Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

ĐCSTQ che giấu dịch, người dân học cách “giải mã” tuyên truyền

Ngày 16/4 vừa qua, tờ Bitter Winter, một tạp chí nhân quyền của Ý với nguồn tin sơ cấp tại Trung Quốc, đã đăng tải bài viết về việc một số nguồn tin tại Đại lục cho biết chính quyền ĐCSTQ đang che giấu dịch bệnh COVID-19, và người dân đã học cách “giải mã” các tin tức tuyên truyền của chính quyền như thế nào.

Về việc chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh, Bitter Winter dẫn một ví dụ ở thành phố Yên Đài, một thành phố cấp quận tỉnh Sơn Đông. Theo đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin vào ngày 11/3, rằng 47 ca nhiễm COVID-19 ở thành phố Yên Đài đã ra viện sau khi phục hồi. Phó giám đốc Hội đồng Sức khỏe Yên Đài, Trương Khôi Dương, đã thông báo với truyền thông rằng không còn ca nhiễm COVID-19 nào ở thành phố này nữa. Tuy nhiên, nguồn tin tại đây đã báo với Bitter Winter rằng ngay hôm sau, một bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng đã qua đời tại một trong những bệnh viện của thành phố này.

Nguồn tin giải thích với Bitter Winter rằng chính quyền địa phương bị buộc phải báo cáo số ca nhiễm virus “về 0” vì sợ bị cấp trên khiển trách. Mặc dù vẫn liên tiếp có nhiều ca tử vong, nhưng họ không tính đó là tử vong do COVID-19.

Ngay từ giữa tháng 2, các báo cáo liên quan đến việc các ca nhiễm COVID-19 đã “về 0” thường xuyên được công bố dọc khắp Trung Quốc, nhưng nhiều nguồn tin đã báo cáo ngược lại. Đơn cử, nhiều nguồn tin tại thành phố Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông đã hé lộ với Bitter Winter rằng chính quyền địa phương che giấu sự thật về các trường hợp tử vong do COVID-19 và thậm chí dùng tiền để bịt miệng thân nhân của người bệnh, ngụy tạo nên một câu chuyện dịch bệnh đã được khống chế.

Bitter Winter cho biết, tạp chí này vẫn tiếp tục nhận được những báo cáo tương tự từ khắp vùng miền ở Trung Quốc. Trong khi nhiều người dân Trung Quốc đang bị thông tin tuyên truyền lừa dối, thì những người trong cuộc có hiểu biết về tình trạng thực tế đã thúc giục người thân ở nhà do tình tình COVID-19 vẫn nghiêm trọng.

Một người đàn ông đã nói với Bitter Winter rằng nhiều người Trung Quốc bắt đầu phát triển tư duy đọc tin do nhà nước công bố ở góc độ ngược lại. Ông dẫn chứng rằng vợ mình đã bắt đầu dự trữ lương thực ở nhà ngay sau khi chính phủ bắt đầu phủ nhận “những tin đồn” rằng năm nay Trung Quốc sẽ thiếu lương thực, và tuyên bố rằng có rất nhiều lương thực. Truyền thông nhà nước càng phủ nhận thông tin thiếu lương thực, người dân càng đổ xô đi mua tích trữ. Sự hoảng loạn đó là biểu hiện của việc người ta không còn tin vào chính quyền ĐCSTQ.

Chẳng hạn vào ngày 8/7/2019, chuyên gia lúa lai nổi tiếng của Trung Quốc, Viên Long Bình, Cựu Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ kỹ thuật lúa lai quốc gia, từng nhận xét công khai trong tài khoản WeChat về việc thiếu lương thực, còn cảnh báo rằng: “Nước khác mà không bán [lương thực cho Trung Quốc], thì [chúng ta] sẽ gặp rắc rối”. Thì đến 9/4/2020, tờ Nhân dân Nhật báo lại chính thức đăng một bài trong “Nhật báo Khoa học và Công nghệ” với tiêu đề: “Viên Long Bình: Trung Quốc sẽ không xảy ra vấn đề thiếu lương thực, hoàn toàn có thể tự cung cấp”. Rốt cuộc thì Trung Quốc thiếu hay không thiếu lương thực? Một số cư dân mạng trào phúng rằng: “Làm chuyên gia tại Trung Quốc thật không dễ dàng gì”.

Ngay cả học sinh cũng bối rối bởi thông tin do chính quyền ban bố. Trường cấp 1 và cấp 2 ở huyện Vũ Thành, thuộc thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, đã tổ chức các lớp học phòng chống dịch bệnh cho các em học sinh. Các giáo viên giải thích rằng theo thông tin Bộ Giáo dục đưa ra, COVID-19 có nguồn gốc từ dơi và những người ăn thịt động vật là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Một phụ huynh ở đây đã nói với Bitter Winter rằng, “Con trai tôi rất bối rối, bởi vì chính phủ đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ, giờ thì lại đổ tội cho loài dơi.”

“Để che đậy một lời nói dối cần hàng nghìn lời nói dối khác”, đáng tiếc là cả thế giới đang phải trả giá đắt cho những lời nói dối của chính quyền ĐCSTQ, tạp chí Bitter Winter bình luận.

Để bảo đảm an toàn, Bitter Winter không cung cấp danh tính cụ thể của các nguồn tin.

Minh Nhật tổng hợp (TTVN)