Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Covid-19: Anh phong tỏa 4 tuần, châu Âu áp lệnh hạn chế mới

Xứ Anh (England) chuẩn bị bước vào tình trạng phong tỏa kéo dài 4 tuần, kể từ thứ Năm tới.

Thủ tướng Boris Johnson nói rằng việc hành động vào lúc này sẽ khiến cho các gia đình được ở bên nhau trong dịp Giáng sinh.

Quán rượu, nhà hàng, phòng tập gym, cửa hàng bán đồ không thiết yếu và những nơi sinh hoạt tôn giáo, thờ phụng sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, trường học bậc phổ thông và đại học vẫn hoạt động.

Thủ Tướng Boris Johnson thông báo phong tỏa toàn nước Anh lần hai bắt đầu từ Thứ Năm, 5 Tháng Mười Một. (Hình: Alberto Pezzali-Pool/Getty Images)

Tuyên bố về việc phong tỏa toàn bộ đã khiến một số dân biểu Bảo thủ giận dữ, và các lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo về một “kỳ giữa đông ảm đạm”.

Ông Johnson được trông đợi sẽ có tuyên bố tại Hạ viện vào hôm thứ Hai. Các dân biểu sẽ biểu quyết về những hạn chế mới nhất vào hôm thứ Tư, và đảng Lao động đã ra chỉ dấu sẽ ủng hộ việc phong tỏa.

Ông thủ tướng nói rằng ông trông đợi việc phong tỏa sẽ kéo dài cho tới 2/12, sau đó hệ thống phân cấp mức nghiêm trọng ở mỗi vùng trong xứ Anh sẽ được tái áp dụng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội các Michael Gove nói với hãng tin Sky News rằng việc phong tỏa có thể sẽ kéo dài hơn thế.

Ông Gove nói rằng các bộ trưởng sẽ “rà soát tiến độ” nhằm đạt được tỷ lệ R, tức tỷ lệ một người nhiễm bệnh làm lây lan sang người khác, xuống mức dưới 1.

PA Media

Tranh cãi quyết liệt

Trên tờ Sunday Telegraph, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Sir Ian Duncan Smith cáo buộc ông thủ tướng đã “nhượng bộ các cố vấn khoa học”.

Sir Ian nói rằng Nhóm Cố vấn Khoa học về Các Trường hợp Khẩn cấp (SAGE) đã “gây áp lực” để chính phủ phải ra quyết định, và các thành viên của nhóm này “công khai dạy dỗ” chính phủ.

Ông thúc giục ông Johnson rằng chớ nên tiếp tục “khuyến khích các doanh nghiệp mở cửa rồi lại buộc họ phải đóng cửa trở lại”.

Chỉ vài giờ trước khi chương trình hỗ trợ trả lương cho người lao động chấm dứt, chính phủ nói chương trình này sẽ được gia hạn cho tới tháng 12. Đây là chương trình Nhà nước trả 80% lương cho người lao động phải nghỉ ở nhà.

Việc kéo dài chính sách hỗ trợ trả lương được coi là một bước đi thiết yếu để giúp tránh tình trạng các doanh nghiệp phải đóng cửa hàng loạt, trong lúc một số lãnh đạo cao cấp giới kinh doanh nói việc phong tỏa lần hai này là “cơn ác mộng trước kỳ Giáng sinh”.

Reuters

Ngành du lịch cảnh báo về nguy cơ phải “đóng cửa hoàn toàn” ngành này khi xứ Anh bước vào đợt phong tỏa thứ nhì, và kêu gọi chính phủ hỗ trợ.

Trong lúc đó, Giáo hội Công giáo ở xứ Anh mạnh mẽ chỉ trích việc chính phủ cấm các hoạt động thờ phượng đông người trong thời gian phong tỏa tới đây.

Tuy nhiên, ông Johnson đồng thời đang phải đối diện với những chỉ trích mạnh mẽ về việc đã không hành động sớm hơn sau khi SAGE kêu gọi cần áp dụng một thời gian phong tỏa ngắn vào hôm 21/9.

Lãnh đạo Đảng Lao động, Sir Keir Starmer nói rằng Chính phủ cuối cùng đã quyết định điều lẽ ra cần phải được quyết định từ nhiều tuần trước.

Nhưng ông nói thêm rằng do tình trạng trì hoãn này mà “việc phong tỏa sẽ phải kéo dài hơn, sẽ khó khăn hơn, và cái giá phải trả về nhân mạng sẽ là rất, rất thật”.

A person wearing a face mask walks past a mural of a nurse in Manchester

Hiệp hội Y khoa Anh Quốc cũng nói tổ chức này “rất lấy làm tiếc” là những cảnh báo của các chuyên gia đã không được biến thành hành động.

Trong lúc đó, nghiệp đoàn giáo viên tại xứ Anh nói rằng các trường học cần có gấp các biện pháp an toàn mới, chẳng hạn như chuyển sang chế độ dạy – học theo lịch luân chuyển, và các lớp học được duy trì ở quy mô nhỏ hơn.

Giáo sư Neil Ferguson, người đưa ra mô hình dự đoán diễn biến dịch bệnh vốn đóng vai trò then chốt trong việc ra quyết định phong tỏa lần đầu, nói rằng việc các trường đại học và trường học tiếp tục mở cửa đồng nghĩa với việc tốc lây nhiễm sẽ giảm bớt ở mức chậm hơn trong lần này.

Ông thủ tướng hôm thứ Bảy nói trong cuộc họp báo tại Downing Street rằng các biện pháp được đưa ra nhằm hạn chế một thảm họa y tế và đạo đức đối với hệ thống y tế công NHS.

Ông cảnh báo rằng mùa Giáng Sinh này sẽ “rất khác”, nhưng nói ông hy vọng việc hành động vào lúc này sẽ khiến cho các gia đình được đoàn tụ bên nhau.

Anh Quốc ghi nhận có thêm 21.915 ca nhiễm virus corona mới trong hôm thứ Bảy, nâng tổng số các trường hợp nhiễm bệnh kể từ khi đại dịch bắt đầu lên 1.011.660 trường hợp. Đã có thêm 326 người tử vong trong vòng 28 ngày kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính.

Anh là quốc gia thứ chín chạm ngưỡng có một triệu trường hợp nhiễm bệnh, sau các nước Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Argentina và Colombia.

Hiện đang có gần 11 ngàn người trong bệnh viện với các triệu chứng Covid-19, trong đó có 978 người phải dùng máy thở.

Xứ Wales và Scotland áp dụng chính sách khác xứ Anh

Tại các nơi khác ở Anh Quốc, Thủ hiến xứ Wales Mark Drakeford nói rằng thời gian “đóng cửa khẩn cấp” 17 ngày ở xứ Wales sẽ kết thúc như dự kiến vào hôm 9/11.

Ông nói nội các của ông sẽ họp vào Chủ nhật để thảo luận về các vấn đề đường biên của xứ Wales, liên quan tới các tuyên bố mà chính phủ Anh ở Downing Street đưa ra.

Thủ hiến Scotland Nicholas Sturgeon ra khuyến cáo mới, theo đó nói mọi người không nên đi tới xứ Anh hoặc từ xứ Anh tới Scotland, trừ các trường hợp cần thiết, trước khi hệ thống phân cấp mức nghiêm trọng gồm 5 mức ở Scotland bắt đầu có hiệu lực vào thứ Hai.

PA Media

Châu Âu tăng tốc đối phó virus corona

Tại những nơi khác ở châu Âu, nhiều nước đã và đang công bố những lệnh hạn chế mới trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus corona.

Áo và Bồ Đào Nha hôm thứ Bảy công bố một số hạn chế mới.

Tại Áo, các hạn chế bao gồm việc áp lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối tới 6 giờ sáng; các quán cà phê và nhà hàng sẽ chỉ phục vụ bán hàng mang đi.

Reuters

Hôm thứ Sáu, Áo ghi nhận con số kỷ lục 5.627 trường hợp lây nhiễm mới, gần tới con số 6 ngàn, là mức chính phủ nước này nói sẽ khiến các bệnh viện không còn khả năng đối phó. Sang hôm thứ Bảy, con số lây nhiễm giảm đi chút ít, còn 5.349 ca.

Các lệnh hạn chế được công bố hôm thứ Bảy sẽ có hiệu lực từ thứ Ba và kéo dài cho đến hết tháng 11.

Tại Bồ Đào Nha, các biện pháp mới, cũng được công bố hôm thứ Bảy, được áp dụng ở 70% đất nước, theo đó mọi người được yêu cầu ở nhà, trừ phi đi làm, đi học hoặc vì những lý do thiết yếu khác.

Reuters

Lệnh hạn chế áp dụng cho 121 trên tổng số 308 đơn vị hành chính trên toàn quốc, trong đó gồm cả Lisbon và Porto.

Người dân được yêu cầu ở trong nhà và làm việc từ xa, nếu có thể. Các cửa hàng phải đóng cửa vào lúc 10 giờ tối. Lệnh hạn chế sẽ được xem xét lại trong thời gian hai tuần.

Hôm thứ Bảy, Bồ Đào Nha ghi nhận có 4.007 trường hợp nhiễm mới và 39 ca tử vong; gần 2.000 người đang được điều trị trong đó có 286 người phải nằm ở khu vực điều trị đặc biệt.

Slovakia công bố đang tiến hành xét nghiệm tất cả những ai trên 10 tuổi để nhằm ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh. Dự án nhằm xét nghiệm 4 triệu người tại nước này, nơi tình trạng lây nhiễm đang tăng mạnh, được trông đợi sẽ kéo dài trong 2 dịp cuối tuần.

Ba Lan có các ca tăng mạnh trong năm ngày liên tiếp, với các bệnh nhân Covid-19 hiện chiếm 16.144 giường trong các bệnh viện, trong đó có 1.305 người phải dùng máy thở, theo Bộ y tế Ba Lan. Đã có 280 ca tử vong mới.

Tính đến thứ Bảy 31/10, Ba Lan có 340.834 trường hợp với 5.351 ca tử vong, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh châu Âu.

Các ca tử vong do Covid-19 tại Hungary tăng thêm 51 người, khiến tổng số người thiệt mạng lên tới 1.750, chính phủ nước này nói hôm thứ Bảy.

Chính phủ Hungary cũng nói số bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện lần đầu tiên đã vượt quá con số 4 ngàn.

Nước này vẫn chưa áp lệnh hạn chế đối với các sự kiện đông người. Trường học và các cửa hàng vẫn mở cửa, và các trận bóng đá vẫn được tổ chức trong thời gian xảy ra đại dịch.

Reuters

Tuy nhiên, Thủ tướng Viktor Orban nói trong cuộc một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm thứ Sáu rằng giới chức sẽ phạt những ai không đeo khẩu trang theo yêu cầu.

Tính đến thứ Bảy, Hungary có 71.413 ca, theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu.

Hy Lạp công bố phong tỏa một phần. Các nhà hàng và các hoạt động giải trí khác đóng cửa tại các thành phố chính của Hy Lạp kể từ thứ Ba.

Hy Lạp cho đến nay chưa bị nặng như ở các vùng khác của Châu Âu, tuy nhiên tình hình dịch bệnh đã tăng đều tại nước này kể từ đầu tháng 10.

Bỉ công bố quay trở lại phong tỏa toàn quốc kể từ thứ Hai tới do các số liệu mới nhất cho thấy nước này có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu.

Lệnh phong tỏa mới có nghĩa là các cửa hàng bán đồ không thiết yếu và các dịch vụ như cắt tóc sẽ phải đóng cửa cho tới giữa tháng 12.

Hơn một nửa trong số 2.000 giường bệnh trong các khu vực điều trị cấp cứu đặc biệt của nước này đã được sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19.

Pháp từ thứ Sáu trước đã áp lệnh phong tỏa mới trên toàn quốc trong thời gian một tháng. Các trường học và nơi làm việc vẫn mở cửa nhưng mọi người cần có giấy phép mới được rời nhà.

Đức cũng áp dụng các biện pháp mới kể từ thứ Hai 2/11, với việc đóng cửa các nhà hàng, quán bar và rạp hát. (BBC)