang mạng (tương tự như các đánh giá trên Uber, Amazon, Quora) được gọi là ‘tín nhiệm’ trong tiếng Trung Quốc”, ông Daum nói với AAP FactCheck.

“(Tài khoản X) thường xuyên đăng các câu chuyện bằng tiếng Hoa có từ ‘tín nhiệm’ hoặc điểm số trong đó, và tuyên bố rằng chúng là thứ gì đó đen tối trong tín nhiệm xã hội. Những bài đăng này được đón nhận trên các mạng xã hội khác”.

Các đoạn phim này tập trung vào nhận dạng khuôn mặt, không phải điểm tín nhiệm xã hội. 

Trung Quốc đã công bố kế hoạch về một hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội vào năm 2014.

Bài viết của Viện Công nghệ Massachusetts giải thích rằng hệ thống đó dự kiến sẽ sẵn sàng vào năm 2020, nhưng các quy định về cách thức hoạt động của hệ thống vẫn đang được xem xét.

Một bài viết trên Wired năm 2017 đã chỉ ra rằng một số hệ thống tín nhiệm xã hội tự nguyện và được bản địa hóa đã sẵn sàng.

Một trong những hệ thống này cung cấp cho người dùng khả ký được khoản cho vay lên đến 5.000 nhân dân tệ (1.050 đô la Australia). Nếu người dùng đạt 650 điểm, họ có thể thuê xe mà không cần đặt cọc.

Tuy nhiên, không nơi nào đề xuất rằng điểm dưới 650 sẽ hạn chế việc mua thực phẩm.

Ông Daum xác nhận Trung Quốc hiện không có hệ thống quốc gia về chấm điểm công dân và nói rằng “không có luật nào cấm mua thực phẩm hoặc đồ ăn”. 

Ông nói: “Có một hệ thống được gọi là ‘tín nhiệm xã hội’ chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp, nhưng không nhằm mục đích xếp hạng mà nhằm chia sẻ hồ sơ về các hành vi vi phạm pháp luật và giấy phép của chính phủ của một công ty.

“Một số địa phương đã thử ‘hệ thống điểm’ cho các cá nhân, nhưng chính phủ cấp quốc gia này yêu cầu không bao giờ được áp dụng hình phạt dựa trên hệ thống này, và hình phạt chỉ có thể được đưa ra khi vi phạm luật pháp và quy định mà thôi”.

Ông Daum cho biết các bài đăng có thể bắt nguồn từ những ám chỉ tại Trung Quốc về “hệ thống tín nhiệm” của một công ty giao hàng, chuỗi cửa hàng đồ ăn hoặc công ty thanh toán – như điểm thưởng cho khách hàng trung thành – bao gồm đến các ưu đãi thay vì cấm mua hàng.

Không có luật nào ở Trung Quốc cấm người dân mua thực phẩm. 

Học giả Rogier Creemers của Đại học Leiden, một chuyên gia về công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc, cho biết những tuyên bố này là “hoàn toàn vô nghĩa”.

“Không có hệ thống quốc gia về tín nhiệm xã hội nào ở Trung Quốc sử dụng loại điểm định lượng này,” Tiến sĩ Creemers nói với AAP FactCheck

“Có một số hệ thống địa phương, nhưng bất kỳ lệnh trừng phạt nào theo hệ thống như vậy thường chỉ giới hạn ở những điều như giảm quyền tiếp cận trợ cấp của chính phủ và các hình thức hỗ trợ khác của nhà nước, hoặc đủ điều kiện để làm việc tại các văn phòng chính phủ”.

Ông cho biết Trung Quốc có một hệ thống hạn chế những người nợ quá hạn tiếp cận một số sản phẩm cao cấp, nhưng không liên quan đến điểm số.

“Ví dụ, họ không thể đi trên tàu cao tốc hoặc ở trong các khách sạn sang trọng,” Tiến sĩ Creemers nói.

“Tóm lại, những bài đăng trên mạng xã hội này (có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên) là vô lý, và không có gì cho thấy bất cứ điều gì, kể cả là gần giống như thế này đang diễn ra ở Trung Quốc”.

AAP FactCheck đã bác bỏ các tuyên bố tương tự khác, bao gồm việc người dân không thể sạc xe điện nếu điểm số của họ dưới 550 điểm và việc hệ thống ID (nhận dạng) kỹ thuật số của Trung Quốc được liên kết với điểm số của một người. (AAP)