Friday, January 3, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cúm gia cầm tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới, đe dọa nguồn cung thịt gia cầm


Cúm gia cầm tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, đe dọa nguồn cung thịt gia cầm.

Căn bệnh này hết sức nguy hiểm đối với gia cầm, đến mức toàn bộ đàn gia cầm thường bị tiêu hủy ngay cả khi chỉ một con có kết quả xét nghiệm dương tính.

Các bác sĩ thú y và các chuyên gia về dịch bệnh nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng virus gây bệnh từ gia cầm đã lần đầu tiên lây lan sang một số loài chim hoang dã có thể truyền virus sang gia cầm.

Các chuyên gia y tế hiện cảnh báo rằng căn bệnh này là một vấn đề quanh năm, khi những người chăn nuôi gia cầm gặp rất nhiều khó khăn để bảo vệ đàn gia súc của họ.

Các chuyên gia cho biết dường như các loài thủy cầm như vịt và ngỗng hiện có thể mang mầm bệnh cúm gia cầm mà không có biểu hiện bệnh và dễ dàng lây lan chúng sang các loại gia cầm nuôi như gà và gà tây.

Các loài chim hoang dã chịu trách nhiệm chính trong việc phát tán virus và có thể mang mầm bệnh mà không chết và truyền bệnh cho gia cầm thông qua các chất thải cơ thể bị ô nhiễm.

Hơn 20 chuyên gia và nông dân trên 4 châu lục đã được Reuters phỏng vấn, họ cảnh báo rằng sự phổ biến của cúm gia cầm trong tự nhiên có thể kéo dài số vụ bùng phát ở các trang trại gia cầm và là mối đe dọa thường xuyên đối với nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới.

Các nhân viên cơ sở gia cầm giờ đây sẽ phải duy trì việc theo dõi các đợt bùng phát trong 12 tháng, thay vì chỉ tập trung vào mùa di cư mùa xuân như trước đây.

Giá trứng thế giới tăng vọt do dịch cúm gia cầm

Giá trứng toàn cầu đã tăng vọt do sự kết hợp của dịch bệnh gia cầm và lạm phát.

Điều này đã khiến một trong những nguồn protein giá rẻ căn bản nhất ngày càng tuột khỏi tay hàng triệu người nghèo trên khắp thế giới.

Sự bùng phát của virus đã lan rộng khắp Bắc và Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi và không bị thời tiết ngăn cản.

Hoa Kỳ, Anh, Pháp, và Nhật Bản đã phải chịu thiệt hại nặng nề do lượng gia cầm bị mất kỷ lục trong năm qua, khiến nhiều nông dân cảm thấy bất lực.

Vào đầu năm 2022, một chủng virus độc hại đã đến Hoa Kỳ tương tự về mặt di truyền với các trường hợp cúm gia cầm ở châu Âu và châu Á.

Tổng số gia cầm chết ở Mỹ lên tới 58 triệu con, vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2015, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.

Các chuyên gia nói với Reuters rằng nông dân ở các nước phía bắc đã thử các chiến thuật khác thường để bảo vệ gia cầm, chẳng hạn như sử dụng máy phát ra tiếng động lớn để xua đuổi chim hoang dã.

Những con gà được cứu sống tập trung trong một khu chuồng tại Khu bảo tồn miền Nam California của Farm Sanctuary ở Acton, California, hôm 05/10/2022. Một làn sóng cúm gia cầm H5N1 gây bệnh cao hiện đã xâm nhập vào miền Nam California khi mùa di cư của chim bắt đầu, gây lo ngại cho các trang trại chăn nuôi chim hoang dã và gia cầm trong vùng. Hình Mario Tama/Getty

Virus giết loài chim đến Nam Mỹ

Lần đầu tiên các quốc gia Nam Mỹ đang báo cáo các trường hợp cúm gia cầm, với Peru, Ecuador, và Bolivia đã báo cáo các trường hợp đầu tiên của họ trong những tháng gần đây.

Trong khi đó, Brazil, nước xuất cảng thịt gà hàng đầu thế giới, cho đến nay vẫn chưa có ca nhiễm nhưng vẫn trong tình trạng báo động.

Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Favaro nói với Reuters rằng nước này đã điều tra ba trường hợp nghi ngờ, nhưng tất cả các kết quả xét nghiệm đều âm tính.

Ecuador đã áp đặt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe động vật kéo dài 3 tháng hôm 29/11, hai ngày sau khi phát hiện virus, theo Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi của nước này.

Theo Reuters, hơn 1.1 triệu con chim đã chết ở Equador kể từ đó.

Argentina và Uruguay đều tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi các quan chức xác nhận sự hiện diện của căn bệnh này hôm 15/02.

Các cơ quan y tế ở Argentina đã phát hiện ra loại virus này ở các loài chim hoang dã, trong khi các mẫu từ những con thiên nga chết ở Uruguay cho kết quả dương tính.

Cúm gia cầm thường không gây hại cho con người

Cúm gia cầm cũng có thể lây nhiễm cho động vật có vú hoang dã và con người, đặc biệt là những người tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nguy cơ đối với con người là thấp.

Rose Acre Farms, nhà sản xuất trứng lớn thứ hai của Hoa Kỳ, cho biết họ đã mất khoảng 1.5 triệu con gà mái tại một trang trại ở Guthrie County, Iowa, vào năm ngoái.

Giám đốc điều hành Marcus Rust nói với Reuters rằng tất cả các nhân viên vào chuồng của họ đều phải tắm trước để loại bỏ bất kỳ dấu vết nào của virus.

Sau khi một trang trại của công ty ở Weld County, Colorado, bị tấn công hai lần trong vòng khoảng 6 tháng, dẫn đến việc tiêu hủy hơn 3 triệu con gà mái, ông Rust cho biết: “chúng tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề,” và nói thêm rằng họ “đang rất lo lắng.”

Ông Rust nói với Reuters rằng cuối cùng ông kết luận rằng gió đã thổi virus từ những cánh đồng gần đó, nơi có đàn ngỗng bay qua.

Các chuyên gia nói với Reuters về mặt phòng ngừa, chích ngừa không được coi là một giải pháp hoàn hảo, vì chúng chỉ làm giảm chứ không loại bỏ được mối đe dọa từ virus và khiến việc phát hiện sự hiện diện của nó trong đàn trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, Mexico và Liên minh Âu Châu hiện đang thực hiện hoặc đang cân nhắc việc chích ngừa cho đàn gia cầm của họ. (T/H, ETV)