Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chúng ta sẽ phải sống chung an toàn với COVID-19: Giải pháp và điều kiện là gì?

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Leong Hoe Nam đưa ra các giải pháp và điều kiện để Singapore có thể sống chung an toàn với COVID-19: Chúng ta nên chuẩn bị để sống trong một thế giới mà đa số được tiêm chủng và mỗi gia đình được trang bị các thiết bị xét nghiệm nhanh.

Chúng ta sẽ phải sống chung an toàn với COVID-19: Giải pháp và điều kiện là gì?
Một số Chính phủ đang lên kế hoạch cho kịch bản để mọi người sống chung an toàn với Covid-19. (Ảnh minh họa: Icsilviu/Pixabay)

Lần đầu tiên chúng ta biết đến virus mới ở Vũ Hán vào tháng 10 năm 2019. Sau đó vài tháng, mọi người đã phải nhập viện vì viêm phổi Vũ Hán.

Cuối cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải công bố hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng, hiện được gọi là SARS-CoV-2, vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 và được xác định là COVID-19 vào những tuần sau đó.

Kể từ đó, virus đã làm những gì mà tất cả các virus đều làm: Sống sót bằng cách thích nghi với vật chủ là con người, chúng đã thực hiện gần như hoàn hảo.

Trong vòng chưa đầy 12 tháng, virus này được cho là đã tạo ra đột biến cơ bản, chủng B1617 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và kể từ đó đã được báo cáo ở 53 vùng lãnh thổ, theo WHO.

Theo một cách nào đó, điều này báo hiệu cho chúng ta một bước ngoặt quan trọng: Đây là chủng bệnh đặc hữu (bệnh địa phương). Hôm thứ Sáu (28/5), đồng chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Liên bộ của Singapore về COVID-19, Lawrence Wong cũng ám chỉ đến khả năng này và cho biết rằng Chính phủ Singapore đang lên kế hoạch cho một kịch bản mà chúng ta phải sống chung an toàn với virus.

Chủng bệnh đặc hữu này có thể hiện diện ở một địa điểm cụ thể và có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh ở bất cứ đâu. 4 loại coronavirus khác đã cùng tồn tại với con người như cảm lạnh thông thường và chúng ta đang sống chung với chúng.

Câu hỏi đặt ra trước mắt chúng ta là làm thế nào mà chủng B1617 lại trở nên thành công trong việc lan rộng khắp các lục địa và liệu chúng ta có thể sống an toàn với nó được không?

Thích nghi theo các biến thể

Vũ khí chính của virus là gen. Nó sử dụng axit ribonucleic sợi đơn (RNA) để mã hóa. RNA mang lại cho virus cơ hội đột biến nhiều hơn hàng nghìn lần so với gen người được mã hóa bằng DNA.

Và axit ribonucleic là một sợi đơn, không có sợi bổ sung nào để kiểm soát các đột biến ngẫu nhiên.

Một khi virus xâm nhập vào cơ thể con người, có rất nhiều cơ hội để nó đột biến. Các nhà khoa học ước tính có thể có từ một tỷ đến 100 tỷ bản sao của virus chỉ trong một cơ thể người.

Đó là một con số đáng kinh ngạc – gấp hơn 10 lần số người sống trên hành tinh. Hầu hết các đột biến đều có hại cho chính virus. Nhiều loại trung tính và không mang lại lợi ích gì cho virus, nhưng một số lại giúp lây truyền và hỗ trợ khả năng tồn tại của virus.

Đột biến B1617 mới nhất mang lại lợi ích cho virus theo ba cách riêng biệt. Thứ nhất, virus dễ lây truyền hơn với tải lượng virus cao hơn, dẫn đến tổng số hạt virus bắn ra trên mỗi lần ho lớn hơn.

Thứ hai, nó có thể liên kết thụ thể protein ACE2 mục tiêu của nó dễ dàng hơn, do đó nó dễ lây nhiễm hơn. Thứ ba, nó tốt hơn trong việc trốn tránh hệ thống miễn dịch mặc dù vẫn chưa rõ nó đã biến đổi thành bao nhiêu loại.

Vì vậy, B1617 hiện đang là loại biến thể nguy hiểm nhất. Nó đang thay thế các chủng hiện có. Các quốc gia tiếp xúc với thể đột biến này đã báo cáo sự phổ biến ngày càng tăng của chủng virus mới này, từ Singapore đến Nepal, Úc, Vương quốc Anh và Việt Nam hiện nay.

Nhưng chính vì thế giới đối phó với thách thức của virus một cách hỗn hợp không có tổ chức như áp dụng các biện pháp phong tỏa, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, nên đột biến có thể vượt qua những điều này.

Ngay cả khi chủng B1617 không lan rộng thêm, các chủng khác – mặc dù chúng không liên quan – có thể biến đổi theo cách tương tự, dưới áp lực tiến hóa.

Đây được gọi là quá trình tiến hóa hội tụ, trong đó virus từ các chủng khác nhau thích ứng với các đột biến có lợi giống nhau mà các chủng này không bao giờ gặp nhau.

Chờ đợi tiêm vaccine.
Chờ đợi tiêm vắc-xin (Ảnh minh họa: Flickr).

Vắc-xin -những mặt tốt, xấu và có hại

Hầu hết các nhà sản xuất vắc-xin trên thế giới tập trung vào việc phát triển khả năng miễn dịch chống lại protein đột biến -một phần của virus gắn vào các thụ thể trên tế bào người và xâm nhập vào bên trong – virus thích nghi bằng cách đột biến cùng một loại protein, tránh phản ứng miễn dịch được kích hoạt bởi vắc-xin.

Tin tốt là vắc-xin mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất có hiệu quả khá tốt chống lại COVID-19 gốc. Tin xấu là hiệu quả của loại vắc-xin này giảm từ 94% đến 95% xuống còn 70% đến 75% so với chủng B1617.

Tuy nhiên, bệnh đã nhẹ hơn ở những người đã bị lây nhiễm loại “biến thể mới nhất” này, biến chứng nhiễm trùng chết người thành cảm lạnh thông thường. Điều này đã được thấy ở những người trong cụm bệnh viện Tan Tock Seng, Singapore đã bị lây nhiễm, mặc dù họ đã được tiêm phòng, nhưng chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Chỉ có một bệnh nhân lớn tuổi phải sử dụng oxy khẩn cấp. Vì vậy, người ta có thể nói rằng SARS-CoV-2 giảm mức độ nguy hiểm đối với những người đã được tiêm phòng.

Đó là lý do tại sao phải tiếp tục tiêm chủng. Hy vọng của mọi loại vắc-xin là đạt được “khả năng miễn dịch tiệt trùng” – khi vắc-xin ngăn ngừa nhiễm trùng hiệu quả vì hệ thống miễn dịch ngăn virus xâm nhập vào tế bào và nhân lên. Nhưng chưa có vắc-xin nào đạt được điều đó.

Các sự cố bất thường vẫn thường xảy ra, liên tục, với tỷ lệ khác nhau, nhưng tác động của chúng giảm dần khi khả năng miễn dịch cộng đồng gia tăng.

Ví dụ điển hình là vắc-xin sởi, trong đó khả năng miễn dịch cộng đồng trên 90% đã giảm thiểu những sự cố bất thường. Tuy nhiên, những cụm lây nhiễm đã xảy ra khi virus sởi có khả năng lây truyền cao lây nhiễm sang một cộng đồng có khả năng miễn dịch cộng đồng thấp, thì vẫn dẫn đến tử vong đáng kể.

Trong bối cảnh thiếu vắc-xin toàn cầu hiện nay, chúng ta nên thử và sử dụng vắc-xin thích hợp nhất hiện có để đạt được tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, ít nhất là 70% đến 90% dân số, đặc biệt khi đối mặt với các loại biến thể khiến vắc-xin kém hiệu quả hơn.

Trong một cuộc điều tra dân số được cập nhật liên tục, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo chỉ có 1.949 trường hợp nhập viện hoặc tử vong trong số 123 triệu người được tiêm chủng đầy đủ. Điều này tương đương với 0,002% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.

Ngay cả khi được đánh giá quá cao với nguy cơ nhiễm đột biến gen cao gấp 10 lần, gánh nặng đối với bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn sẽ giảm đáng kể.

Trong số các cá nhân được tiêm chủng, việc lây truyền sang người khác đã giảm đáng kể. Một tài liệu nghiên cứu của các bác sĩ người Anh và chưa được công bố đã ước tính khả năng những người được tiêm chủng truyền virus cho các thành viên trong gia đình họ đã giảm hơn một nửa, tương đương 54%, trong khi khả năng lây truyền cho nhân viên y tế đã giảm 92%, 14 ngày sau liều tiêm chủng thứ hai.

Điều đáng chú ý là nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021 liên quan đến 144.000 nhân viên y tế và gia đình của họ – tức là trước khi biến thể B1617 đã làm thay đổi mọi thứ đáng kể.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy việc tiêm chủng đã giúp chuyển một căn bệnh nguy hiểm thành một căn bệnh nhẹ hơn, giảm nhu cầu nhập viện, giảm gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và làm chậm sự lây lan của bệnh truyền nhiễm trong các cộng đồng được tiêm chủng cao.

Điều quan trọng, nó cho thấy vắc-xin là một chiến lược không thể thiếu trong việc chung sống với một loại virus mới. Với nguy cơ suy giảm khả năng miễn dịch theo thời gian và virus thích nghi hơn, tất cả những người được tiêm chủng phải được chuẩn bị cho mũi tiêm nhắc lại thứ 3 để tăng cường khả năng miễn dịch của họ.

Đây có thể là một đề xuất đau đớn nhưng nếu chúng ta muốn chung sống với virus, thì đó là một bước cần thiết.

Khoa học đang gấp rút trả lời câu hỏi liệu liều thứ 3 là tốt nhất với cùng một công nghệ hay khác công nghệ. Khả năng liều thứ 3 được hướng dẫn bởi sự hiểu biết của chúng ta về mức độ bảo vệ do kháng thể cung cấp có thể trở thành hiện thực trong tương lai.

Ở một số cá nhân, thậm chí có thể có yêu cầu về liều lượng lặp lại hàng năm, giống như cách chúng ta tiêm phòng cúm hàng năm hiện nay.

Mỗi cá nhân đều được trang bị các thiết bị tự xét nghiệm Covid-19 đơn giản như tăm bông, nước rửa mũi, hoặc bộ xét nghiệm nước bọt, trước khi rời khỏi nhà.
Mỗi cá nhân đều được trang bị các thiết bị tự xét nghiệm Covid-19 đơn giản như tăm bông, nước rửa mũi, hoặc bộ xét nghiệm nước bọt, trước khi rời khỏi nhà. (Ảnh minh họa: Alexandra_Koch/Pixabay)

Sống chung với an toàn với COVID-19 như thế nào

Tương lai của việc sống chung an toàn với COVID-19 là có thể thực hiện được, nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải chấp nhận và học cách sống chung với virus.

Ngoài tiêm chủng, khẩu trang cũng phải tồn tại. Dữ liệu cho thấy rõ ràng chúng giúp giảm khả năng truyền tải virus nhưng mọi người phải từ bỏ những chiếc khẩu trang thời trang phù phiếm và thay thế chúng bằng những chiếc khẩu trang được chứng nhận là có hiệu quả.

Xét nghiệm là một cơ hội lớn khác trong việc sống chung với một loại virus này. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các phòng khám gia đình phải cung cấp xét nghiệm kháng nguyên nhanh chóng được WHO khuyến nghị và xác nhận. Đây là một giải pháp thay thế rẻ hơn, dễ quản lý hơn, với thời gian quay vòng 15 phút, ngắn hơn nhiều so với các phương pháp xét nghiệm khác.

Điểm mạnh của các xét nghiệm này là độ nhạy tuyệt vời và khả năng xác định các cá thể dương tính với COVID-19 trong năm ngày đầu tiên của bệnh khi khả năng lây nhiễm cao nhất.

Theo CDC Hoa Kỳ, các xét nghiệm kháng nguyên – khi được thực hiện chính xác – xấp xỉ với xét nghiệm PCR tiêu chuẩn vàng, về độ nhạy và độ đặc hiệu, trong năm ngày đầu tiên của bệnh – đặc biệt khi được thực hiện ở những người có triệu chứng. Các bộ dụng cụ chăm sóc tại nhà cần có sẵn tương tự như ở các quốc gia Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Chúng ta nên hy vọng rằng, trong tương lai, xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ được thực hiện tại nhà của mỗi cá nhân – bằng tăm bông hoặc nước rửa mũi, hoặc bộ xét nghiệm nước bọt, trước khi rời khỏi nhà, đó là chén thánh.

Điều này có thể được thực hiện khi một người xuất hiện các triệu chứng, hoặc ít nhất là nên thực hiện một vài lần một tuần.

Việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 sẽ được cải thiện nhờ các công nghệ y tế tốt hơn, và có lẽ cả các phương pháp điều trị chống virus bằng thuốc uống và các kháng thể đơn dòng có hiệu quả cao, vô hiệu hóa rộng rãi có thể tiêu diệt virus.

Việc sống chung an toàn với COVID-19 sẽ thực hiện được ở Singapore khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao khoảng 70% đến 90% dân số và khi các ca bệnh không rõ nguồn gốc không lấn át khả năng truy vết tiếp xúc của chúng ta.

Singapore có thể thắng trong trận chiến hiện tại, nhưng trận chiến tiếp theo sẽ còn khó khăn hơn. Chuẩn bị cho việc sống chung an toàn với COVID-19 nên bắt đầu ngay bây giờ.

Chuẩn bị cho bản thân càng sớm, chúng ta càng trở nên kiên cường hơn. Rốt cuộc, nhân loại đã chiến thắng coronavirus trong 4 lần trước. Không có lý do gì để không thành công bây giờ. (NTD)