Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chiêu lừa đảo mới ở VN: Mất tiền vì kẻ gian dán đè mã QR giả mạo


Thời gian gần đây, nhiều chủ cửa hàng tại Hà Nội phát hiện mã thanh toán QR của mình đã bị kẻ gian thay thế. Khi phát hiện thì tài sản đã bị thất thoát đi ít nhiều.

Dán đè mã QR
Mã QR tĩnh đặt tại các quầy thanh toán khó kiểm soát và dễ bị làm giả. Hình Sapo

Ngày nay, QR Code đang trở thành xu thế và thói quen thanh toán của nhiều người dân cũng như các cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ vì tính tiện lợi và không cần phải tiếp xúc trực tiếp.

Nếu như trước đây, người dân muốn chuyển khoản phải mất công nhập tên, số tài khoản, thậm chí còn dễ nhập sai số thì quét mã QR còn diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn nữa.

Cộng với việc ứng dụng QR của các ngân hàng đều có thể quét mã lẫn nhau, dẫn đến thanh toán trở nên nhanh chóng, đơn giản hoặc thậm chí khách quen có thể về đến nhà mới chuyển tiền cho chủ cửa hàng khi không có kết nối intenet tại đó.

Nhưng cũng chính vì sự tiện lợi này mà một số cửa hàng, doanh nghiệp phải đối mặt với chiêu trò lừa đảo mới. Đó chính là một số cửa hàng bị đánh tráo mã QR trong hoặc ngoài cửa hàng khi không để ý hòng chiếm đoạt tài sản.

Thanh toán bằng mã QR trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Hình Dân Trí

Cụ thể, tại nhiều cửa hàng, mã QR thường được in và đóng khung đặt trên quầy. Một số còn sao thành nhiều bản, dán tại các khu vực trong cửa hàng. Đây cũng là kẽ hở khiến kẻ gian dán đè, đánh tráo địa chỉ nhận tiền.

Theo đó, kẻ gian lợi dụng sơ hở để dán đè hoặc đặt biển có mã QR Code của tài khoản giả mạo tại điểm thanh toán mã QR của cửa hàng, nhà hàng hoặc điểm thanh toán khác để lừa đảo khách hàng và chiếm đoạt tiền chuyển khoản tới mã QR.

Như trường hợp của chị N., chủ một cửa hàng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), phát hiện kẻ gian dán đè mã QR lên mã được treo phía ngoài cửa vào cuối tháng 7 vừa qua.

Khi đó, khách hàng thanh toán 50,000 đồng bằng cách quét mã QR. Chờ vài phút nhưng chưa nhận được thông báo đã nhận tiền, chị nhờ khách cho kiểm tra lịch sử giao dịch.

Cửa hàng Hà Nội mất tiền vì bị dán đè mã QR, chuyên gia cảnh báo chiêu trò - 1
Chị N. phát hiện một miếng dán mã QR khác được dán đè lên mã của mình. Hình Dân Trí

“Mã QR dẫn đến một tài khoản khác, tên là N.C.T. Lúc sau, tôi thử quét mã thì không ra số tài khoản này nữa”, chủ cửa hàng chia sẻ với báo Dân Trí.

Sau khi kiểm tra, chị N. phát hiện một miếng dán mã QR khác được dán đè lên mã của mình. Trước đó, chị từng nghe về chiêu trò này, nhưng không ngờ cửa hàng mình cũng gặp.

“Không riêng tôi, nhiều cửa hàng cùng dãy phố đều bị kẻ gian dán đè mã QR. Tôi đã bóc mã QR bên ngoài, chỉ để lại mã chính xác duy nhất bên trong nhà”, chị kể lại.

Tương tự, đầu tháng 7, chủ cửa hàng tạp hóa tên H. từng lên tiếng cảnh báo việc bị lừa tiền hàng với hình thức dán đè mã QR. Người phụ nữ cho hay đã dán nhiều mã QR xung quanh các cột trong và ngoài cửa hàng. Đối tượng đã dán đè một số mã phía bên ngoài hòng trục lợi.

Cửa hàng Hà Nội mất tiền vì bị dán đè mã QR, chuyên gia cảnh báo chiêu trò - 3
Chị N. cho biết nhiều cửa hàng cùng dãy phố cũng bị dán đè mã QR của một tài khoản ngân hàng khác. Hình Dân Trí

“Khách hàng mua 5 triệu đồng, do số tiền lớn, nên khi quét mã họ cẩn thận hỏi lại họ tên chủ tài khoản. Thông tin bị sai, nhưng tôi chỉ nghĩ họ quét sai mã, hướng dẫn vào bên trong nhà quét lại thì ra đúng tên của tôi”, bà cho biết.

Hôm sau, một khách hàng quen nhờ chuyển 1 triệu đồng vào tài khoản để nhận tiền mặt. Sau khi quét mã QR bên ngoài, ứng dụng báo chuyển khoản thành công, nhưng bà H. chưa nhận được tiền. Lúc đó, chủ cửa hàng mới vỡ lẽ bị các đối tượng dán đè mã QR.

Xem được những bài viết cảnh báo trên mạng xã hội thời gian này, chị Trần Hương, chủ cửa hàng xôi và bánh mì ở quận Hai Bà Trưng, nói chỉ đưa mã QR trên điện thoại mỗi lần thanh toán cho khách hàng, tuyệt đối không dán mã trong hay ngoài cửa hàng.

“Sợ bị quỵt tiền, tôi luôn yêu cầu khách hàng chờ đến khi tài khoản của mình nhận được tiền, thì mới được coi là chuyển khoản thành công”, chị Hương nói.

Để tránh mất tiền oan, ngân hàng khuyến cáo khách hàng luôn kiểm tra lại thông tin số tài khoản, tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng, quán ăn, khi thực hiện quét mã QR để trả tiền. Hình Tài Chánh

Anh Nguyễn Tuấn, chủ một cửa hàng điện tử, cũng chỉ mở mã QR trong điện thoại hoặc có màn hình hiển thị mã code đưa khách quẹt, chứ không in sẵn rồi dán lên tường.

“Mỗi lần thanh toán, tôi đều yêu cầu khách kiểm tra cẩn thận dãy số và tên chủ tài khoản trước khi bấm nút chuyển”, anh cho hay.

Tài khoản nhận tiền thường là tài khoản không chính chủ, gây khó khăn cho việc truy tìm. Trên thị trường chợ đen, tài khoản ngân hàng rác có thể được mua với giá 2-3 triệu đồng. Kẻ gian sẵn sàng chi số tiền này vì các vụ lừa đảo có thể đem lại cho chúng khoản chênh lệch lớn hơn nhiều.

Trước thực tế trên, người dân khi quét mã thanh toán xong nên kiểm tra lại thông tin số tài khoản và tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng. Các chủ cửa hàng cũng nên kiểm tra lại camera an ninh để xem dấu hiệu của kẻ lừa đảo, người đã đặt mã QR code. (T/H, NTD)