Đã đến lúc Úc chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin 99 năm với TQ
Bộ Quốc Phòng Úc đang xem xét lại hợp đồng cho tập đoàn Trung Quốc Landbridge thuê cảng Darwin (miền bắc) trong vòng 99 năm. Thủ tướng Scott Morrison khẳng định “chính phủ sẽ hành động” nếu “cơ quan tình báo cho rằng có những rủi ro đối với ninh quốc gia” liên quan đến hợp đồng trị giá 506 triệu đô la Úc (390 triệu đô la Mỹ).
Cuối năm 2020, Úc thông qua một đạo luật cho phép chính phủ liên bang hủy bỏ các thỏa thuận được ký kết giữa các bang và nước ngoài. Nhờ biện pháp này, một biên bản ghi nhớ giữa chính quyền bang Victoria và Trung Quốc liên quan đến dự án Một Vành Đai, Một Con Đường đã được hủy bỏ.
Cảng Darwin, được tập đoàn Trung Quốc Landbridge ca ngợi trong một đoạn video quảng cáo năm 2019 là một trong những mắt xích của dự án hạ tầng đầy tham vọng của chủ tịch Tập Cận Bình, hiện trở thành một điểm chiến lược quan trọng đối với an ninh quốc gia Úc. Vì vậy, theo ông Peter Jennings, giám đốc điều hành của ASPI, “đã đến lúc chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin” với bốn điểm thay đổi được nêu trong bài phân tích ngày 04/05/2021.
Thứ nhất, Trung Quốc, dưới thời Tập Cận Bình, ngày càng hung hăng tìm cách thống trị vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, hất Mỹ để trở thành lực lượng quân sự chính trong vùng, làm suy yếu các đồng minh của Hoa Kỳ và trừng trị mọi ý kiến đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh.
Hiện giờ Canberra “vỡ mộng” về “khả năng lớn mạnh của Trung Quốc chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ an ninh trong khu vực và thế giới” được ca ngợi trong Sách Trắng Ngoại Giao của Úc năm 2017. Trung Quốc tung hoành ở Biển Đông và biển Hoa Đông, uy hiếp Đài Loan, đe dọa Úc… Theo nhà nghiên cứu Úc, Bắc Kinh tỏ rõ mục đích phá vỡ trật tự thế giới, thay vào đó là sự kiểm soát chuyên quyền.
Thứ hai, hợp tác kinh tế “đôi bên cùng có lợi” hiện trở thành công cụ bắt chẹt và trừng phạt của Trung Quốc. Canberra bất lực nhìn Bắc Kinh lần lượt tăng thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu chính như rượu vang, thịt bò, nông phẩm… Bắc Kinh không ngần ngại trừng phạt mọi bất đồng nào bị cho là mang tính “phá hoại”. Và theo những phát biểu của đại sứ Trung Quốc tại Úc, chính Canberra phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ tiêu cực song phương hiện nay.
Thứ ba, chủ tịch Tập Cận Bình gia tăng quyền kiểm soát của đảng Cộng Sản đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và Hồng Kông, thông qua Luật Tình báo Quốc gia 2017 và Luật An ninh Quốc gia được áp dụng ở đặc khu hành chính từ năm 2020. Bằng chứng mới nhất về sức mạnh của Đảng là trường hợp nhà tỉ phú Mã Vân của tập đoàn Alibaba bị “thất sủng”.
Tập đoàn Landbrigde, quản lý cảng Darwin, không nằm ngoài quy luật này, thậm chí khẳng định là “đang thực hiện giấc mộng Trung Hoa”. Liệu “nhiệt thành” của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với mục tiêu đề ra của đảng Cộng Sản có tác động đến những công trình hạ tầng trọng yếu ở Úc do phía Trung Quốc kiểm soát vào lúc mà Bắc Kinh muốn “trừng phạt” Canberra không ?
Thứ tư, chiến lược về Trung Quốc của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã thay đổi. Trước nguy cơ xung đột gia tăng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Washington áp dụng chiến lược “phân tán” lực lượng để giảm bớt khả năng đối thủ tấn công vào những khu vực quan trọng Guam và Nhật Bản.
Theo kịch bản này, miền bắc Úc có vị trí chiến lược quan trọng hơn đối với an ninh trong vùng, không chỉ đối với Úc mà còn cho cả các đồng minh đối tác của Canberra. Vì vậy, việc kiểm soát cảng cũng trở nên quan trọng hơn so với tình hình năm 2015, khi bộ trưởng Quốc Phòng Úc lúc đó, Dennis Richardson, khẳng định hợp đồng cho thuê cảng Darwin trong vòng 99 năm không hề đe dọa đến an ninh quốc phòng, dù cảng Darwin chỉ cách cảng HMAS Coonawarra của Hải Quân Úc khoảng 8 km.
Nhà nghiên cứu Úc cho rằng trước một Trung Quốc không che giấu tham vọng thống trị khu vực, các nước trong vùng phải đánh giá lại những rủi ro của các công trình hạ tầng có liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc. Phá vỡ hy vọng kinh doanh cùng có lợi là việc hi hữu, gây khó chịu nhưng có lẽ là điều cần thiết để định hình thực tế chiến lược dựa trên những gì đang xảy ra. (RFI)