Dịch COVID-19 và Trật tự Thế giới
Cách đây chỉ vài tháng, khó có ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được là một con siêu vi nhỏ bé như SARS CoV2, được biết đến dưới tên Covid-19, lại có thể gây ra một đại dịch làm đảo lộn cả thế giới trong một thời gian rất ngắn.
Xuất phát từ thành phố Vũ Hán trong những tháng cuối năm 2019, virus Covid giờ đã có mặt trên khắp thế giới, lây nhiễm cho hơn 2.4 triệu người và giết chết hơn 165.000 người – theo các số liệu do Đại học John Hopkins công bố vào ngày 20/4/2020.
Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe công lớn chưa từng thấy, và cách đáp ứng của Trung Quốc, nơi dịch xuất phát, và của thế giới còn lại trước cuộc khủng hoảng đang đặt ra những dấu hỏi về các hệ quả sâu rộng và lâu dài đối với trật tự thế giới.
Một bước ngoặt toàn cầu
Giáo sư Happymon Jacob giảng dạy môn An ninh quốc gia tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Dehli, cho rằng COVID-19 sẽ thay đổi trật tự thế giới, cán cân quyền lực, các khái niệm về an ninh quốc gia, và tương lai của toàn cầu hóa.
Ông nói sự kết hợp giữa một thế giới nối kết với một con virus chết người chưa có thuốc chữa, đang đẩy nhân loại vào một tình huống chưa hề có tiền lệ.
Giáo sư Jacob nói sau đại dịch, bước ra khỏi tình trạng bị cấm cung, chúng ta phải sẵn sàng để đối diện với những thực tế chính trị và xã hội mới.
Tác giả một bài báo đăng trên trang mạng Nippon của Nhật bản cũng cho rằng dịch COVID-19 sẽ có tác động lâu dài đối với thế giới lâu sau khi đại dịch đã qua. Theo tác giả Kawashima Shin thì đại dịch Covid sẽ có những hệ quả lâu dài đối với các quan hệ quốc tế và trật tự thế giới, và nhất là chế độ cai trị ở Bắc Kinh dưới quyền ông Tập Cận Bình, nhân vật mà trong nhiều năm qua đã nuôi ‘giấc mộng Trung hoa’, và đang có tham vọng đưa nước ông lên vị trí cường quốc số một thế giới, lật đổ Hoa Kỳ ra khỏi vị trí đã chiếm giữ từ bấy lâu nay.
Trật tự Thế giới
Giáo sư Jacob nói sự lây lan hầu như không cản nổi của COVID-19 trên toàn cầu là một sự thất bại của trật tự thế giới hiện hữu và các định chế của nó.
Trật tự thế giới đó là do các nước thắng trận trong Thế chiến thứ Hai thành lập để có thể cùng giải quyết những cuộc khủng hoảng chính trị hay quân sự một cách hòa bình, không để xảy ra chiến tranh.
Nhưng COVID-19 đã phơi bày những điểm yếu của trật tự đó vào lúc xu hướng theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan nổi lên tại nhiều nơi, và một số lãnh đạo thế giới lâm vào thế bị động trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
COVID-19 phơi bày những điểm yếu nào?
Thứ nhất là những yếu kém trong cách ứng phó của thế giới trước đại dịch, phơi bày tình trạng thiếu hợp tác quốc tế nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Đại dịch COVID lan nhanh, gây chết chóc và hoang mang tới mức thay vì hợp tác, chính phủ các nước tự cô lập và lo liệu lấy để vượt qua cơn khủng hoảng.
Ngay cả trong khu vực Schengen ở châu Âu nơi mà dân được qua lại tự do không cần thị thực, nơi mà hội nhập khu vực tưởng như đã bắt rễ sau nhiều thập kỷ, các nước cũng đóng cửa biên giới, mạnh ai nấy lo.
Vấn đề thứ hai là tác động của đại dịch đối với các quyền dân chủ và tự do. Muốn hành động hiệu quả, kịp thời để chặn một đại dịch nguy hiểm như thế này, các chính quyền buộc phải hạn chế phần nào các quyền tự do cá nhân hiến định.
Các chế độ dân chủ phải hành động trong giới hạn của luật pháp, bằng cách chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và ra sức thuyết phục công chúng về sự cần thiết của các biện pháp khẩn cấp.
Vấn đề thứ 3 là những hệ quả thảm khốc của đại dịch đối với kinh tế thế giới. Liệu nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục lại để hoạt động như trước, hay đại dịch COVID-19 là một bước ngoặt, khiến các nước quay lưng với toàn cầu hóa, và rút lui để phát triển và bảo vệ kinh tế của nước mình?
Chưa bao giờ thế giới cảm nhận rõ hơn những mặt trái của sự lệ thuộc quá nặng nề vào Trung quốc, công xưởng của thế giới, để có những sản phẩm thiết yếu, từ thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang, cho tới thuốc men, như trong đại dịch COVID-19. Và chắc chắn thế giới, nhất là các nước phương Tây, sẽ phải xét lại sự lệ thuộc của mình bằng cách đa dạng hóa các nguồn cung.
Đồng thời nâng cao cảnh giác về bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh để phục vụ các lợi ích riêng tư. Theo giáo sư Jacob, những trao đổi của Bắc Kinh với cộng đồng thế giới, dù là qua các cơ quan quốc tế, hay qua các chương trình như ‘Vành đai Con đường’, vẫn nhắm mục tiêu duy nhất là thăng tiến sức mạnh và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
Bắc Kinh gần đây còn vận dụng ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế như LHQ và WHO để đặt tên lại cho đại dịch là COVID-19, thay vì ‘virus Vũ Hán’ hay ‘virus Trung quốc’ được sử dụng trong giai đoạn đầu sau khi dịch bùng phát ở Vũ Hán.
Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc vào giai đoạn này, bịt miệng các bác sĩ muốn cảnh báo về nguy cơ của đại dịch, và cự tuyệt, không cho các phái đoàn y tế Mỹ và quốc tế vào Vũ Hán nghiên cứu và giúp chặn dịch, đã nêu lên những dấu hỏi lớn về nguồn gốc của virus, và những gì đã xảy ra tại Vũ Hán.
Sau khi qua khỏi được giai đoạn tối tăm nhất, Bắc Kinh không bỏ lỡ cơ hội thế giới đang tập trung ứng phó với Covid-19 để củng cố quyền lực mềm, đẩy mạnh ảnh hưởng quốc tế, hăm he Đài Loan, và điều tàu sân bay vào Biển Đông để khẳng định tuyên bố chủ quyền ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.
Liệu COVID-19 có sẽ tác động tới toàn cầu hóa?
Các nhà kinh tế đã khuyến cáo về một cuộc đại suy thoái toàn cầu sau đại dịch.
Phản xạ đầu tiên của các nền kinh tế lớn là đóng cửa biên giới để chỉ lo chuyện nội bộ. Những điểm yếu trong cấu trúc trật tự thế giới bây giờ và cú sốc COVID-19 càng đẩy mạnh các xu hướng bảo hộ kinh tế, vốn đã được chủ nghĩa quốc gia cực đoan nuôi dưỡng.
Theo các chuyên gia thì đại dịch COVID đã vĩnh viễn thay đổi trật tự thế giới, và một trật tự thế giới chính trị và kinh tế cởi mở như trước khó có thể hồi phục. Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Ấn độ Shivshankar Menon khuyến cáo rằng “chúng ta đang hướng tới một thế giới nhỏ hơn, nghèo nàn hơn, và ích kỷ hơn.”
Nhưng ông Kuni Miyake, Chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại, một think tank của Nhật Bản, tỏ ra lạc quan hơn:
“COVID-19 tự nó không tạo ra được bất cứ gì mà ngược lại, chỉ phá hoại những gì đang có. Chỉ có con người và công nghệ trí tuệ nhân tạo mới làm ra những sản phẩm mới. Chúng ta nên nhớ rằng đại dịch “Cái Chết Đen” xảy ra vào thế kỷ 14 đã nhường chỗ cho thời kỳ Phục Hưng.”
Hoài Hương-VOA