Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Con người có thể sống sót bao lâu khi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sau động đất?


Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thừa nhận, cơ hội tìm thấy thêm nạn nhân còn sống sót dưới các đống đổ nát sau thảm họa động đất ở 2 nước ngày càng thấp, giữa lúc số trường hợp tử vong đã tăng lên hơn 21,000 người.

Một câu chuyện kỳ diệu xảy ra ở TP Hatay, phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Hé mặt ra từ bên dưới bức tường gạch lớn, Abdulalim Muaini ra dấu hiệu yếu ớt về phía những người cứu hộ. Ông đã mắc kẹt hơn 2 ngày kể từ khi trận động đất kinh hoàng khiến ngôi nhà của ông đổ sập.
Ông Abdulalim bị mất nước và cần chăm sóc y tế: Nằm bên cạnh ông Abdulalim là vợ -bà Esra. Bà không chờ được tới khi lực lượng cứu hộ tới. Chân của Abdulalim bị mắc kẹt bên dưới đống đổ nát nhưng ông vẫn còn ý thức và có thể nói chuyện với nhân viên cứu hộ. Hình Reuters

Theo các chuyên gia, ngoài những vấn đề như quy mô quá lớn của thảm họa, thời tiết âm độ mùa đông cản trở các nỗ lực cứu hộ, phản ứng của chính quyền còn chậm, sự thiếu kinh nghiệm, nhân lực, trang thiết bị chuyên dụng cho công tác cứu hộ, thì một nguyên nhân nữa cũng góp phần dẫn đến thực tế trên là giới hạn thời gian con người có thể sống sót khi bị đất đá chôn vùi sau động đất.

Giới khoa học cho biết, về cơ bản, các nạn nhân có thể duy trì sự sống tới một tuần hoặc hơn. Song, điều này phụ thuộc vào vết thương của họ, cách họ bị mắc kẹt và điều kiện thời tiết.

Theo AP, các đội cứu hộ từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia trợ giúp các đồng nghiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tìm kiếm các nạn nhân còn sống sót sau trận động đất mạnh 7.8 độ Richter và hàng chục dư chấn sau đó hôm 6/2.

Một phụ nữ được cứu khỏi đống đổ nát sau động đất ở Elbistan, Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/2. Ảnh: AP
Một phụ nữ được cứu khỏi đống đổ nát sau động đất ở Elbistan, Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/2. Hình AP

Hầu hết các cuộc giải cứu diễn ra trong 24 giờ đầu tiên sau thảm họa. Mỗi ngày trôi qua, cơ hội sống sót của các nạn nhân lại giảm dần. Nhiều nạn nhân bị thương nặng hoặc bị các mảnh vỡ, đất đá và tảng bê tông vùi lấp.

Bên cạnh thời tiết, việc tiếp cận với nước và không khí để thở là những yếu tố thiết yếu cho sinh mạng của họ. “Thông thường, rất hiếm khi tìm thấy những người sống sót sau ngày thứ 5 đến ngày thứ 7. Hầu hết các đội tìm kiếm và cứu nạn sẽ cân nhắc dừng lại sau đó. Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu chuyện về những người sống sót sau mốc 7 ngày. Thật không may, đây thường là những trường hợp hiếm gặp và phi thường”, Tiến sĩ Jarone Lee, chuyên gia y tế khẩn cấp và thảm họa tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) nói.

Tiến sĩ George Chiampas, chuyên gia y học cấp cứu tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern lưu ý thêm, những nạn nhân bị chấn thương, bao gồm tình trạng bị dập nát và mất các chi, có ít cơ hội sống sót nhất.

Các đội cứu hộ vẫn đang tích cực làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hình ZUMA Press Inc/Alamy

“Nếu bạn không kéo họ ra ngoài trong 1 giờ, trong thời gian vàng đó, cơ hội sống sót thực sự rất thấp”, ông Chiampas giải thích. Theo chuyên gia này, những người mắc các bệnh nền, vốn có sức khỏe phụ thuộc vào thuốc men, cũng nằm trong nhóm các nạn nhân đối mặt nguy cơ tử vong cao.

Tuổi tác, tình trạng thể chất và tinh thần đều rất quan trọng. Tiến sĩ Christopher Colwell, chuyên gia y học cấp cứu tại Đại học California (San Francisco, Mỹ) thống kê, trong số ít các trường hợp nạn nhân sống sót kỳ diệu trong hoàn cảnh khắc nghiệt, họ có xu hướng là những người trẻ hơn và “đủ may mắn để tìm thấy một cái túi trong đống đổ nát hoặc bằng cách nào đó tiếp cận được các yếu tố thiết yếu như không khí và nước”.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong một tòa nhà bị sập ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ. Hình AP

Sau thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản, một thiếu niên và bà ngoại 80 tuổi của cậu được tìm thấy còn sống sau 9 ngày mắc kẹt trong ngôi nhà bị san phẳng của họ. Một năm trước đó, một thiếu nữ 16 tuổi người Haiti đã được giải cứu khỏi đống đổ nát sau 15 ngày xảy ra động đất ở Port-Au-Prince.

Căn cứ vào những trường hợp trên, ông Chiampas nhận định, trạng thái tinh thần có thể ảnh hưởng đến khả năng sống sót. Những người bị mắc kẹt bên cạnh các thi thể, những người không thể liên lạc với những người còn sống sót khác hoặc lực lượng cứu hộ có thể từ bỏ hy vọng. Trong khi, các nạn nhân ở cạnh hoặc gần ai đó còn sống sót, họ sẽ “tìm cách nương tựa vào nhau để tiếp tục chiến đấu giành giật sự sống”. (T/H, VNN)