Đặc phái viên chống chủ nghĩa bài Hồi giáo không thể “truy tố” những người xúc phạm Hồi giáo
Soofia Tariq
Ngày 3 tháng 10 năm 2024
NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ
Đặc phái viên mới chống chủ nghĩa bài Hồi giáo có thể truy tố bất kỳ ai xúc phạm Hồi giáo trên mạng xã hội.
PHÁN QUYẾT CỦA CHÚNG TÔI
Sai. Vai trò đó không có thẩm quyền pháp lý để khởi xướng các thủ tục tố tụng hình sự.
AAP FACTCHECK – Đặc phái viên mới chống chủ nghĩa bài Hồi giáo có thể truy tố những người Australia xúc phạm Hồi giáo trên mạng, người dùng mạng xã hội tuyên bố.
Điều này không đúng sự thật. Vai trò đó mang tính cố vấn và không có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự đối với mọi người.
Chính phủ Australia đã công bố vào ngày 30 tháng 9 rằng họ đã bổ nhiệm Aftab Malik vào vai trò mới là Đặc phái viên Chống chủ nghĩa bài Hồi giáo, gần ba tháng sau khi công bố một đặc phái viên chống chủ nghĩa bài Do Thái.
Một số tuyên bố không chính xác đã lan truyền trên mạng xã hội về bản chất của vai trò mới và quyền hạn của vai trò đó.
“Aftab Malik đã được Albanese bổ nhiệm để kiểm soát ngôn luận của chúng ta và truy tố bất kỳ ai dám nói lời tiêu cực về Hồi giáo,” hình ảnh trong một bài đăng trên Facebook cho biết.
“Ông ấy được trả lương nửa triệu đô la mỗi năm. Ông ấy sẽ khiêu khích mạng xã hội và truy tố hình sự bất cứ ai dám xúc phạm nhà tiên tri sáng lập đạo Hồi.” AAP FactCheck đã tìm thấy bài đăng gốc trên X, trước đây là Twitter, từ ngày 30 tháng 9, có hơn 2.500 lượt thích và 80.000 lượt xem.
Ý của tác giả không hoàn toàn rõ ràng khi nói rằng ông Malik có thể “truy tố bất kỳ ai” và “truy tố hình sự”.
Truy tố được định nghĩa trong Từ điển Collins là khi các cơ quan chức năng cáo buộc ai đó phạm tội và đưa họ ra xét xử.
Từ điển Merriam-Webster định nghĩa từ đó là “thực hiện hành động pháp lý” hoặc “tiến hành tố tụng pháp lý”.
Tuy nhiên, vai trò đó không có quyền hạn pháp lý để cho phép ông Malik truy tố mọi người hoặc khởi tố tại tòa án.
Ông ấy chỉ có quyền hạn giống như bất kỳ người Australia nào khác trong việc báo cáo các hành vi phạm tội.
Giáo sư Luke McNamara, thuộc Khoa Luật và Công lý của UNSW (Đại học New South Wales) nói với AAP FactCheck rằng tuyên bố đó là sai. “Đặc phái viên chống chủ nghĩa bài Hồi giáo (giống như đặc phái viên chống chủ nghĩa bài Do Thái) không có quyền truy tố hoặc bắt đầu các thủ tục pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào,” ông nói.
Giáo sư Karima Laachir, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo của ANU (Đại học Quốc gia Úc), nói với AAP FactCheck rằng vai trò đó mang tính biểu tượng.
“Đã có những luật lệ và quy định hiện hành cấm phát ngôn thù địch dưới mọi hình thức, bao gồm cả hành vi kỳ thị và phân biệt chủng tộc đối với người Hồi giáo,” bà nói.
“Vai trò đó giống như vai trò cố vấn, mang tính biểu tượng với mục đích là làm việc với các cộng đồng cơ sở ở Australia và xem xét cách chúng ta có thể cùng nhau chống lại tình trạng gia tăng của chủ nghĩa bài Hồi giáo qua nhiều phương tiện và phương pháp khác nhau.”
Giáo sư Laachir nói thêm rằng đặc phái viên đó có khả năng sẽ làm việc với đặc phái viên chống chủ nghĩa bài Do Thái để giải quyết các vấn đề phát sinh từ xung đột ở Trung Đông.
Bộ Nội vụ cũng xác nhận với AAP FactCheck rằng đặc phái viên là vai trò cố vấn và ông Malik không có thẩm quyền thực thi pháp luật để truy tố hình sự.
“Ông Malik sẽ tư vấn cho Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Di trú và Đa văn hóa, và An ninh Mạng, đồng thời hỗ trợ chính phủ chống lại chủ nghĩa bài Hồi giáo,” một phát ngôn viên của bộ này cho biết.
Người phát ngôn nói thêm rằng ông Malik sẽ làm như vậy “bằng cách xem xét và giải quyết các động lực của hành vi trên mạng và mạng xã hội, phương tiện truyền thông truyền thống, và trong các lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật, văn hóa và các ngành kỹ nghệ.”
Các bài đăng đó cũng tuyên bố ông Malik sẽ được trả lương 500.000 đô la một năm.
Khi được AAP FactCheck hỏi rằng thông tin đó có chính xác không, bộ này đã không sẵn sàng đưa ra một con số cụ thể, nhưng người phát ngôn cho biết tiền lương tương xứng với kỹ năng và kinh nghiệm của họ, và phù hợp với Quyết định Năm 2024 của Tòa Đặc trách về Tiền lương. (AAP)