Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Covid-19: WHO lẽ ra cần tuyên bố Tình trạng khẩn cấp sớm hơn để tránh đại dịch

Virus corona chủng mới, xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), đã biến thành đại dịch Covid-19 khiến hơn 3.3 triệu người chết trên toàn cầu và làm tê liệt nền kinh tế thế giới.

Trong bản báo cáo công bố ngày 12/05/2021, sau 8 tháng nghiên cứu, một nhóm chuyên gia độc lập của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã tổng kết hàng loạt nguyên nhân dẫn đến đại dịch, để rút kinh nghiệm đối phó với các khủng hoảng dịch tễ có thể xảy ra trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu, gồm 13 chuyên gia độc lập, được tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus thành lập, theo một nghị quyết được các nước thành viên của WHO thông qua vào tháng 05/2020. Đại dịch hiện nay được nhóm chuyên gia gọi là « Tchernobyl của thế kỷ XXI »« lẽ ra đã có thể tránh được », theo bà Ellen Johson Sirleaf, cựu tổng thống Liberia, đồng chủ tịch nhóm chuyên gia.

Không chỉ đích danh một thủ phạm duy nhất (như tổng thống Donald Trump vẫn cáo buộc Trung Quốc hay WHO), nhóm 13 chuyên gia đánh giá « tình hình hiện nay là do hàng loạt thất bại, thiếu sót và chậm trễ trong quá trình chuẩn bị và đối phó » với đại dịch, như « lựa chọn sai lầm chiến lược, thiếu tinh thần giải quyết bất công và một hệ thống thiếu phối hợp ».

Ảnh minh họa : một cuộc họp về Covid-19 tại trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới ở Genève, ngày 03/07/2021.
Ảnh minh họa: một cuộc họp về Covid-19 tại trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới ở Genève, ngày 07/03/2021. (Hình POOL/AFP)

Bà Helen Clark, cựu thủ tướng New Zealand, đồng chủ tịch nhóm chuyên gia, cho rằng « rõ ràng là có những chậm trễ ở Trung Quốc, nhưng điều này cũng xảy ra khắp nơi », với « thời gian chết » là toàn bộ tháng 02/2020. Nói chung, chính « sự chậm trễ, do dự và phủ nhận » đã biến dịch Covid-19 thành đại dịch.

Theo AFP, nhóm chuyên gia khuyến nghị một số cải cách để có được một hệ thống quốc tế hoàn chỉnh, để đối phó hiệu quả với dịch bệnh, bao gồm từ khâu chuẩn bị, cảnh báo đến ứng phó. Ví dụ, thành lập một Hội đồng Thế giới chống các hiểm họa dịch tễ, triển khai một hệ thống giám sát mới « minh bạch hoàn toàn », giúp Tổ Chức Y Tế Thế Giới có quyền công bố ngay lập tức những thông tin về dịch bệnh có nguy cơ trở thành đại dịch, hay tăng cường nguồn tài chính của WHO… (RFI)