Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chưa hết hoang mang vì đại dịch, thế giới lại ‘đau đầu’ với vấn nạn vắc-xin Covid-19 giả

Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cảnh báo, các băng đảng tội phạm vẫn đang cố gắng mở rộng quy mô buôn bán vắc-xin ngừa Covid-19 giả trên toàn thế giới, đe dọa đến an ninh và sức khỏe của người dân.

Ngành công nghiệp trị giá tỷ USD

Đầu năm 2021, cảnh sát Trung Quốc đã thu giữ khoảng 3,000 lọ vắc-xin Covid-19 giả, thực hiện 80 vụ bắt giữ tại một số thành phố liên quan đến việc tàng trữ và buôn bán vắc-xin.

Interpol và các các cơ quan thực thi pháp luật cũng cảnh báo về nguy cơ buôn bán và làm giả vắc-xin khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục lan rộng với số ca nhiễm lên tới hàng nghìn người mỗi ngày, đặc biệt là tại các quốc gia đang thiếu vắc-xin để tiến hành tiêm chủng rộng rãi.

Ông Stephen Kavanagh, Giám đốc phụ trách Interpol cho biết: “Dịch bệnh lan rộng đang khiến nhiều quốc gia hoang mang, tuyệt vọng và tội phạm sẽ lợi dụng tâm lý này để trục lợi. Nếu có lợi nhuận, trong khi chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại một số quốc gia bị đình trệ, tội phạm sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất vắc-xin giả”.

Giám đốc phụ trách Interpol cho biết thêm, cơ quan này đã thu giữ được nhiều lô vắc-xin giả trên thế giới.

Nhà chức trách Mexico hồi tháng 2 năm nay đã bắt giữ 6 người liên quan đến vụ việc bán vắc-xin Covid-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer giả tại một phòng khám tư nhân.

Cơ quan pháp luật Nam Phi cũng thực hiện một số vụ bắt giữ vào đầu năm nay sau khi phát hiện hơn 2.000 liều vắc-xin Covid-19 giả trong một nhà kho có liên quan đến các đối tác từ Trung Quốc.

Ba Lan mới đây cũng phát giác một đường dây buôn bán vắc-xin giả chứa toàn chất điều trị chống lão hóa, theo tờ WSJ.

Ông Kavanagh cũng cảnh báo về một số phòng thí nghiệm quy mô nhỏ ở một số nước đang sản xuất vắc-xin giả và tuồn hàng vào Nam Mỹ. Dù vậy, hiện tại Interpol -cơ quan an ninh đang nắm giữ dữ liệu tội phạm từ 194 quốc gia, vẫn chưa ghi nhận các vụ việc sản xuất vắc-xin Covid-19 giả quy mô lớn, quy mô công nghiệp lên tới hàng chục hoặc hàng trăm nghìn liều.

“Điều quan trọng nhất là người dân cần tiêm chủng tại các cơ sở y tế có uy tín”, ông Kavanaugh khẳng định.

Ông Jeremy Douglas, đại diện khu vực của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương (UNODC) cho biết, rất khó để đánh giá được quy mô của các hoạt động sản xuất vắc-xin phi pháp.

Tuy nhiên, UNODC đã tư vấn cho nhiều chính phủ về vấn nạn sản xuất, tiêu thụ vắc-xin giả, thậm chí là khả năng tuồn vắc-xin kém chất lượng vào các chuỗi cung ứng hợp pháp.

“Ngành công nghiệp vắc-xin Covid-19 là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và có lẽ là một trong những ngành có giá trị tức thì nhất từ ​​trước đến nay khi mọi người trên thế giới đều muốn có được vắc-xin. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu rằng tội phạm sẽ liều lĩnh và bất chấp như thế nào để thực hiện các phi vụ phi pháp”, ông Douglas nhận định.

Đại diện của UNODC còn đề cập thị trường web chợ đen, được truy cập thông qua phần mềm đặc biệt, nơi tội phạm có thể dễ dàng truy cập danh sách các liều có chủ đích từ các nhà sản xuất vắc-xin đã được phê duyệt như Pfizer, Sinovac hay Johnson & Johnson. Mỗi phần mềm như vậy có giá bán từ hàng chục đến hàng nghìn USD.

Ông Douglas nói: “Chúng tôi không dám chắc những sản phẩm này là hợp pháp hay giả mạo”, đồng thời cho biết thêm, các tài liệu tiêm chủng giả hay các lọ rỗng từ liều chính hãng để phục vụ cho việc sản xuất vắc-xin giả cũng đang được rao bán trực tuyến.

“Đây là mối lo ngại rất lớn đối với Interpol”, ông Douglas cho hay.

Tăng cường hợp tác giữa các bên

UNODC cũng đang làm việc với các công ty dược phẩm để chia sẻ thông tin về cách theo dõi, xác minh cũng như chia sẻ thông tin về cách thức vận chuyển vắc-xin với cảnh sát và các cơ quan y tế để giúp nhận ra những vắc-xin giả hoặc được tái sử dụng.

“Rắc rối là nhiều người lại có xu hướng tin tưởng khi nhìn thấy những lọ vắc-xin có nhãn xác thực, dù bên trong chứa đầy chất vô tác dụng, thậm chí nguy hiểm”, ông Douglas cảnh báo.

Vị chuyên gia cho biết, hoạt động thương mại phi pháp này được phát triển dựa trên nền tảng hoạt động buôn bán dược phẩm bất hợp pháp đã có sẵn, thường liên quan tới các quốc gia đã có ngành công nghiệp hóa chất, dược phẩm lâu đời.

Sau quá trình theo dõi hoạt động buôn bán các sản phẩm liên quan đến Covid-19 trên các trang web đen, Giáo sư về Tội phạm học tại Đại học Quốc gia Úc Roderic Broadhurst nhận thấy, không loại trừ khả năng một số liều vắc-xin thật có thể đã bị tuồn khỏi kênh phân phối hợp pháp ra bên ngoài.

Đặc biệt, nhiều người buôn bán thuốc trên thị trường chợ đen tiết lộ, họ có quan hệ mật thiết với các nhà sản xuất và các nhà cung cấp dược phẩm.

Tháng trước, dựa trên những thông tin tìm kiếm của 12 thị trường trực tuyến, ông Broadhurst và các cộng sự đã phát hành một báo cáo ghi lại danh sách hàng trăm sản phẩm phi pháp liên quan đến Covid-19 trên các trang web đen. Trong đó, vắc-xin Covid-19 chiếm 10%.

Dù các công ty lớn đã thực hiện các bước quan trọng để đảm bảo chuỗi cung ứng cho các liều vắc-xin Covid-19 và ngay cả khi vắc-xin bị chuyển hướng khỏi chuỗi cung ứng hợp pháp, không có gì đảm bảo rằng vắc-xin được lưu trữ và vận chuyển theo các quy trình nghiêm ngặt cần thiết để duy trì và đảm bảo tính hiệu quả.

“Không có vắc-xin Covid-19 nào được chứng minh về tính hiệu quả khi được rao bán trên trực tuyến”, ông Kavanagh nhấn mạnh.

Người đứng đầu Interpol cho hay, một trong những biện pháp trấn áp tội phạm liên quan đến vắc-xin là phổ biến thông điệp này rộng rãi ra công chúng và tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty dược phẩm, cơ quan y tế và cảnh sát.

“Đây là một trong những vấn đề mà các cơ quan chức năng đang quan tâm và sớm đi đến thống nhất. Không ai muốn thấy tình trạng vắc-xin giả tràn lan”, Giám đốc phụ trách Interpol nói. (TGVN)