Chính phủ muốn giúp bạn vay tiền dễ dàng hơn trong bối cảnh suy thoái vì Coronavirus, nhưng…
Người Úc sẽ sớm được vay tiền và tái tài chánh cho khoản vay mua nhà của họ dễ dàng hơn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ sẽ có thể tiếp cận nhiều tiền hơn theo kế hoạch của Chính phủ Liên bang nhằm thay đổi luật tín dụng, nhằm giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19.
Những điểm chính:
•Chính phủ cho biết luật tín dụng hiện hành đã lỗi thời, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng COVID-19
•Những thay đổi sẽ loại bỏ gánh nặng cho các ngân hàng để đảm bảo người dân không vay nợ mà họ không thể trả nào được
•Lĩnh vực chính sách đã gây tranh cãi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Nhưng những thay đổi cũng sẽ loại bỏ một số gánh nặng cho các ngân hàng để đảm bảo người dân không tham gia vào các khoản vay mà họ không có khả năng hoàn trả nổi.
Chính phủ Liên bang cho biết luật tín dụng hiện hành đã lỗi thời, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang rơi vào suy thoái vì đại dịch.
Chính phủ đang đề xuất các luật mới để giảm bớt các thủ tục xác minh, có nghĩa là người vay sẽ không cần phải cung cấp nhiều thông tin cho ngân hàng và do đó, rút ngắn thời gian đảm bảo các khoản vay.
Người đi vay cũng sẽ có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin chính xác cho ngân hàng/công ty cho vay theo luật mới, sẽ có hiệu lực vào tháng 3 nếu được thông qua Quốc hội và sẽ thay thế thông lệ hiện tại là ‘người cho vay nên cẩn thận’ bằng nguyên tắc ‘người đi vay có trách nhiệm’.
Tổng trưởng Ngân khố Liên bang Josh Frydenberg cho biết những thay đổi này sẽ cắt giảm đáng kể ‘những băng đỏ’ (thủ tục).
Ông nói: “Khi nước Úc tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19, điều quan trọng hơn bao giờ hết là không còn những rào cản không cần thiết đối với dòng vốn tín dụng dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ”.
“Duy trì dòng tín dụng tự do thông qua nền kinh tế là rất quan trọng đối với kế hoạch phục hồi kinh tế của nước Úc”.
Cuộc khủng hoảng Coronavirus đã chứng kiến hàng trăm nghìn người Úc đã trì hoãn các khoản nợ của họ, với 1.4 triệu hộ gia đình hiện đang rơi vào tình trạng căng thẳng nợ mua nhà.
Do đó, lãnh vực nhà ở đã kêu gọi nới lỏng các hướng dẫn quản lý các khoản vay ngân hàng, cho rằng điều đó sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nhiều.
Thống đốc Ngân hàng Trữ Kim Liên bang Philip Lowe cũng đã cân nhắc trong cuộc tranh luận, nói với một Ủy ban Quốc hội vào tháng trước rằng luật pháp cần được xem xét lại.
“Quả lắc có lẽ đã đi hơi quá xa khi đổ lỗi cho ngân hàng nếu một khoản vay trở nên tồi tệ vì ngân hàng không hiểu khách hàng. Nếu họ thực hiện thẩm định hợp lý -đây là suy nghĩ của một số người -thì ngân hàng sẽ không bao giờ cho vay”, ông nói.
“Vì vậy, một số ngân hàng đã có suy nghĩ này, ‘Chúng tôi không thể làm cho các khoản vay trở nên tồi tệ’…”
Chủ đề này đã trở thành một lĩnh vực chính sách gây tranh cãi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong số các yếu tố góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là việc các ngân hàng và các tổ chức/công ty cho vay khác sẵn sàng thực hiện các khoản vay rủi ro ngày càng lớn vì nhiều lý do.
Nhưng Chính phủ cho biết các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ sẽ được duy trì theo những thay đổi của luật pháp và các nhà cung cấp tín dụng vẫn cần tuân thủ các nghĩa vụ cấp phép hiện có của họ để hoạt động hiệu quả, trung thực và công bằng.
Người tiêu dùng cũng được bảo vệ khỏi những công ty đòi nợ
Chính phủ cũng sẽ tiến hành thay đổi các quy định về tín dụng, cho phép những người Úc có liên quan đến tranh chấp với những công ty đòi nợ, được trình diện trước Cơ quan Khiếu nại Tài chính Úc, một cơ quan giải quyết tranh chấp độc lập.
Những công ty đòi nợ cũng sẽ phải có giấy phép tín dụng của Úc.
Những thay đổi sẽ diễn ra từ tháng 4 tới và Trợ lý của Tổng trưởng Ngân Khố Liên bang Michael Sukkar cho biết những luật này sẽ bảo vệ những người Úc dễ bị tổn thương.
Ông nói: “Những cải cách này tạo ra sự cân bằng phù hợp giữa việc bảo vệ người tiêu dùng trong khi vẫn duy trì một lĩnh vực khả thi để cung cấp các sản phẩm này và xây dựng dựa trên việc thực hiện thành công quyền hạn can thiệp vào sản phẩm của ASIC nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi hành vi săn mồi cho vay”. (NQ)