Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chữa mất ngủ ở người cao tuổi như thế nào?


Mất ngủ ở người cao tuổi có thể là một phần của sự lão hóa hoặc do những nguyên nhân khác. Mất ngủ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, đo đó cần điều trị càng sớm càng tốt.

Điều trị mất ngủ ở người cao tuổi có thể cần phối hợp các liệu pháp không dùng thuốc, liệu pháp tâm lý và dùng thuốc. Thuốc trị mất ngủ ở người cao tuổi thường có những tác dụng phụ, vì thế việc sử dụng chúng cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể để có thể điều trị bệnh hiệu quả nhất.

1. Các nguyên nhân gây mất ngủ

Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề khó ngủ, mất ngủ ở người cao tuổi, trong đó chủ yếu là do thay đổi về thể chất, tinh thần và bệnh tật:

– Quá trình lão hóa ở người cao tuổi làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát nhịp sinh học, bao gồm nhịp thức – ngủ và làm giảm đi sự thích nghi của người cao tuổi với những thay đổi tác động vào cơ thể con người. Melatonin là một loại hormone được bài tiết nhiều về đêm, nên còn được gọi là hormon bóng đêm, do thùy sau tuyến yên bài tiết ra. Ở người cao tuổi, hormone này được bài tiết ít đi rõ rệt, làm giảm chất lượng và số lượng giấc ngủ.

– Bệnh tật: Người cao tuổi có thể mắc nhiều bệnh cùng lúc và phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị, dẫn đến khó ngủ.

– Người cao tuổi thường rất nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi những điều xảy ra trong cuộc sống dẫn đến trầm cảm, lo âu và mất ngủ.

Ngoài ra, các bệnh lý xương khớp gây đau, hay đi tiểu đêm… đều là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến sự mất ngủ của người cao tuổi.

Chữa mất ngủ ở người cao tuổi - Ảnh 1.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ ở người cao tuổi.

2. Điều trị mất ngủ ở người cao tuổi như thế nào?

Để điều trị bệnh tốt nhất và tránh các hệ lụy do thuốc gây ra, bác sĩ cần xác định nguyên nhân dẫn đến mất ngủ và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất.

2.1 Phương pháp không dùng thuốc

Là phương pháp thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt cũng như chăm sóc giúp điều chỉnh lại giấc ngủ, giúp người cao tuổi có giấc ngủ một cách tự nhiên nhất:

– Tạo điều kiện để người cao tuổi có không gian, môi trường sống thoải mái. Khi đi ngủ, cần có môi trường yên tĩnh, phòng ngủ tối, nhiệt độ phòng hợp lý để dễ đi vào giấc ngủ hơn.

– Từ bỏ cà phê, thuốc lá, tránh căng thẳng; không nên ăn quá nhiều trong vòng 3 giờ, không uống nước trước khi đi ngủ.

– Đi ngủ và thức dậy đều đặn, đúng giờ, mặc quần áo thoải mái khi đi ngủ; không ngủ ngày quá nhiều, không xem tivi/điện thoại trước khi đi ngủ.

– Tập thể dục hằng ngày vào buổi sáng…

Sau khi đã thực hiện việc chăm sóc và thay đổi chế độ sinh hoạt nhưng người cao tuổi vẫn khó đi vào giấc ngủ mới cần đến thuốc điều trị.

Chữa mất ngủ ở người cao tuổi - Ảnh 2.
Người cao tuổi nên thực hiện các bài tập phù hợp để cải thiện giấc ngủ.

2.2 Dùng thuốc điều trị mất ngủ ở người cao tuổi thế nào?

Việc dùng thuốc điều trị mất ngủ cần phải đạt mục tiêu giúp người cao tuổi ngủ ngon giấc, cải thiện sức khỏe tổng thể, nhưng không bị ảnh hưởng do tương tác thuốc hoặc do tác dụng phụ của thuốc.

Việc sử dụng thuốc điều trị mất ngủ phải do bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám và kê đơn. Sau khi được kê đơn, chỉ sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng, hoặc tự ý tăng liều hay giảm liều. Nên sử dụng các loại thảo dược tự nhiên có tác dụng dưỡng tâm an thần như tâm sen, vông nem, trà hoa tam thất…

Khi dùng thuốc có nguồn gốc tự nhiên nhưng không cải thiện được giấc ngủ thì cần sử dụng thuốc ngủ dành cho người cao tuổi.

Với người cao tuổi không nên tự ý sử dụng các thuốc an thần gây ngủ như benzodiazepine (seduxen, valium) hoặc các thuốc tương tự vì dễ gặp các tác dụng phụ nguy hiểm như suy hô hấp, trầm cảm, buồn ngủ ban ngày nên dễ bị ngã…

Các loại thuốc được sử dụng điều trị mất ngủ ở nhóm người cao tuổi gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc nonbenzodiazepine (zolpidem, eszopiclone), chất chủ vận melatonin. Nên bắt đầu với liều lượng thấp nhất và tăng dần liều đến khi đạt liều hiệu quả tối đa. Cần theo dõi các tác dụng phụ trước khi tăng liều trong trường hợp chưa đáp ứng.

– Zolpidem là thuốc an thần, gây ngủ được dùng điều trị chứng mất ngủ ngắn hạn hoặc mất ngủ tạm thời. Sử dụng với một liều duy nhất trước khi ngủ, giới hạn điều trị tối đa là 2 tuần. Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Thuốc có tác dụng phụ gây đau ngực, tim đập nhanh, mệt mỏi, chóng mặt, nghẹt mũi, khô miệng, buồn nôn, táo bón, khó chịu dạ dày, đau đầu, đau cơ. Nặng hơn có thể thấy khó thở, khó nuốt, suy nhược, mê sảng. Cần trao đổi ngay với bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào.

Eszopiclone tác động trực tiếp đến não, giúp giảm căng thẳng, lo âu, ngủ nhanh và kéo dài thời gian ngủ, khắc phục tình trạng thức dậy nhiều lần giữa đêm. Thuốc được chỉ định điều trị mất ngủ ngắn hạn cho người cao tuổi, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ gây phát ban, lo lắng, đau đầu, buồn nôn… hoặc những phản ứng nghiêm trọng như dễ kích động, nổi nóng, thậm chí là ảo giác. Do đó bệnh nhân không tự ý dùng, không được tự tăng liều và gọi bác sĩ ngay nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi dùng thuốc.

– Melatonin được sử dụng để điều trị rối loạn giấc ngủ do thay đổi múi giờ, điều trị mất ngủ. Thuốc cũng nên sử dụng ngắn hạn với liều lượng phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Thuốc có tác dụng phụ run nhẹ, khó chịu, trầm cảm, giảm tỉnh táo, mất phương hướng. Cần sử dụng thuốc đúng theo đơn, thông báo với bác sĩ các thuốc đang uống, các bệnh đang mắc để tránh tương tác thuốc hoặc làm trầm trọng thêm bệnh lý đang mắc phải. (T/H, SKDS)