Wednesday, November 6, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

ĐCSTQ muốn Nga bị cô lập để phụ thuộc vào Trung Quốc, theo chuyên gia


Một chuyên gia cho rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang hy vọng sẽ tận dụng sự cô lập hiện tại của Nga để khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên lề một hội nghị tại Nga tháng 11/2019. Hình Reuters

Tuy nhiên để đạt được mục đích đó, trước tiên Bắc Kinh sẽ phải cung cấp sự hỗ trợ cho Nga – đất nước đang nằm trong tầm ngắm của phương Tây và bị áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt vì tấn công Ukraine.

Đó là nhận định của David Goldman, nhà kinh tế học kiêm phó tổng biên tập của tờ Asia Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTDTV. Ông cho rằng: “Không phải là Trung Quốc không sẵn sàng giúp đỡ Nga. Mà Trung Quốc không muốn giúp Nga theo cách thu hút sự tức giận của phương Tây vào thời điểm này và khiến tình hình của chính nước này trở nên khó khăn hơn”.

“Trung Quốc sẽ không thực hiện các biện pháp công khai để giúp Nga tránh trừng phạt, nhưng sẽ giúp bằng nhiều cách âm thầm và không bị phát hiện. Trung Quốc sẽ giúp Nga bán dầu, bán hàng xuất khẩu của họ, v.v.”.

Bình luận của ông Goldman đặt ra câu hỏi ĐCSTQ sẵn sàng đi bao xa để giúp Nga giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của phương Tây sau cuộc chiến của Tổng thống Vladamir Putin nhắm vào Ukraine.

Trước đó, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào đón ông Putin tới Thế vận hội Bắc Kinh vào đầu tháng 2, nơi hai người tuyên bố về mối quan hệ hợp tác song phương “không giới hạn”.

Tuy nhiên, “không giới hạn” có thể là cụm từ quá mạnh mẽ và những dấu hiệu căng thẳng giữa hai nước giờ đây dường như đang bắt đầu bộc lộ. Đáng chú ý trong đó là Trung Quốc đã thận trọng trong việc cung cấp bất kỳ hỗ trợ công khai nào cho Nga.

Tuần trước, các quốc gia phương Tây đã dẫn đầu các biện pháp trừng phạt toàn diện nhất trong lịch sử chống lại Nga, nhằm lên án nước này xâm lược Ukraine. Trung Quốc sẽ đi bao xa để giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt đó với đối tác của họ là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Các nhà phân tích lưu ý rằng Trung Quốc không muốn thu hút sự chú ý của quốc tế về quan hệ đối tác với Nga. Vì Moscow đang phải đối mặt với cuộc điều tra quốc tế sau những cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Ukraine, bao gồm cả các vụ đánh bom trường học và bệnh viện.

Các binh sĩ Ukraine tìm kiếm những quả đạn chưa nổ ở Kiev vào sáng 26/2. Hình AFP

Tuy nhiên, ĐCSTQ từ chối coi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là một “cuộc xâm lược”, và bên trong Trung Quốc đại lục đang tích cực kiểm duyệt thông tin về cuộc chiến.

Mặc dù ĐCSTQ hiện không công khai ủng hộ Nga, nhưng họ đang âm thầm làm điều đó bằng cách từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thậm chí, Chuẩn tướng Không quân đã nghỉ hưu Robert Spalding cho rằng cuộc chiến của Nga phụ thuộc vào sự “chấp thuận ngầm” của ĐCSTQ.

Thật vậy, chỉ trong tháng trước, ĐCSTQ đã ký một thỏa thuận năng lượng với Nga để xây một đường ống mới cung cấp 1,8 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên từ Nga cho Trung Quốc mỗi năm.

Khi chiến tranh bắt đầu, ĐCSTQ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhập khẩu lúa mì đối với Nga, mang lại dòng tiền cho Moscow và cung cấp cho Bắc Kinh một sản phẩm quan trọng trong bối cảnh thiếu lương thực.

Sau đó, cơ quan quản lý tài chính của ĐCSTQ đã tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia vào bất kỳ biện pháp trừng phạt tài chính nào của phương Tây đối với Nga, và các biện pháp trừng phạt này không có giá trị pháp lý.

“Chúng tôi sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt như vậy. Chúng tôi sẽ duy trì việc trao đổi kinh tế, thương mại và tài chính bình thường với tất cả các bên liên quan”, Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cho biết vào ngày 2/3.

Goldman cho rằng quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc của Trung – Nga sẽ là một mối đe dọa chiến lược “đáng gờm” đối với phương Tây. Tuy nhiên, bất chấp Nga có thể nghĩ gì, ĐCSTQ luôn có ý định chi phối mối quan hệ đối tác đó và đang sử dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây để làm điều đó.

Goldman nói: “Nếu bạn đọc báo chí của Bắc Kinh, sẽ thấy họ tin rằng hậu quả [của cuộc xung đột] là Putin quay lưng về phía đông và Nga sẽ trở nên quá tải hoặc phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ là khách hàng mua dầu và nguyên liệu chính, đồng thời là nhà cung cấp chính các sản phẩm công nghệ cao cho Nga”.

“Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến Nga không thể nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghệ cao, bao gồm cả chip máy tính, vốn là nền tảng của một nền kinh tế hiện đại. Trung Quốc chắc chắn có thể là một nguồn thay thế”.

Goldman cảnh báo ĐCSTQ có thể cố gắng làm giảm nhẹ lệnh cấm Nga tham gia SWIFT. Để đạt được điều này, ĐCSTQ có thể sử dụng các hệ thống của mình để thay thế SWIFT dựa trên các đồng nội tệ thay vì đồng đô la.

“Về lý thuyết, hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc có thể được sử dụng thay thế cho SWIFT và trên thực tế, các giao dịch tài trợ thương mại quốc tế có thể được tài trợ bằng [đồng nhân dân tệ] thay vì đô la, với điều kiện là các ngân hàng Trung Quốc sẵn sàng thực hiện việc tài trợ đó”.

“Đây không phải là vấn đề kỹ thuật… Đây là vấn đề chính trị. Trung Quốc rất ngại xuất hiện với tư cách là người trợ giúp Nga khi cả phương Tây quyết tâm trừng phạt Moscow. Trung Quốc rõ ràng sợ rằng các lệnh trừng phạt có thể được áp dụng đối với các ngân hàng Trung Quốc nếu họ can thiệp và giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây”, ông Goldman nói. (T/H, Epoch Times)