Covid-19: Phần lớn các ca tử vong không phải do virus gây ra
Mọi chuyện bắt đầu từ một hốc cây lớn.
Bé trai Emile Ouamouno, hai tuổi, rất thích chơi đùa bên trong một cái hốc cây gần nhà ở Meliandou – ngôi làng nằm giữa rừng rậm Guinea.
Những con dơi cũng thích sự ấm cúng nơi hốc cây này, nên chúng trú ngụ ở đó. Bọn trẻ con thỉnh thoảng bắt dơi đem nướng ăn.
Thế rồi Emile ngã bệnh.
Vào ngày 28/12/2013, cậu bé đã không chống chọi nổi một căn bệnh ác nghiệt và bí ẩn.
Mẹ, chị gái và bà đã ở bên cạnh chăm sóc cậu. Và điều gì phải đến đã đến – sau đám tang cậu bé, căn bệnh dần bắt đầu lây lan khắp vùng.
Đại dịch Ebola
Cho đến 23/3/2014, đã có 49 trường hợp nhiễm bệnh và 29 trường hợp tử vong – và các nhà khoa học xác nhận rằng đó là virus Ebola.
Trong ba năm rưỡi tiếp theo, thế giới chứng kiến nỗi kinh hoàng khi virus này cướp đi hơn 11.325 sinh mạng.
Nhưng, trong khi điều này đang tiếp diễn thì “họa vô đơn chí”, một thảm kịch khác bắt đầu kéo đến.
Sự bùng phát dịch làm căng thẳng nghiêm trọng các nguồn lực của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại địa phương – nhiều người chết, một số lượng lớn các bệnh viện đã đóng cửa và những bệnh viện còn mở cửa thì tràn ngập bệnh nhân Ebola.
Tại ba quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất – Sierra Leone, Liberia và Guinea – mọi người bắt đầu tránh chăm sóc sức khỏe bằng mọi giá.
Họ sợ căn bệnh mới bí ẩn này, nhưng họ còn sợ các bác sĩ nhiều hơn. Tấm áo choàng màu trắng lạnh lẽo liên tưởng đến cái chết đột ngột, nhân viên y tế đã bị kỳ thị nặng nề. Mọi người không ai muốn đến gần họ.
Và kết quả tất yếu, theo một phân tích năm 2017, là đại dịch đã khiến hoạt động chăm sóc sức khỏe bị né tránh đáng kể. Số phụ nữ mang thai tìm kiếm hỗ trợ y tế khi sinh con giảm 80%, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh và số trẻ em bị sốt rét giảm 40%.
Trớ trêu thay, sau nỗ lực quốc tế mạnh mẽ để chống lại đại dịch Ebola, hệ lụy gián tiếp còn nghiêm trọng hơn chính virus Ebola.
Đại dịch Covid-19
Vào năm 2020 này, thế giới có lẽ đang phải chứng kiến một cảnh tương tự.
Ngay từ khi bắt đầu dịch, nhiều quốc gia đã trấn an công chúng rằng các cách phòng chống Covid-19 đang được ưu tiên thực hiện – giường bệnh và máy thở được đặt sẵn, các cách điều trị chưa được chứng minh tính hiệu quả cũng đã được tích trữ, và hàng ngàn bác sĩ được điều sang là việc tại các khoa hô hấp.
Ở Anh, chính phủ cam kết cung cấp tất cả mọi thứ dịch vụ y tế cần thiết để đối phó với đại dịch, “bằng bất cứ giá nào”.
Các bước tương tự đã được thực hiện ở các nước trên thế giới khi họ chiến đấu để kìm hãm tỷ lệ lây nhiễm đang đà gia tăng.
Bất cứ điều gì được coi là không khẩn cấp đều bị trì hoãn hoặc cắt giảm, từ các ca phẫu thuật cho đến các dịch vụ sức khỏe tình dục, tạm ngừng các chương trình cai nghiện thuốc lá, hỗ trợ sức khỏe tâm thần, nha khoa, tiêm chủng, tầm soát ung thư và khám sức khỏe định kỳ.
Covid-19 đã thay đổi tất thảy mọi thứ trước nay đang là quan trọng – không có cái gọi là bác sỹ dự phòng hay nguyên tắc y tế dự phòng nào nữa.
Kết quả là, sự tập trung cao độ vào một kẻ thù duy nhất đã gây ra những tác động phụ tai hại.
Chết vì không được chữa trị các bệnh khác
Các chuyên gia lo ngại rằng chết vì các bệnh như dịch tả chẳng hạn có thể vượt xa con số tử vong từ chính Covid-19.
Trên toàn cầu, nhiều bệnh nhân bị từ chối điều trị ung thư, lọc thận và phẫu thuật cấy ghép khẩn cấp, đôi khi dẫn đến hậu quả gây tử vong.
Ở vùng Balkan, nhiều phụ nữ đã buộc phải tự phá thai bằng các cách thức thiếu hiểu biết và nguy hiểm, trong khi các chuyên gia ở Anh đã báo cáo sự gia tăng bệnh nhân đau răng phải tìm cách tự chữa một cách điên rồ như dùng kẹo cao su, kìm cắt dây thép và keo dán tổng hợp.
Đã có tình trạng hoảng loạn lùng mua tích trữ hydroxychloroquin, thuốc vốn dùng để chữa bệnh sốt rét và tình trạng tự miễn dịch, và người ta thấy rằng việc các ca tử vong liên quan tới Covid-19 đã dẫn tới nạn khan hiếm loại thuốc này.
Và cũng như mọi các cuộc khủng hoảng khác, đại dịch hiện nay có vẻ như tấn công mạnh nhất vào những nước nghèo nhất.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, ở một số nơi, sự gián đoạn trong việc kiểm soát các bệnh như HIV, lao phổi và sốt rét có thể dẫn đến tổn thất ở quy mô không kém so với hậu quả mà virus corona trực tiếp gây ra.
Tương tự, các chuyên gia lo ngại rằng số lượng người tử vong vì bệnh như dịch tả có thể vượt xa những người chết do Covid-19.
Các chương trình tiêm chủng đang là mối quan ngại đặc biệt.
Tổ chức Y tế Thế giới tính toán rằng ít nhất 80 triệu trẻ em dưới một tuổi hiện có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, bại liệt và sởi, do đại dịch Covid-19 đã gây gián đoạn các chương trình tiêm chủng tại ít nhất 68 quốc gia.
Người ta trông đợi là bệnh bại liệt sẽ quay trở lại, bất chấp nỗ lực trị giá hàng tỷ đô la kéo dài cả mấy thập kỷ qua vốn đã gần xóa sổ được loại virus này trong tự nhiên. Hiện loại virus duy nhất đã bị diệt toàn bộ trong tự nhiên là loại gây bệnh đậu mùa.
Chết vì đói, nghèo và suy dinh dưỡng
Trong khi đó, David Beasley, giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (WFP), hồi tháng Tư cảnh báo rằng thế giới đang đứng trước sự bùng nổ một nạn đói – với 130 triệu người có nguy cơ bị chết vì thiếu ăn, và 135 triệu người khác đang trên bờ vực chết đói.
Cuối cùng, người ta cho rằng các biện pháp phong tỏa toàn cầu và những bất ổn kinh tế tiếp theo có thể làm tăng cái gọi là “chết vì tuyệt vọng”, bởi một số người tìm đến rượu hoặc tự tử.
Quy mô thực sự của những tổn thất từ dịch bệnh Covid-19 là gì? Liệu chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn?
Với nhà dịch tễ học Timothy Roberton, cùng với các đồng nghiệp từ Đại học Johns Hopkins, Maryland, thì hệ lụy kéo theo đã trở thành mối lo ngại gần như ngay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
“Nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến ảnh hưởng gián tiếp của dịch Ebola ở Tây Phi vào năm 2014, cho nên chúng ta biết những gì có thể xảy ra,” ông nói.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu rất chú ý đến tác động của Covid-19 đối với phụ nữ và trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp như những người ở vùng Hạ Sahara, châu Phi.
Họ đã mô hình hóa tác động của một số kịch bản gia tăng mức độ nghiêm trọng và xác định hai hệ lụy của việc phản ứng với Covid-19 có thể làm tăng số lượng thương vong.
Một điểm là sự gián đoạn của các dịch vụ y tế. “Ví dụ, điều đó có khi là do mọi người quá sợ hãi nên khước từ sự giúp đỡ y tế, tức là từ phía cầu” ông Roberton nói. “Và tiếp theo là từ phía cung – nhân viên y tế có thể bị ốm, họ không đi làm được trong đại dịch, hoặc thiếu thuốc men.”
Một điểm nữa là các gia đình không có đủ lượng thực thực phẩm, điều này có thể làm tăng độ mẫn cảm dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Tóm lại, các nhà khoa học dự đoán rằng trong trường hợp xấu nhất, việc sử dụng các dịch vụ y tế giảm tới 50% và tình trạng suy dinh dưỡng tăng lên tương ứng, thì hơn một triệu trẻ em và 56.700 bà mẹ có thể chết vì hậu quả gián tiếp từ đại dịch.
Hầu hết các trường hợp tử vong ở trẻ em là do viêm phổi hoặc mất nước do tiêu chảy, trong khi đối với phụ nữ, chúng có thể là do các biến chứng do mang thai hoặc sinh nở – như băng huyết, sản giật và nhiễm trùng máu.
“Đó là những gì chúng ta phải sẽ chứng kiến nếu họ không được điều trị cho những bệnh này – trẻ em thì không được bù nước điện giải, các bà mẹ thì không được điều trị bằng thuốc kháng sinh,” ông Roberton nói.
Khi những cái chết này được cộng thêm vào số có nguy cơ tử vong do nạn đói, thì tổng số các ca tử vong thực sự bắt đầu tăng lên.
WFP hiện đang cung cấp lương thực cho gần 100 triệu người mỗi ngày – và trong số đó, khoảng 30 triệu người hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu phần thức ăn này để sinh tồn.
Theo phân tích của WFP, 300.000 người có thể chết đói mỗi ngày trong những tháng tới, nếu WFP không thể tiếp tục cung cấp lương thực cho họ. Con số này chưa bao gồm những người mới tạm thời lâm vào cảnh đói nghèo vì đại dịch.
“Nếu nhìn toàn cảnh, ta thấy rằng thế giới đang hoạt động khá hiệu quả và số người bị đói trên thế giới đang giảm xuống,” Jane Howard, giám đốc truyền thông của WFP nói.
Bà giải thích rằng trong năm năm gần đây, xu hướng này đã đảo ngược – chủ yếu là do xung đột và biến đổi khí hậu.
“Chỉ ngay trước khi cuộc khủng hoảng virus corona nổ ra, chúng tôi đã nhận được những số liệu mới khiến chúng tôi thực sự hoảng sợ – theo đó cho thấy số người thiếu đói nghiêm trọng đã tăng vọt.”
Đại dịch hiện nay không chỉ có thể đẩy 130 triệu người vào cảnh chết đói, mà còn đe dọa các khoản đóng góp để duy trì chương trình hỗ trợ lương thực.
“Nếu nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng và các quốc gia không thể cung cấp nhiều ngân khoản như trông đợi, thì bạn biết đấy, một kịch bản hoàn toàn khác sẽ xảy ra, mà kịch bản này thì vô cùng đáng sợ,” bà Howard nói.
Nạn đói ở thành phố thời hiện đại
Chính xác thì Covid-19 sẽ đẩy con người lâm vào nạn đói diễn biến theo cách phức tạp hơn chúng ta nghĩ.
Howard giải thích rằng, trái ngược với những hình ảnh rập khuôn về những người chết đói trong những bộ phim ra hồi thập niên 1990, được miêu tả là những người thường sống ở những vùng xa xôi nhất của vùng Hạ Sahara châu Phi, ngày nay tình trạng suy dinh dưỡng cũng là một vấn đề lớn ở các thành phố – và đây là nơi mà đại dịch có thể tấn công nặng nề nhất.
“Nếu bạn sống ở một làng quê nông thôn, bạn có thể có một luống rau, hoặc bà dì của bạn có thể nuôi bò để cho bạn thịt,” bà nói.
“Bạn dù sao cũng có sẵn chút ít thực phẩm dự trữ tại chỗ. Nhưng trong một thành phố, bạn hoàn toàn có thể lâm vào tình trạng không thể đủ tiền mua vì giá cả thị trường leo thang.”
Hiện tại, mối quan ngại chính là nỗi lo cho những người lao động phổ thông, thợ lái xe kéo và công nhân xây dựng.
Ví dụ, một trong những đồng nghiệp của Howard ở Cộng hòa Congo đã nhận thấy rằng giá cả của nhiều loại lương thực cơ bản tại nơi anh sống, như bơ đậu phộng và bột khoai mì đã tăng 10% trong hai tuần hồi đầu tháng Năm.
Điều này có lẽ một phần là do các siêu thị hạn chế giờ mở cửa, nhưng chủ yếu là do Covid-19 đã bắt đầu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu – và hàng nhập khẩu đã trở nên đắt đỏ hơn.
Rồi còn bao nhiêu các loại chi phí chìm cộng thêm vào nữa. Chẳng hạn như có một phụ nữ, do không có phương tiện giao thông công cộng nào hoạt động trong thời gian phong tỏa, đã phải thuê một chiếc xe cút kít để mang thực phẩm về nhà.
Độ tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Tất nhiên, có một lý do khác khiến nhiều quốc gia có thể bị tổn thất nhân mạng nhiều hơn do các hậu quả gián tiếp của Covid-19 – đó là do độ tuổi của dân chúng.
Người ta biết rằng Covid-19 tấn công vào người cao tuổi dữ dội hơn, nhưng mức độ quả là khủng khiếp đến khó tin. Theo dữ liệu của Thành phố New York từ ngày 13/5, số ca tử vong ở những người từ 75 tuổi trở lên cao gấp 811 lần so với những người từ 17 tuổi trở xuống.
Mặt khác, các quốc gia thu nhập thấp có xu hướng có dân số trẻ hơn.
Ở quốc gia trẻ nhất thế giới – Nigeria, ở Tây Phi – tuổi trung bình chỉ là 15,2 tuổi. (Quốc gia này cũng có tỷ lệ sinh cao nhất, trung bình mỗi phụ nữ sinh 7,2 người con trong đời.) Cho đến nay, nước này báo cáo có 254 trường hợp tử vong do đại dịch Covid-19.
Ngược lại, Ý có độ tuổi trung bình dao động trong khoảng 45 tuổi, cũng là một trong những lứa tuổi có tỷ lệ tử vong cao nhất từ Covid-19, với hơn 33.000 người chết tính đến thời điểm này.
Mức độ tử vong do đại dịch gây ra hiện vẫn là chủ đề đang tranh cãi. Có thể là số người tử vong sớm hơn bình thường do virus trực tiếp gây ra thì không nhiều như những gì các số liệu đang cho thấy.
Chẳng hạn như Covid-19 gây nguy cơ tử vong cao nhất đối với nhóm người cao tuổi, nhưng nhóm người này cũng là nhóm có nguy cơ cao nhất mắc các bệnh theo mùa hoặc các bệnh khác về đường hô hấp.
Vào thời điểm này, số các ca tử vong mỗi tháng vẫn cao hơn nhiều so với số liệu trung bình cùng kỳ các năm trước.
Thế nhưng nếu như tổng số các ca tử vong về sau lại giảm xuống tới dưới mức trung bình, thì có thể là do virus corona đã khiến cho một số bệnh nhân cao tuổi từ trần sớm hơn vài tháng so với việc không nhiễm virus, thay vì là sớm hơn vài năm.
Trên thực tế, ngay cả ở những quốc gia giàu có, người ta thấy rằng về mặt dài hạn, những cái chết gián tiếp bởi virus corona rốt cuộc sẽ nhiều hơn đáng kể so với những trường hợp tử vong do tác động trực tiếp của bệnh này.
Lấy ví dụ với bệnh ung thư.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, hầu hết các công tác nhằm giúp giảm gánh nặng của bệnh ung thư và làm giảm tỷ lệ tử vong – từ xét nghiệm sinh thiết tế bào cổ tử cung cho đến tầm soát ung thư vú – đều đã bị ảnh hưởng, vì trọng tâm công tác y tế chuyển sang cấp bách cứu nhiều người nhất trong căn bệnh virus corona. Đối với một số người, điều này gây ra hậu quả chết người.
“Ung thư là căn bệnh không cho phép chần chừ chờ đợi,” Keith Hiom, giám đốc chẩn đoán sớm và điều trị ung thư tại Cancer Research UK, một tổ chức thiện nguyện chuyên tài trợ cho nghiên cứu khoa học về ung thư, nói. “Bệnh ung thư chắc chắn dễ điều trị và chữa khỏi hơn nếu được chẩn đoán sớm.”
Mặc dù vậy, bà giải thích rằng nhiều chương trình tầm soát ung thư đã bị tạm dừng trên khắp nước Anh kể từ khi thực thi lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 – có nghĩa là khoảng 1.600 trường hợp ung thư mà họ thường phát hiện ra mỗi tháng sẽ không được phát hiện trong thời điểm này.
“Đây không phải là những người ốm bệnh. Đây không phải là những người mà ta nghĩ là họ sẽ mắc bệnh ung thư. Song mục đích của các chương trình tầm soát là nhằm chẩn đoán sớm ung thư,” bà nói.
Một công cụ quan trọng khác là việc các bác sĩ gia đình giới thiệu bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ, nhưng công cụ này đang gặp vấn đề.
Dữ liệu cho thấy mọi người không chịu đến khám theo lịch hẹn vào thời điểm này, có thể là do họ sợ việc phải ra khỏi nhà.
Mà khi họ không tới khám thì bác sỹ gia đình không thể đưa ra ý kiến và giới thiệu họ tới thăm khám với các chuyên gia y tế chẩn đoán sớm ung thư – ngay cả khi người bệnh đã trong tình trạng nguy cấp.
Đối với những người đã được chẩn đoán, họ sẽ phải trải qua một quá trình trì hoãn kéo dài rồi mới được bắt đầu điều trị – và Hiom giải thích rằng khi đại dịch lắng xuống, giải quyết các ca tồn đọng sẽ là một quá trình cực kỳ chậm chạp.
Tổng cộng, một nhóm các bác sĩ ung thư ước tính rằng chỉ riêng ở nước Anh, 60.000 bệnh nhân ung thư có thể chết do sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.
Cuối cùng là vấn đề suy thoái kinh tế, vốn đã chính thức bắt đầu ở Đức và dự kiến sẽ là đợt suy thoái trầm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái tới nay.
Giống như nhiều tổ chức y tế quan trọng khác, tổ chức Cancer Research phụ thuộc vào sự đóng góp từ công chúng – và nhiều hoạt động sinh lợi nhất của họ, chẳng hạn như các sự kiện tổ chức thi chạy để xin tài trợ, hiện đều đang bị xếp lại. Không có ngân sách cũng có nghĩa là các nỗ lực nghiên cứu của họ sẽ bị đẩy lui lại nhiều năm.
Vậy ta cần làm gì để có thể giảm thiểu những tác động gián tiếp của Covid-19?
Bà Hiom rất muốn các chương trình tầm soát ung thư được nhanh chóng khởi động lại, nhưng bà cũng hy vọng đưa ra thông điệp rằng bệnh ung thư cần phải được xử lý càng sớm càng tốt – và hy vọng rằng bệnh nhân sẽ bắt đầu lại các cuộc hẹn khám sức khỏe định kỳ trong những tháng tới.
“Ung thư giai đoạn cuối phức tạp hơn nhiều, liên lụy đủ thứ và chi phí điều trị vô cùng tốn kém, theo mọi nghĩa của từ này,” bà nói. “Tốn kém cho bệnh nhân, tốn kém cho cả Cơ quan Y tế Công Anh Quốc.”
Trong khi đó, Howard chỉ ra một danh sách những việc mà kinh tế gia thường trú của WFP đã khuyến nghị.
Trong số này có những việc từ trợ giúp chính phủ trong việc cung cấp các biện pháp an toàn cho người dân – chẳng hạn như tiếp tục cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh ở trường, dù cho các trường học đóng cửa – cho đến việc duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng hàng hóa và tránh các rào cản thương mại.
“Những điều nhỏ nhặt có thể sẽ đem lại những tác động thực sự to lớn,” bà nói.
“Ví dụ, nếu bạn khăng khăng rằng các tài xế xe tải quốc tế phải cách ly, thì chuỗi cung ứng sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Vì vậy, ở miền nam châu Phi, chúng tôi đã thuyết phục các chính phủ cấp giấy đi đường cho các hãng vận chuyển hợp đồng nhất định, nhằm đảm bảo cho tài xế của họ có quyền đi qua các nơi, chở hàng hóa tới đúng địa chỉ cần thiết mà không bị cản trở gì.” (BBC)