Saturday, December 28, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Coronavirus: Làm sao để giúp người thân bị trầm cảm?

Theo một cách nào đó, COVID-19 đã dạy chúng ta biết cách giúp đỡ những người gặp khó khăn…

Trong thời gian qua, đại dịch viêm phổi đã tác động sâu rộng tới đời sống của người dân. Hạn chế đi lại, cách ly nhiều khu vực, giãn cách xã hội… những điều này đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe tâm thần của người dân.

Những thay đổi này làm gia tăng nguy cơ bị trầm cảm, thông qua các yếu tố gián tiếp như: giảm hoạt động thể chất, mất đi các hoạt động vui chơi và lao động thường nhật, thiếu giao tiếp xã hội, cô đơn, thiếu đi cả cơ hội làm những việc có ý nghĩa.

Ngoài ra, bằng chứng từ các đại dịch trước đó, như SARS và cúm lợn, cho thấy các biện pháp ngăn chặn bệnh tật như cách ly xã hội và giới hạn đám đông có thể gây bất lợi cho sức khỏe tâm thần. Ngày càng có nhiều bằng chứng hơn cho thấy những thay đổi này có ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe tâm thần ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là với người trẻ tuổi.

Cách ly xã hội hay phong tỏa ngày càng ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe tâm thần ở người trẻ… (Hình Pixabay)

Tỷ lệ trầm cảm ở hai nhóm tuổi này, người lớn và người trẻ tuổi, đã và đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quan tâm, họ dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng theo thời gian. Đến năm 2030, trầm cảm sẽ là gánh nặng bệnh tật cao nhất trên toàn cầu và ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác, trong đó bao gồm cả chi phí tài chính. 

Vì vậy, mặc dù sức khỏe thể chất là trọng tâm hàng đầu trong đại dịch, nhưng việc chú ý đến sức khỏe tâm thần cũng quan trọng không kém, hai yếu tố này có liên quan với nhau.

Người bị trầm cảm rất cần những lời khuyên, ở đây chúng tôi xin phép đưa ra vài lời khuyên cho bạn nếu đang sống cùng hoặc làm việc chung với những người bị trầm cảm, và cách để giúp đỡ họ.

Tìm dấu hiệu bị trầm cảm từ hành vi

Nhiều người cảm thấy khó khăn khi yêu cầu giúp đỡ hay bày tỏ cho người khác biết họ đang cảm thấy như thế nào. Đừng cho rằng ai đó vẫn ổn chỉ vì họ nói như vậy. Bạn nên chịu khó hỏi người thân nhiều câu hỏi hơn để phát hiện ra triệu chứng trầm cảm, dù làm vậy sẽ bị trách là phiền phức. 

Nếu họ không muốn nói với bạn, hãy theo dõi hành vi của họ và chú ý bất cứ điều gì bất thường, chẳng hạn như ngủ nhiều, không ăn, nhìn vào hư vô trong thời gian dài, và tránh xa mọi thứ.

Cảm xúc của một người thường liên quan đến suy nghĩ và hành vi của họ, điều này được thể hiện trong mô hình trị liệu hành vi nhận thức. Khi mọi người cảm thấy chán nản, họ thường trải qua những luồng suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại. Vậy nên bạn hãy khuyến khích họ cố gắng nhìn vào các khía cạnh khác của vấn đề, từ đó thấy được mặt tích cực. Lúc đó, bạn hãy suy nghĩ: “Bạn có lời khuyên nào cho bạn bè trong tình huống này?” hoặc “Có cách nào tốt hơn để giải quyết vấn đề này hay không?”

Trầm cảm làm nảy sinh những suy nghĩ tự trách móc bản thân, chẳng hạn như “Tôi không tốt”, hay “Tôi lẽ ra không nên như vậy”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những suy nghĩ này, sau đó, sẽ làm tăng thêm mức độ bị trầm cảm. Sẽ rất tốt nếu bạn bày tỏ với người bị trầm cảm rằng, bạn thấu hiểu cảm xúc của họ, cho họ biết họ là người có giá trị ra sao và vấn đề họ vướng mắc sẽ mau chóng trôi qua. Cách chia sẻ này có thể giúp một người bị trầm cảm kiềm chế, không chỉ trích bản thân, tránh những cảm xúc khổ sở, và giúp họ phát triển lòng tự trọng nhiều hơn.

Những người bị trầm cảm thường thu mình khỏi các hoạt động tập thể và tránh né những người khác. Vậy nên hãy giúp những người bị trầm cảm tham gia các hoạt động nhẹ nhàng, có giá trị nho nhỏ, điều này giúp họ có cảm giác khá hơn, đồng thời giúp họ kết nối lại những việc quan trọng với cuộc sống của cá nhân. Khuyên họ cho thêm vào thời khoá biểu mỗi ngày vài công việc nhỏ, tăng cường tập thể dục, dành thời gian ngoài trời với thiên nhiên. Giúp người đó dần dần trở lại các hoạt động và mối quan hệ xã hội mà họ thấy có giá trị. Thực hiện một số kế hoạch nhỏ cùng nhau cho tương lai (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn).

Một người bị trầm cảm thường thấy khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, và có thể nhanh chóng cảm thấy quá sức khi giải quyết nhiều công việc thường nhật. Tốt nhất là giữ bình tĩnh, giữ cho các mâu thuẫn và căng thẳng trong nhà ở mức thấp nhất. Hãy hỗ trợ người đó tạo ra các giải pháp đơn giản để giải quyết các vấn đề và khuyến khích họ đưa ra các giải pháp, ý tưởng này thành hành động thay vì tránh né mọi thứ.

Một người mà phàn nàn có thể vì họ đang bị tổn thương. Chắc hẳn bạn biết khi tổn thương thì người ta sẽ cảm thấy thế nào. Người này buông những lời chỉ trích khiến bạn cảm thấy khó chịu
Hãy hỗ trợ người đó tạo ra các giải pháp đơn giản để giải quyết các vấn đề… (Shutterstock).

Tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài

Có một số phương pháp điều trị hiệu quả khác cho trầm cảm như: khuyến khích người bạn đang hỗ trợ tìm kiếm thêm sự trợ giúp (nếu cần). Có thể tìm thông tin trên mạng internet, tham gia các khóa học trị trầm cảm trực tuyến, đọc sách tự chữa trầm cảm, bằng cách liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại địa phương hoặc các dịch vụ sức khỏe tâm thần trong khu vực của bạn.

Hãy nhớ rằng, sức khỏe của bạn là vô cùng quan trọng khi hỗ trợ người bị trầm cảm. Bạn cũng nên dành thời gian tự chăm sóc bản thân tốt, như vậy bạn mới có thể đưa ra những lời khuyên và suy nghĩ tích cực đủ để giúp đỡ người khác.

Monika Parkinson là một nghiên cứu viên và nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Reading ở Anh, và Maria Loades là giảng viên cao cấp về tâm lý học lâm sàng tại Đại học Bath. Bài viết này lần đầu tiên được đăng tải trên The Conversation. (NTD, theo Epoch Times)

Cần tìm kiếm sự giúp đỡ

Cần phải nói chuyện với ai đó? Đừng đi một mình. Vui lòng liên lạc để được giúp đỡ.

• Lifeline: 13 11 14 hoặc lifeline.org.au

• Beyond Blue: 1300 22 4636 hoặc beyondblue.org.au

• Dịch vụ hỗ trợ Coronavirus của Beyond Blue: 1800 512 348 hoặc coronavirus.beyondblue.org.au

• Đường dây trợ giúp trẻ em: 1800 55 1800 hoặc kidshelpline.com.au

• Headspace: 1800 650 890 hoặc headspace.org.au