Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chưa từng có trong lịch sử: Pháp vừa triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Úc sau thương vụ tàu ngầm chục tỷ đô đổ bể

Pháp đã chính thức triệu hồi đại sứ của nước này ở Mỹ và Úc, động thái cứng rắn chưa từng có thể hiện sự tức giận của Paris sau khi thương vụ mua bán tàu ngầm giữa họ và Úc đổ bể vì Mỹ.

Pháp và Mỹ đôi khi có mâu thuẫn trong các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả cuộc chiến Iraq năm 2003, nhưng Paris chưa bao giờ tiến xa đến vậy trong mối quan hệ với Mỹ. Các nhà ngoại giao cao cấp của Pháp cũng đã xác nhân điều này và từ chối đưa ra dự đoán khi nào sự việc này mới kết thúc.

Quyết định của Pháp được đưa ra 2 ngày sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison công khai kế hoạch mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ trong buổi họp báo ra mắt liên minh Mỹ–Anh–Úc (AUKUS). Trước đó, vào năm 2016, Úc và Tập đoàn Đóng tàu Hải quân Pháp đã thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm thông thường. Dự án này có ngân sách hàng chục tỷ USD.

Trong tuyên bố chính thức, Ngoại trưởng Pháp ean-Yves Le Drian nói rằng thỏa thuận giữa Úc và Mỹ là “hành vi không thể chấp nhận giữa các đồng minh và đối tác mà hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ của họ trong các liên minh cũng như tầm nhìn về chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương”.

Trong khi đó, Emily Horne, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với các đối tác Pháp về quyết định triệu hồi đại sứ của họ. Chúng tôi hiểu vị trí của họ và sẽ tiếp tục làm việc trong những ngày tới để giải quyết khác biệt của chúng tôi, như cách mà chúng tôi đã làm ở những thời điểm khác biệt trong suốt liên minh lâu dài của chúng tôi”.

Phía Úc cũng cho biết nước này coi trọng mối quan hệ của mình với Pháp nhưng việc công bố mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ được đưa ra vì nó phù hợp với “lợi ích quốc gia” của họ.

Thất bại trong việc ký kết hợp đồng với Úc giáng một đòn mạnh vào cá nhân Tổng thống Emmanuel Macron. Hồi tháng 6, ông Macron đã mời Thủ tướng Úc Morrison đến Paris sau Hội nghị Thượng đỉnh G7. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về hợp đồng tàu ngầm giữa Úc và Tập đoàn Hải Quân, vốn thuộc sở hữu quốc doanh của Pháp. Nội dung thảo luận xoay quanh sự chậm trễ và giá cả của thương vụ.

Theo quan điểm của Pháp, họ không bao giờ nghĩ rằng Úc sắp từ bỏ hợp đồng, tìm kiếm đối tác khác hoặc có suy nghĩ khác. Hai quan chức thạo tin cho biết đó là cuộc thảo luận điển hình với một thỏa thuận tầm cỡ. Ông Macron nghĩ rằng ông đã giải đáp được những thắc mắc của ông Morrison.

Cũng trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 đó, ông Macron đã công khai bày tỏ “vui mừng” khi Mỹ trở lại và sẵn sàng làm việc với các đối tác châu Âu, kết thúc những năm tháng khó khăn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Thủ tướng Úc Scott Morrison (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp hồi tháng 6 ở Paris.

Hai quan chức của ­­Pháp cũng giải thích rằng, nếu Paris có bất cứ nghi ngờ nào về thỏa thuận tàu ngầm với Úc gặp nguy hiểm họ sẽ không bao giờ ký vào một bản lộ trình với Úc chỉ 2 tuần trước đây. Bản lộ trình đó nói rằng hai bên “cam kết tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng” và “nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tàu ngầm trong tương lai”.

Hiện tại, vì sao mối quan hệ này đi xuống vẫn chưa được công khai. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì nói rằng các quan chức cấp cao của Mỹ đã thảo luận về mối quan hệ đối tác của Úc với Pháp trước khi thông báo công bố. Các quan chức Anh và Mỹ nói rằng Úc cần có tín hiệu cảnh báo với Pháp.

Về phần mình, Úc biện minh rằng họ hủy hợp đồng với Pháp vì nhu cầu cơ bản của nước này với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thay vì động cơ diesel trong một môi trường an ninh đang thay đổi khi mà Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.

Nói tóm lại, người Úc cho rằng đây không phải chuyện cá nhân. Tuy nhiên, bằng hành động của mình, người Pháp cho thấy họ đang nghĩ khác. (T/H, T/Q)