Cuộc chiến sinh tồn đối với các chủ hàng hải sản Fukushima sau kế hoạch xả thải
Ngày xả nước thải từ nhà máy Fukushima có thể đánh dấu sự khởi đầu của một trận chiến mới đối với người dân địa phương.
Một buổi sáng như thường lệ, Takashi Nakajima – chủ một siêu thị bán hải sản – thành thục thái từng lát cá tráp biển và cá thu ngựa tươi nguyên, đặt chúng vào đĩa ăn liền để bán cho khách tại cửa hàng ông được thừa kế từ thời ông cha. Tất cả nguyên liệu đều được đánh bắt tại địa phương Fukushima.
Ông Nakajima cho biết phải mất một thời gian dài khách hàng mới quay lại với hải sản được đánh bắt từ vùng biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phá hủy trong trận sóng thần năm 2011. Giờ đây, với kế hoạch xả nước thải của nhà máy đã qua xử lý, ông Nakajima một lần nữa lo sợ khách hàng tiếp tục cảnh giác như ban đầu.
“Nếu được pha loãng với một lượng lớn nước biển, tất nhiên mức độ khi được pha loãng sẽ được coi là an toàn. Vấn đề là việc xả nước này sẽ diễn ra trong ít nhất 30 năm”, người đàn ông 67 tuổi trăn trở khi siêu thị ông vận hành chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 45 km về phía Bắc.
Ngày 22/8, chính phủ Nhật Bản thông báo họ sẽ bắt đầu xả hơn 1 triệu tấn nước thải đã qua xử lý vào ngày 24/8. Trước đó, đầu tháng 7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã công bố báo cáo cuối cùng nêu rõ quá trình xả nước thải bị nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đáp ứng các tiểu chuẩn an toàn toàn cầu. IAEA cũng cho biết việc xả nước thải sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường. Mặc dù vậy, các ngư dân địa phương và quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn lo ngại về chất lượng của các sản phẩm thủy sản.
Chính phủ Nhật Bản cho biết nước thải đã được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ triti và nồng độ của chúng sẽ thấp hơn nhiều so với mức được quốc tế chấp thuận sau khi pha loãng.
Ông Nakajima hồi tưởng lại khung cảnh ế ẩm trong những tháng sau thảm họa hạt nhân. Sự cố đã phát tán bức xạ vào bầu khí quyển với bán kính hàng trăm kilomet. Khách hàng xa lánh những sản phẩm vốn được coi là nguồn sinh kế của chính cộng đồng Fukushima. Chính Nakajima cũng dần mất niềm tin vào sản phẩm mình bán.
Trong những năm qua, khách hàng dần quay trở lại khi kết quả các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm âm tính với mức độ phóng xạ bất thường. Những khách hàng lâu năm như ngư dân Yasutaka Shishido cũng chủ động, không ngần ngại mua cá và rau trồng tại địa phương.
Tuy nhiên, với Nakajima và nhiều người dân khác, ngày xả thải có thể đánh dấu sự khởi đầu của một trận chiến sinh tồn mới.
“Chưa có nghiên cứu khoa học nào cho ra được kết quả về những gì sẽ xảy ra do việc xả toàn bộ nước trong suốt 30 năm. Việc xả thải là cực kỳ phản khoa học và chắc chắn sẽ làm giảm doanh số bán cá”, ông Nakajima chia sẻ, đồng thời cho biết thêm ông có thể thực hiện hành động pháp lý mới để dừng kế hoạch này.
Để giúp ngành đánh bắt cá đối mặt với những thiệt hại về mặt uy tín có thể xảy ra như doanh số bán hàng giảm do kế hoạch xả thải, chính phủ Nhật Bản đã thành lập quỹ với tổng trị giá 80 tỷ yên để giúp phát triển các kênh bán hàng mới và đông lạnh lượng cá dư thừa cho đến khi nhu cầu phục hồi. (T/H, tintuc)