Chuyên gia lo ngại khả năng không thể đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19
Giáo sư Shabir A Madhi cho rằng, với việc các biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện chỉ trong thời gian ngắn, việc đạt được miễn dịch cộng đồng có thể sẽ không xảy ra.
Thế giới không nên dành quá nhiều thời gian để nói về “miễn dịch cộng đồng” bởi điều đó có thể sẽ không xảy ra, khi cân nhắc đến việc các đột biến của virus SARS-CoV-2 xuất hiện chỉ trong thời gian ngắn, Shabir A Madhi, Trưởng khoa Khoa Khoa học Sức khỏe, đồng thời là Giáo sư về vắc-xin tại Đại học Witwatersrand, Nam Phi nêu quan điểm cá nhân.
Các đột biến đã khiến cho virus tăng khả năng lây nhiễm cũng như thoát khỏi hệ miễn dịch, điều mà hầu như rất ít nhà khoa học dự đoán được.
Ông Madhi đánh giá sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 diễn ra nhanh chóng tới nỗi biến thể Delta, đang hoành hành ở nhiều quốc gia và hiện là biến thể thống trị thế giới, đã tăng ít nhất gấp đôi khả năng lây nhiễm so với chủng virus ban đầu.
“Điều đó tức là miễn dịch cộng đồng không nên là điều mà thế giới nên tập trung vào nữa. Chúng ta nên tránh sử dụng cụm từ đó với virus SARS-CoV-2 bởi điều này có thể sẽ không thành sự thật hoặc không có khả năng thành sự thật”, chuyên gia này nhận định.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, “miễn dịch cộng đồng” là sự bảo vệ gián tiếp trước một dịch bệnh truyền nhiễm, xảy ra khi một tỷ lệ nhất định dân số miễn dịch qua tiêm vắc-xin hoặc miễn dịch tự nhiên.
WHO cũng cho biết tổ chức này ủng hộ việc đạt được “miễn dịch cộng đồng” qua tiêm vắc-xin, chứ không phải để dịch bệnh lây lan không kiểm soát trong dân số, vốn có thể dẫn đến những ca mắc và ca tử vong không cần thiết.
Giáo sư Shabir A Madhi nêu quan điểm: “Thay vì nói về miễn dịch cộng đồng, chúng ta nên nói về cách sống chung với virus. Với sự thành công của vắc-xin Covid-19, chúng ta có thể làm được điều này mà không cần tiến tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng”.
Chuyên gia này cũng cho rằng, với biến thể Delta đang chiếm ưu thế hiện nay, ngưỡng miễn dịch cộng đồng cần đạt được sẽ phải tiến gần đến 84%./. (VOV)