Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Địa phương xử lý báo chí: Thêm một bước gia tăng kiểm soát truyền thông!

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa đề xuất quy định cơ quan quản lý nhà nước địa phương, có thể xử phạt vi phạm của tất cả các tờ báo, kể cả báo chí do trung ương quản lý, nếu các tờ báo này đăng tải thông tin, bị cho là sai sự thật về các vấn đề trên địa bàn.

Đề xuất vừa nói được Bộ TT&TT đưa ra trong phần sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159 của chính phủ năm 2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Cơ quan quản lý nhà nước địa phương trong đề xuất này là Sở TT&TT ở các tỉnh, thành phố.

Việc sửa đổi này theo Bộ TT&TT, thể hiện sự phân cấp, phân quyền rất mạnh, khác hẳn với các quy định trước đây.

Liệu đây có phải là bước gia tăng kiểm soát của đảng và chính phủ Việt Nam đối với truyền thông?

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 12 tháng 6 năm 2020, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nhận định:

“Trước đây, chưa phân quyền như vậy thì chỉ có một bộ phận ở trung ương lo việc này. Và nếu bây giờ đưa về các sở, các địa phương thì thêm năm mươi mấy tỉnh thành nữa, thì việc xử lý của họ sẽ nhanh nhẹn hơn, sát sao hơn. Chứ trước đây thì chỉ có Hà Nội với Sài Gòn thì sẽ hạn chế hơn, số lương người tham gia không bao quát hết được. Như vậy người ta nhận xét siết báo chí hơn là đúng.”

Tình hình báo chí ở Việt Nam theo Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, là càng ngày chính quyền càng siết chặt kiểm soát, kể cả những báo thuộc nhà nước, đặc biệt khi bị cho có biểu hiện đi chệch quan điểm của đảng. Như trường hợp Báo Phụ Nữ TPHCM online bị phạt, và rất nhiều báo khác từng bị phạt… bị đình bản…

Ngoài ra, quy định về việc cấp thẻ nhà báo cũng làm dư luận lo ngại, khi Bộ TT&TT quy định việc cấp, đổi thẻ nhà báo phải tham vấn Sở TT&TT địa phương. Trong khi các vị lãnh đạo nhà nước luôn nói đến việc đơn giản hóa thủ tục, một cửa một dấu… thì quy định của Bộ TT&TT lại tạo thêm cửa gây khó khăn cho nhà báo.

Một sạp bán báo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. Hình AFP

Nhà báo Ngô Nhật Đăng khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho biết ý kiến của mình:

“Chúng ta cũng biết là họ muốn định hướng được thông tin, không bao giờ họ buông rơi tiêu chí đó. Như thế việc cấm không cho báo chí tư nhân, tất cả các báo phục vụ định hướng dư luận, thì theo tôi nghĩ là để kiểm soát dễ dàng hơn…”

Theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, hiện dân trí đã cao hơn, trình độ nhận thức của người dân cũng cao hơn, chính quyền khó mà nhốt một xã hội rộng lớn trong một ngục tù tập thể. Ông nói tiếp:

“Chúng ta cũng thấy, nhiều bài báo bị Ban Tuyên giáo yêu cầu gỡ, nhưng nhiều quá cũng không kiểm soát được. Vì báo chí họ cũng cần phải sinh sống, cần có nhiều bạn đọc, phải có những tin khác… Vì thế họ muốn kiểm soát dễ hơn. Nhưng đó cũng là mâu thuẫn, anh đã kiểm soát toàn bộ thông tin trên xã hội mà anh còn không định hướng được, thì mục tiêu kia cũng khó đạt được.”

Theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông công bố năm 2019, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng hơn 40.000 người. Trong quy hoạch báo chí giai đoạn 2020 -2025, số lượng các tờ báo từ trung ương cũng có giảm bớt. Tuy nhiên, tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin – Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này. Tuy nhiên việc xử phạt, gỡ bài trước đây đều phải trình cơ quan quản lý trung ương hoặc văn phòng đại diện trung ương tại địa phương.

Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 12 tháng 6 năm 2020, liên lạc Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình TPHCM – HTV, và được ông cho biết:

“Mô hình tổ chức của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong lĩnh vực báo chí cũng như trong các lĩnh vực khác, là một mô hình quái dị, bởi vì nó vừa là mô hình búp bê Nga, tức cấp dưới phục tùng cấp trên, cấp trên đẻ ra cấp dưới… mà song song mô hình đó là mô hình vừa ngang vừa dọc, như một chiếc mành thưa… Đó là sự kết hợp không giống ai, tôi đơn cử ví dụ như Thủ tướng không có quyền bổ nhiệm Bộ trưởng TT&TT, mà chỉ đề nghị, rồi quốc hội phê chuẩn, nhưng thực chất ai cũng hiểu là do Bộ chính trị quyết định hết. Còn sở TT & TT địa phương thì do UBND bổ nhiệm… Song song với Bộ và Sở TT&TT thì có Ban Tuyên giáo trung ương và địa phương. Như vậy bộ máy của đảng và nhà nước là một bộ máy song trùng, dẫn đến một hậu quả bát nháo, dẫm đạp lên nhau.”

Bây giờ, Bộ TT&TT đưa ra quy định, địa phương được quyền xử phạt, gỡ bài các báo trung ương, thì theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nó phô bày việc vô hiệu hóa bộ luật dân sự và hình sự. Ông nói tiếp:

“Tôi tin rằng sở dĩ họ đẻ ra quy định này, là do vừa qua báo Phụ Nữ đụng tập đoàn Sun Group, bị xử phạt 55 triệu và đình bản một tháng. Đây không phải là lần đầu tiên, trước đó báo Tuổi Trẻ cũng bị như vậy, và hầu như các báo địa phương đều mang tâm trạng uất ức… và đã có động thái buộc trung ương phải công bằng với báo địa phương, nên mới nảy nòi ra cái quy định này. Tuy nhiên nó sẽ sinh ra cảnh hoang dã báo chi, vì nó chỉ phục vụ cho chuyện đánh phá, trả đũa lẫn nhau.”

Vì vậy, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, quyết định vừa rồi có thể là do chính quyền dự định làm cho ra vẻ có sự cởi mở giữa địa phương và trung ương, nhưng lại vô tình lộ ra chuyện trả đũa hăm he lẫn nhau. Tóm lại theo ông, luật pháp và những văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, đều vô giá trị. Vì sao? Ông giải thích:

“Vì sau khi họ ra nghị định này trong bối cảnh của Đại hội đảng, họ làm ra vẻ cởi mở phóng khoáng, nhưng để có căn cứ (lý do) đánh phá lẫn nhau. Tuy nhiên, nghị định này có một điểm rất quan trọng là các cơ quan có quyền không trả lời báo chí nếu không đúng mục đích, tôn chỉ của tờ báo. Vậy là gì khi vừa đưa ra nghị định như vậy, nhưng lại vừa kẹp lại như vậy? Nó trong tầm tay của họ, đây là hình thức cho vui vậy thôi, chứ không có giá trị gì cả.”

Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp báo chí, bắt giam nhiều nhà báo độc lập tại Việt Nam. Mới nhất là trường hợp anh Lê Hữu Minh Tuấn, một thành viên trẻ của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, vào ngày 12 tháng 6 bị cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh triệu tập làm việc và bắt đưa về Trại giam Chí Hòa.

Trước đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc Lập Phạm Chí Dũng cũng đã bị bắt vào ngày 21 tháng 11 năm 2019 và vào ngày 23 tháng 5 vừa qua, phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam Nguyễn Tường Thụy cũng bị bắt đưa từ Hà Nội vào giam tại Chí Hòa. (RFA)