Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Có thể loại trừ COVID-19 trong tương lai hay không?

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học New Zealand, việc loại trừ COVID-19 trên toàn cầu, về mặt lý thuyết, khả thi hơn so với việc loại bỏ bệnh bại liệt song chưa thể loại bỏ tối đa như đối với bệnh đậu mùa.

Có thể loại trừ COVID-19 trong tương lai hay không? - Ảnh 1.
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học New Zealand, việc loại trừ COVID-19 trên toàn cầu, về mặt lý thuyết, là khả thi.

Loại trừ COVID-19 là khả thi

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Otago, Wellington (New Zealand), đã được đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế BMJ Global Health (Mỹ), xếp hạng tính khả thi của việc loại bỏ ba căn bệnh này dựa trên các yếu tố kỹ thuật, chính trị xã hội và kinh tế.

Bệnh đậu mùa, đã được tuyên bố là đã diệt trừ vào năm 1980, có điểm số trung bình cao nhất về tính khả thi trong việc loại trừ. Nó có điểm trung bình là 2.7 trên thang điểm 3/17 yếu tố. COVID-19 có điểm trung bình là 1.6 và bệnh bại liệt có điểm trung bình là 1.5.

Giáo sư Nick Wilson từ Đại học Otago, Wellington (New Zealand), cho hay nghiên cứu của nhóm ông đặt việc tiêu diệt COVID-19 vào phạm vi khả thi về mặt kỹ thuật. Theo đó, sự kết hợp của các chương trình tiêm chủng, các biện pháp y tế công cộng và sự quan tâm của toàn cầu trong việc chống lại căn bệnh này đều góp phần làm cho việc loại trừ dịch bệnh này trở nên khả thi.

“Việc loại bỏ COVID-19 ở cấp quốc gia đã đạt được và duy trì trong thời gian dài ở các khu vực khác nhau của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, điều này cho thấy rằng việc loại bỏ COVID-19 trên phạm vi toàn cầu là hoàn toàn có thể” – giáo sư Wilson khẳng định.

Các chương trình tiêm chủng đóng vai trò quan trọng trong việc xóa sổ toàn cầu bệnh đậu mùa và loại trừ hiệu quả virus bại liệt. Trong khi, một số bệnh khác sắp được xóa sổ mà không cần sử dụng vắc-xin. Đơn cử, Trung Quốc gần đây đã trở thành quốc gia thứ 40 được chứng nhận không có bệnh sốt rét.

Khi xếp hạng tính khả thi của việc loại trừ dịch bệnh, các nhà nghiên cứu đã tính đến nhiều yếu tố, bao gồm sự sẵn có của vắc-xin an toàn và hiệu quả, khả năng miễn dịch suốt đời, tác động của các biện pháp y tế công cộng, công tác kiểm soát nhiễm trùng hiệu quả của các chính phủ., mối quan tâm chính trị và công chúng về sự lây nhiễm và sự chấp nhận của công chúng đối với các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.

Có thể loại trừ COVID-19 trong tương lai hay không? - Ảnh 3.
Các loại vắc-xin mới có thể sẽ được bào chế để đối phó với các chủng COVID-19 đang phát triển.

Những thách thức làm “chậm bước”

Các nhà nghiên cứu cho biết những thách thức trong việc loại trừ COVID-19 bao gồm những vắc-xin kém chất lượng ở một số quốc gia, sự xuất hiện của các biến thể của virus đại dịch có thể dễ lây truyền hơn hoặc có thể trốn tránh sự bảo vệ khỏi vắc-xin. Tuy nhiên, Giáo sư Wilson nói rằng virus này cuối cùng sẽ đạt đến giới hạn khả năng đột biến thành các dạng lây nhiễm hơn, trong khi các loại vắc-xin mới có thể sẽ được bào chế để đối phó với các chủng đang phát triển của căn bệnh này.

Những thách thức khác bao gồm chi phí tiêm chủng cao cho dân số thế giới và chi phí nâng cấp hệ thống y tế, đồng thời đạt được sự hợp tác quốc tế khi đối mặt với các phong trào phản khoa học và chủ nghĩa dân tộc vắc-xin.

Giáo sư Wilson cho biết mặc dù virus đại dịch có thể lây nhiễm sang các quần thể động vật hoang dã và động vật chăn nuôi, nhưng đây không phải là thách thức nghiêm trọng đối với việc diệt trừ.”Các ca nhiễm SARS-CoV-2 ở động vật hoang dã cho đến nay là khá hiếm và khi các động vật đồng hành bị nhiễm bệnh, chúng dường như sẽ không lây nhiễm lại cho con người” – giáo sư Wilson cho hay.

Có thể loại trừ COVID-19 trong tương lai hay không? - Ảnh 4.
Mối quan tâm toàn cầu về đại dịch COVID-19 là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc diệt trừ dịch bệnh.

Lợi ích tiêu diệt COVID-19 lớn hơn chi phí bỏ ra

Giáo sư Michael Baker từ Khoa Y tế Công cộng của Đại học Otago (Mỹ) – đồng tác giả nghiên cứu trên, cho biết mối quan tâm toàn cầu về đại dịch là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc diệt trừ dịch bệnh.

“Quy mô lớn về tác động sức khỏe, xã hội và kinh tế của COVID-19 ở hầu hết thế giới đã tạo ra mối quan tâm toàn cầu chưa từng có trong việc kiểm soát dịch bệnh và đầu tư lớn vào các chương trình tiêm chủng. Không giống như bệnh đậu mùa và bại liệt, việc kiểm soát COVID-19 được hưởng lợi từ tác động bổ sung của các biện pháp y tế công cộng, chẳng hạn như kiểm soát biên giới, ngăn cách xã hội, truy tìm tiếp xúc và đeo khẩu trang, có thể rất hiệu quả nếu được triển khai tốt” – giáo sư Baker phân tích.

Theo giáo sư Baker, việc nâng cấp hệ thống y tế để nhắm mục tiêu COVID-19 còn thể giúp kiểm soát các bệnh khác, và thậm chí có thể hỗ trợ xóa sổ bệnh sởi.

“Khi tất cả các yếu tố được tính đến, có thể lợi ích của việc tiêu diệt COVID-19 lớn hơn chi phí mà chúng ta phải bỏ ra để diệt trừ dịch bệnh, ngay cả khi việc diệt trừ mất nhiều năm và có nguy cơ thất bại đáng kể” – giáo sư Baker khẳng định.

Các nhà khoa học khẳng định, việc loại bỏ COVID-19 đã đạt được và duy trì trong thời gian dài ở một số khu vực ở Châu Á – Thái Bình Dương (đặc biệt là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Australia và New Zealand) đã cung cấp bằng chứng về khái niệm rằng việc xóa sổ dịch bệnh này trên phạm vi toàn cầu, về mặt kỹ thuật, là hoàn toàn có thể.

Tại cuộc họp báo ngày 12/8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng thế giới có thể vượt mốc 300 triệu trường hợp mắc COVID-19 vào đầu năm 2022. Ông Ghebreyesus khẳng định có thể thay đổi thực trạng này nếu cả thế giới đồng lòng cùng đối mặt giải quyết. (SKDS)