Tuesday, December 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

CNN viết gì về Việt Nam chống dịch Covid-19 không có ca tử vong?

CNN viết rằng cách chống dịch quyết liệt giúp Việt Nam không có ca tử vong. Bài báo của CNN phân tích thành công đáng khen ngợi của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh sự phản ứng nhanh chóng và các biện pháp đối phó quyết liệt.

Khi thế giới nhìn vào những thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19 ở châu Á, nhiều người quan tâm và dành sự ngợi khen cho Hàn Quốc, Đài Loan hay Hong Kong. Thế nhưng, có một câu chuyện thành công cần được nhắc tới, đó là Việt Nam.

CNN ca ngợi công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam

Thành công chống dịch dù nằm sát Trung Quốc
Đất nước với 97 triệu dân tới nay chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào tử vong vì nhiễm virus corona. Dù có đường biên giới chung kéo dài hàng nghìn km với Trung Quốc, ổ dịch ban đầu, cũng như đón tiếp hàng triệu du khách Trung Quốc tới thăm mỗi năm, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 328 ca dương tính với virus corona, bài viết của CNN nêu rõ.

Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là Việt Nam hiện là quốc gia với mức thu nhập trung bình thấp, không có hệ thống chăm sóc y tế hiện đại bằng nhiều quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam chỉ có 8 bác sĩ trên mỗi 10.000 dân, chỉ bằng 1/3 so với Hàn Quốc, theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB).

Sau 3 tuần cách ly xã hội áp dụng trên toàn quốc, Việt Nam đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào cuối tháng 4. Tới nay, Việt Nam đã trải qua hơn 40 ngày không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các doanh nghiệp và trường học mở cửa trở lại, cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường.

Một số người có thể bày tỏ sự hoài nghi về số liệu tích cực tại Việt Nam. Tuy nhiên, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tên Guy Thwaites, làm việc ở một trong các bệnh viện chính được chỉ định là nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam, cho biết số liệu được công bố phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên thực tế.

“Tôi đi tới các thôn xóm mỗi ngày, tôi biết tình hình, tôi biết không có ai tử vong”, bác sĩ Thwaites cho biết. Ông Thwaites hiện là giám đốc đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại TP.HCM.

“Nếu có các ca lây nhiễm không được báo cáo hoặc không được kiểm soát trong cộng đồng, chúng ta sẽ thấy các ca bệnh này tại bệnh viện, người bệnh sẽ nhập viện với dấu hiệu viêm phổi, điều đó không xảy ra ở Việt Nam”, ông Thwaites nói.

Làm cách nào để Việt Nam đi ngược lại xu hướng dịch bệnh toàn cầu và hầu như đã đánh bại virus corona? Câu trả lời, theo các chuyên gia y tế cộng đồng, phụ thuộc vào sự kết hợp nhiều yếu tố, từ phản ứng nhanh chóng của chính phủ trong ngăn chặn sự lây lan, theo dõi và kiểm dịch nghiêm ngặt, cho tới công tác truyền thông hiệu quả.

Người dân cung cấp mẫu xét nghiệm tại trung tâm xét nghiệm dã chiến gần Bệnh viện Bạch Mai hôm 31-3. Ảnh: CNN

Hành động từ sớm
Việt Nam bắt đầu chuẩn bị đối phó với sự lây lan của virus corona nhiều tuần trước khi ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện.

Vào thởi điểm chính quyền Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định không có “bằng chứng rõ ràng” về lây nhiễm từ người sang người, Việt Nam đã chủ động có sự phòng ngừa.

“Chúng tôi không chỉ ngồi chờ hướng dẫn từ WHO. Chúng tôi sử dụng dữ liệu thu thập được từ bên ngoài và trong nước, và quyết định có các hành động sớm”, ông Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết.

Từ đầu tháng 1, Việt Nam đã triển khai quét thân nhiệt đối với hành khách từ Vũ Hán đến sân bay quốc tế Nội Bài ở Hà Nội. Hành khách có dấu hiệu sốt bị cách ly và giám sát chặt chẽ.

Từ giữa tháng 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các cơ quan chính phủ thực hiện “các biện pháp quyết liệt” nhằm ngăn dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam, tăng cường các biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu biên giới, sân bay và bến cảng.

Ngày 23/1, Việt Nam xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, hai công dân Trung Quốc tại Việt Nam, trong đó 1 người đến từ Vũ Hán. Ngay trong ngày sau đó, nhà chức trách Việt Nam đã hủy toàn bộ chuyến bay đi và đến từ Vũ Hán.

“Chiến đấu chống đại dịch giống như chiến đấu chống giặc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố trong phiên họp của đảng Cộng sản Việt Nam hôm 27/1. Ba ngày sau đó, chính phủ Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cùng ngày với thời điểm WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế do virus corona.

Ngày 1/2, Việt Nam ban bố tình trạng dịch bệnh toàn quốc, sau khi 6 ca nhiễm virus corona được phát hiện trên cả nước. Tất cả chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc bị tạm dừng, không lâu trước khi Việt Nam dừng cấp thị thập nhập cảnh cho công dân Trung Quốc.

Trong tháng 2, các biện pháp kiểm soát du lịch, cách ly người nhập cảnh và dừng cấp thị thực nhập cảnh liên tục được mở rộng, khi dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng ra bên ngoài Trung Quốc, bùng phát ở Hàn Quốc, Iran và Italy. Đến cuối tháng 3, Việt Nam đóng cửa toàn bộ biên giới với người nước ngoài.

Việt Nam cũng nhanh chóng thực hiện các biện pháp phong tỏa chủ động. Ngày 12/2, Việt Nam phong tỏa toàn bộ một khu vực với 10.000 dân ở tỉnh Vĩnh Phúc trong 20 ngày sau khi phát hiện 7 ca nhiễm virus corona. Đây là lệnh phong tỏa quy mô lớn đầu tiên được tiến hành bên ngoài Trung Quốc.

Các trường học, với kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, được yêu cầu tiếp tục đóng cửa và chỉ trở lại hoạt động vào tháng 5.

Bác sĩ Thwaites cho biết phản ứng nhanh chóng là động lực chính phía sau sự thành công trong công tác chống dịch của Việt Nam.

“Những hành động vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 đã vượt lên trước các quốc gia khác. Chúng có tác dụng vô cùng hữu ích, giúp họ nắm giữ quyền kiểm soát tình hình”, bác sĩ Thwaites nói.

Bảng hiệu tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trên đường phố Hà Nội. Ảnh: CNN

Truy tìm người tiếp xúc gần
Những hành động sớm mang tính quyết định đã ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan trong cộng đồng, giữa số ca lây nhiễm tại Việt Nam ở 16 trường hợp cho tới ngày 13/2. Trong 3 tuần liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới, cho tới khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 xuất hiện trong tháng 3, với các ca nhiễm là người Việt Nam trở về từ nước ngoài.

Nhà chức trách đã truy tìm nghiêm ngặt những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19, yêu cầu họ tiến hành cách ly bắt buộc trong 14 ngày.

“Chúng tôi có hệ thống hiệu quả: cơ quan kiểm soát dịch bệnh tại 63 tỉnh, hơn 700 cơ quan cấp quận huyện, và 11.000 trung tâm y tế cấp phường xã. Tất cả đều được huy động để truy dấu những người tiếp xúc với bệnh nhân”, ông Phạm Quang Thái nói.

Mỗi bệnh nhân nhiễm virus corona được yêu cầu cung cấp danh sách chi tiết người tiếp xúc trong vòng 14 ngày trước đó. Thông báo được đăng tải trên báo chí và truyền hình để cảnh báo người dân về thời gian và lịch trình di chuyển của bệnh nhân, đồng thời kêu gọi người dân trình diện trước cơ quan y tế để xét nghiệm nếu có dấu hiệu nghi ngờ.

Khi bệnh viện Bạch Mai ở thủ đô Hà Nội, một trong những bệnh viện lớn nhất Việt Nam, trở thành điểm nóng dịch bệnh với hàng chục ca lây nhiễm trong tháng 3, nhà chức trách đã phong tỏa cơ sở này, đồng thời truy tìm hơn 100.000 người có liên quan tới bệnh viện.

“Bằng cách truy tìm người tiếp xúc, chúng tôi xác định được phần lớn người liên quan và yêu cầu họ tự cách ly tại nhà, nếu họ có triệu chứng, họ có thể tới trung tâm y tế để xét nghiệm miễn phí”, ông Phạm Quang Thái cho biết.

Công tác truy tìm người tiếp xúc với bệnh nhân được Việt Nam tiến hành hết sức tỉ mỉ, không dừng lại ở những ca tiếp xúc trực tiếp, mà tới cả những đối tượng tiếp xúc gián tiếp.

“Đó là một trong những điều khác biệt trong cách phản ứng của họ. Tôi không nghĩ có bất cứ quốc gia nào khác tiến hành cách ly tới mức độ như vậy”, ông Thwaites cho biết.

Tất cả trường hợp tiếp xúc trực tiếp được yêu cầu cách ly tại trung tâm y tế, khách sạn hoặc doanh trại quân đội do nhà nước quản lý. Một số ca tiếp xúc gián tiếp được yêu cầu cách ly tại gia.

Tới ngày 1/5, khoảng 70.000 người đã bị cách ly tại các cơ sở của chính phủ, và khoảng 140.000 người tự cách ly tại nhà hoặc khách sạn, theo một nghiên cứu được tiến hành bởi 20 chuyên gia y tế cộng đồng tại Việt Nam thực hiện.

Nghiên cứu cũng chỉ ra trong 270 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, chỉ 43 ca xuất hiện triệu chứng. Điều này cho thấy giá trị của biện pháp truy dấu và cách ly nghiêm ngặt được tiến hành tại Việt Nam.

Truyền thông xã hội hiệu quả
Ngay từ thời gian đầu, chính phủ Việt Nam đã thông tin minh bạch với công chúng về tình hình dịch bệnh.

Các website, đường dây nóng và ứng dụng điện thoại chuyên dụng đã được thiết lập để cập nhật diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo y tế tới người dân. Bộ Y tế cũng thường xuyên gửi khuyến cáo tới người dân thông qua tin nhắn điện thoại.

Ông Thái cho biết đường dây nóng quốc gia có thể nhận tới 20.000 cuộc gọi trong một ngày cao điểm, chưa tính tới số lượng cuộc gọi tại đường dây nóng của các tỉnh, thành phố.

Bộ máy tuyên truyền của Việt Nam cũng được huy động, nhằm nâng cao nhân thức về dịch bệnh của người dân, thông qua hệ thống loa phường, biển báo trên đường phố, mạng xã hội và báo chí.

Từ cuối tháng 2, Bộ Y tế đã sử dụng một video âm nhạc gây chú ý, dựa trên một bài hát được yêu thích tại Việt Nam, để nâng cao nhận thức của người dân về việc rửa tay và các biện pháp vệ sinh khác. Bài hát nhanh chóng được phổ biến và thu hút hơn 48 triệu lượt xem trên Youtube.

Bác sĩ Thwaites cho biết kinh nghiệm phong phú của Việt Nam trong đối phó với bệnh truyền nhiễm, như đại dịch SARS năm 2002-2003, và sau đó là cúm gia cầm, đã giúp chính phủ và công chúng Việt Nam chuẩn bị tốt hơn để đối phó với đại dịch Covid-19.

“Người dân cảnh giác với bệnh truyền nhiễm hơn nhiều so với các quốc gia phát triển hoặc những nước không thường xuyên phải đối mặt với bệnh truyền nhiễm, châu Âu, Anh và Mỹ là ví dụ. Quốc gia này hiểu những điều như vậy cần được xử lý nghiêm túc và tuân thủ hướng dẫn từ chính phủ về cách phòng chống dịch bệnh lây lan”, ông Thwaites nói. (VBF)