Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

COVID-19 có thể làm tăng tỷ lệ suy tim mới

Trong một số trường hợp hiếm hoi, những người nhập viện do COVID-19 có thể bị suy tim, ngay cả khi trước đó trái tim của họ hoàn toàn khỏe mạnh.

Các phát hiện mới này được công bố trực tuyến mới đây trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, dựa trên hơn 6,439 bệnh nhân nhập viện do COVID-19 từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2020.

Nhìn chung, có 37 bệnh nhân phát triển suy tim mới (chiếm 0.6%), trong đó có 8 bệnh nhân (hầu hết là nam giới trẻ), không có tiền sử bệnh tim hoặc các yếu tố nguy cơ gây bệnh trước đó.

Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm máu hiệu quả đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như khó thở, nhịp tim nhanh, tích tụ chất lỏng, sưng phù ở chân và bàn chân.

Theo TS Anuradha Lala, Trường Y Icahn Mount Sinai, ở New York, tác giả nghiên cứu, suy tim mới dường như không phổ biến và thường xảy ra với những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim hoặc đột quỵ, hoặc có các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc tiểu đường. Đối với những trường hợp này, COVID-19 đã đẩy họ nhanh hơn dẫn đến suy tim. Nhưng một số ít bệnh nhân bị suy tim mặc dù không có yếu tố nguy cơ này. 

Các nhà nghiên cứu cho biết, sự căng thẳng khi bị ốm nặng trong bệnh viện (bao gồm cả lượng oxy đến tim ít hơn) có thể là một yếu tố dẫn đến suy tim mới. Bên cạnh đó, biến chứng tim có thể do phản ứng miễn dịch quá mạnh với SARS-CoV-2 và tình trạng viêm lan rộng trong cơ thể.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, COVID-19 có thể đã gây ra các biến chứng tim khác nhau: Đau tim, cục máu đông hoặc viêm cơ tim…

Với suy tim, một số triệu chứng (như khó thở) trùng lặp với triệu chứng của COVID-19. Nhưng các bác sĩ có những cách chẩn đoán bổ sung để xác định chính xác suy tim. Chúng bao gồm các xét nghiệm máu tìm kiếm sự gia tăng của một loại protein gọi là BNP và các xét nghiệm hình ảnh để phát hiện một số bất thường về cấu trúc hoặc chức năng trong tim.

Hiện vẫn chưa rõ, đối với một số bệnh nhân mới bị suy tim, bất kỳ bất thường cấu trúc nào trong tim có thể tồn tại hoặc liệu các dấu hiệu và triệu chứng có thể tái xuất hiện hay không.

COVID-19 vẫn còn là một căn bệnh mới, do đó, những tác động lâu dài của nó đối với tim vẫn còn được xem xét. Do đó, bất kỳ ai nhập viện vì COVID-19 và được thông báo là có “liên quan đến tim” nên được chăm sóc theo dõi với bác sĩ tim mạch. 

Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu những tác động lâu dài của COVID-19 đối với hệ tim mạch. (SKDS)