Đây là quốc gia đầu tiên cách ly người mắc đậu mùa khỉ
Nhóm Đánh giá Rủi ro của Bỉ đã ban hành quy định tự cách ly 21 ngày đối với những bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, trong bối cảnh ít nhất 4 người ở nước này được chẩn đoán nhiễm virus.
Theo RT, nhà virus học Marc Van Ranst cho biết Bỉ có ca thứ 4 mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ông lưu ý rằng, giống như 3 trường hợp trước, ca mắc thứ 4 có liên quan đến lễ hội đồng tính nam quốc tế Darklands diễn ra vào đầu tháng 5 tại thành phố Antwerp.
“Điều quan trọng là tất cả mọi người tham dự lễ hội Darklands đều phải cảnh giác với bất kỳ triệu chứng nào”, ông Ranst cảnh báo. Ông cũng nói thêm rằng, quy mô của đợt bùng phát đậu mùa khỉ ngày càng trở nên “rõ ràng hơn”.
Trong đó, lễ hội Gran Canaria ở quần đảo Canary, với sự tham gia của khoảng 80.000 người từ khắp châu Âu, đã bị coi là sự kiện siêu lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, vì có liên quan đến các ca mắc ở Tây Ban Nha, Italy và Tenerife. Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) đã trở thành điểm nóng của virus đậu mùa khỉ khi có trên 30 người được chẩn đoán mắc bệnh này.
Tuy nhiên, nhà tổ chức sự kiện này bày tỏ quan điểm: “Có lý do để giả định virus có nguồn gốc từ những du khách nước ngoài đến lễ hội khi các trường hợp gần đây xuất hiện ở các quốc gia khác”.
Mặc dù Chính phủ Bỉ đã cảnh báo các trường hợp có triệu chứng phải hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly cho tới khi vết thương dịu đi, nhưng họ cũng yêu cầu những người này đến phòng cấp cứu bệnh viện để gặp các chuyên gia y tế. Hai khuyến nghị mâu thuẫn này cũng có thể đã khiến tỷ lệ lây lan rộng hơn trong những ngày đầu dịch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đậu mùa ở khỉ ít gây chết người hơn bệnh đậu mùa thông thường, với tỷ lệ tử vong dưới 4%, nhưng các chuyên gia vẫn lo lắng về sự lây lan bất thường của căn bệnh này ở bên ngoài châu Phi.
Tính đến ngày 21/5, đã có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở hơn chục quốc gia trên thế giới, gồm Hà Lan, Pháp, Đức, Anh, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Canada, Israel, Thụy Sỹ, Australia và Mỹ.
Nước Anh cũng đang chứng kiến số ca mắc tăng lên từng ngày, dù có những trường hợp không hề liên quan với cá nhân nào ở tây Phi, khu vực coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu. Bà Susan Hopkins, Cố vấn y tế trưởng của Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) xác nhận Anh đã ghi nhận những ca nhiễm cộng đồng trong đợt bùng dịch mới này.
Quốc gia này cũng bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc-xin đậu mùa cho những nhân viên y tế có nguy cơ trong lúc chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ cho biết có đủ vắc-xin trong Kho dự trữ chiến lược quốc gia (SNS) để tiêm phòng cho toàn bộ dân số. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/5 cũng đưa ra lời khuyên người dân nên đề phòng bệnh đậu mùa khỉ, cũng như cảnh báo hậu quả nếu căn bệnh này tiếp tục lây lan hơn nữa.
Ông cũng cho biết: “Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ để tìm giải pháp và tìm ra loại vắc-xin nào có hiệu quả với căn bệnh này”.
WHO nhận định, hiện thế giới chưa có vắc-xin đặc hiệu cho bệnh đậu mùa khỉ, nhưng dữ liệu cho thấy các loại vắc-xin sử dụng để phòng ngừa bệnh đậu mùa có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ lên tới 85%.
Hôm 20/5, tổ chức này đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về bệnh đậu khỉ khi số ca nghi ngờ đã tăng lên hơn 100. Nội dung trọng tâm trong chương trình họp của WHO là các cơ chế đằng sau sự lây lan của virus và chiến lược tiêm chủng có thể triển khai để phòng bệnh đậu mùa khỉ. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đang xem xét liệu vắc-xin đậu mùa có thể được sử dụng hiệu quả để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ hay không.
Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây truyền giữa người với người. Virus chỉ lây lan khi mọi người tiếp xúc lâu với tổn thương, dịch cơ thể, giọt đường hô hấp hoặc đồ vật dính virus như chăn ga gối đệm.
Thời gian ủ bệnh của đậu mùa khỉ là từ 5 đến 21 ngày nên mọi người được cảnh báo là phải cẩn trọng trong 3 tuần sau khi phơi nhiễm hoặc phát hiện mắc bệnh. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, nhức đầu, sưng hạch bạch huyết, đau lưng và cơ; sau đó là xuất hiện phát ban với mụn mủ trên mặt, tay và các nơi khác trên cơ thể. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện trong vòng một và hai tuần kể từ khi nhiễm bệnh.
Bệnh đậu mùa khi lần đầu được phát hiện vào năm 1958. Ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Có 2 chủng đậu mùa khỉ, một chủng ở Tây Phi và một chủng ở trung Phi. Đợt bùng phát đậu mùa mới đây được cho là gây ra bởi chủng Tây Phi nhẹ hơn. (T/H, M/A)