Copernicus: Thế giới vừa trải qua tháng 7 nóng thứ hai trong lịch sử
Ngày 9/8, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, tháng 7/2024 là tháng nóng thứ hai từng được ghi nhận trên trái đất.
Báo cáo hằng tháng của Copernicus cho biết, nhiệt độ tháng 7/2024 đã cao hơn 1.48 độ C so với mức tham chiếu giai đoạn 1850-1990. Trong khi đó, nền nhiệt trung bình trong 12 tháng qua cũng cao hơn 1.64 độ C so với mức trung bình những năm 1850-1990.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, hiện tượng nhiệt độ cao hơn mức trung bình đã được ghi nhận phổ biến tại các khu vực Nam Âu, Đông Âu, miền tây Hoa Kỳ, miền tây Canada cũng như ở châu Phi, Trung Đông, châu Á và đông Nam Cực. Trong khi đó, nhiệt độ gần hoặc dưới mức trung bình phổ biến ở các nước Tây Bắc Âu, tây Nam Cực và một số vùng của Mỹ, Úc và Nam Mỹ.
Tháng 7/2024 cũng chứng kiến hiện tượng băng tan nhanh hơn trên các đại dương. Điển hình như diện tích băng tại Bắc Băng Dương đã giảm so với giai đoạn 2022-2023 và thấp hơn 7% so với mức trung bình. Trong khi đó, tại Nam Cực, diện tích băng cũng thấp hơn mức trung bình 11%.
“Nhiệt độ nước biển toàn cầu đã gần mức kỷ lục, khi chỉ thấp hơn 0.1 độ C so với tháng 7/2023”, Copernicus bày tỏ sự quan ngại.
Cũng theo nghiên cứu kể trên, tháng 7/2024 ghi nhận 2 ngày nóng nhất từ trước tới nay. Copernicus cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng nêu trên chủ yếu tới từ lượng phát thải từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng lớn.
Trước đó, năm 2023, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu đã đưa ra những số liệu khẳng định: Tháng 7/2023 chính là tháng 7 nóng nhất trong lịch sử nhân loại với nhiệt độ cao bất thường được ghi nhận cả trên đất liền và trên biển. Theo đó, nhiệt độ trung bình của không khí trên bề mặt Trái đất trong tháng 7 vừa qua cao hơn 0.72 độ C so với trung bình các tháng 7 giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 0.33 độ C so với tháng 7/2019 – tháng 7 nóng nhất và cũng là tháng nóng nhất trong lịch sử trước đó. (T/H, N/D)