Monday, April 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đảng CSVN quyết tâm truy bắt bằng được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn


Ban Nội chinh Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm Thứ Tư 16/8 nêu quyết tâm bắt bằng được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), bất chấp việc bà này đã bỏ trốn và bị xét xử vắng mặt.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Hình AIC Group

Trả lời báo chí trong buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Văn Yên – Phó Ban Nội chính Trung ương nói:

“Khi anh mới là đối tượng truy nã thôi, chưa có bản án thì rất khó khăn trong hợp tác quốc tế, nhưng khi bản án tuyên có hiệu lực thì anh là tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế thì thế giới này không có nước nào dung tha”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn hiện đang bị truy tố trong ba vụ án liên quan đến những sai phạm trong việc đấu thầu cung cấp thiết bị cho hai bệnh viện tại Đồng Nai, Quảng Ninh và Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.

Hồi tháng 1 năm nay, bà Nhàn đã bị toà án ở Hà Nội tuyên án vắng mặt 30 năm tù về tội “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Báo Taz.de của Đức viết: “Một lần nữa kẻ đang bị Hà Nội truy lùng đã trốn sang Đức, lần này là một người đàn bà: Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Bà Nhàn đã bỏ trốn khỏi Việt Nam từ ngay trước khi vụ án đầu tiên liên quan đến bà bị công an khởi tố. Có những thông tin ban đầu cho biết bà đã trốn sang Nhật, nhưng cũng có tin cho rằng bà đang ở Đức.

Tờ báo Taz của Đức hồi đầu tháng này có bài viết cho biết bà Nhàn đang ở Đức và phía Việt Nam đã có yêu cầu Đức dẫn độ bà Nhàn về nước nhưng bị từ chối.

Cũng theo Taz thì chính phủ Đức đã cảnh báo Hà Nội không có động thái bắt cóc bà Nhàn trên đất Đức.

Trước đó, vào năm 2017, an ninh Việt Nam bị Đức cáo buộc đã sang Berlin bắt cóc cựu quan chức Chính phủ Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh về nước dù ông này lúc đó đang xin tị nạn chính trị tại Đức. Ông Thanh sau đó xuất hiện trên truyền hình Việt Nam nhận tội và sau đó bị kết án tù về tội tham nhũng.

Tờ nhật báo Taz của Đức bị Việt Nam chặn (Ảnh chụp màn hình tại Hà Nội trưa 07/08/2023)

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã khiến quan hệ của Đức và Việt Nam xấu đi trong một thời gian dài trước khi được khôi phục trở lại.

Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, người đại diện Ban Nội chính Trung ương khẳng định: “Với những nước chúng ta chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp thì thực hiện nguyên tắc “có đi có lại”. Không phải chỉ lực lượng điều tra Bộ Công an mà các lực lượng cơ quan chức năng của chúng ta ở nước ngoài, nhất là lực lượng ngoại giao, Bộ ngoại giao đều phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

“Chúng ta sẽ cố gắng quyết tâm và tôi tin rằng sẽ có kết quả”. (T/H, RFA)