Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chiến tranh lạnh mới Mỹ-Nga sẽ đẩy nhanh sự trỗi dậy của Trung Quốc


Sau thất bại ở Afghanistan của Biden và tiếp đến phải thúc thủ trong việc ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine, thì liệu Đài Loan có thể trở thành thảm họa chính sách đối ngoại tiếp theo của ông ta hay không? Tập có khả năng sẽ dành thời gian và chờ đợi một thời điểm thích hợp trước khi tiến đánh Đài Loan, đánh bại một nước Mỹ hiện đang bị phân tâm bởi nỗi sửng sốt tuyệt đối và hạ màn cho uy thế đã kéo dài từ lâu của phương Tây.

THE HILL by Brahma Chellaney  03/07/22

(Brahma Chellaney là một địa chiến lược gia và là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có cuốn “Water: Asia’s New Battleground” từng đoạt Giải thưởng Bernard Schwartz năm 2012).

Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Hoa Kỳ đã bắt tay vào một chiến lược Ngăn chặn 2.0 chống lại Nga với cái mà ông gọi là các biện pháp trừng phạt rộng lớn nhất trong lịch sử”. Nhưng Biden không chắc đã tính đến khả năng xảy ra một hiệu ứng boomerang (tựa như “gậy ông đập lưng ông”). Đó là những hậu quả không mong muốn mà Mỹ phải trả giá, có thể chia rẽ nền kinh tế toàn cầu, phân cực chính trị quốc tế và củng cố Trung Quốc.

Trong những năm qua, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế một cách tương đối dễ dàng đã biến chúng trở thành một công cụ ngoại giao bị lạm dụng quá mức của Mỹ. Hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đã bị xói mòn, cùng với sự suy giảm tương đối của quyền lực Hoa Kỳ và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng các biện pháp như vậy thường phản tác dụng đối với lợi ích kinh tế và địa chính trị của chính Hoa Kỳ.

Mỹ hầu như đã đẩy Nga ra khỏi trật tự tài chính do phương Tây lãnh đạo vào thời điểm sức mạnh kinh tế đang di chuyển về phía đông. Việc trục xuất nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới khỏi một trật tự mà Hoa Kỳ tìm cách duy trì có thể làm sâu sắc thêm nỗ lực tìm kiếm một hệ thống thay thế khả thi mà không bị phương Tây chi phối.

Điều chắc chắn hơn là cuộc chiến hỗn hợp mới do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại Nga, tập trung vào các biện pháp trừng phạt chưa từng có, sẽ giúp làm sâu sắc thêm trục Bắc Kinh-Matxcơva chống lại Washington và khiến Trung Quốc trở thành người chiến thắng lớn về mặt tài chính và địa chính trị, qua đó hỗ trợ nước này mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự.

Các hình phạt kinh tế nặng nề của phương Tây đối với Moscow, bao gồm cả việc rút các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (1), nhằm biến Trung Quốc thành chủ ngân hàng của Nga, giúp nước này thu được lợi nhuận lớn. Về cơ cấu, đòn trừng phạt trả đũa của Nga cũng sẽ là lợi ích của Trung Quốc: để giúp cách ly mình khỏi các lệnh trừng phạt tương tự của phương Tây nếu họ xâm lược Đài Loan, Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường việc thanh toán và vai trò dự trữ của đồng nhân dân tệ, cũng như việc sử dụng một đối thủ cạnh tranh quốc tế đối với SWIFT – là Hệ thống Thanh toán liên Ngân hàng xuyên Biên giới, viết tắt là CIPS (2). Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây có khả năng cung cấp một động lực cho cả hai nỗ lực đó.

Hơn nữa, các lệnh trừng phạt đã mở ra con đường cho Trung Quốc xây dựng mạng lưới an toàn năng lượng, thông qua việc nhập khẩu trên đất liền lớn hơn, để nước này có thể chịu đựng được lệnh cấm vận hoặc phong tỏa năng lượng tiềm tàng do Hoa Kỳ dẫn đầu trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 2 là tin đáng mừng đối với Bắc Kinh, quốc gia đang tìm cách tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga, sau khi ký kết các hợp đồng dầu khí mới trị giá 117,5 tỷ USD trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước .

Đây là một nghịch lý: Trung Quốc không phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính hoặc có ý nghĩa nào khác của phương Tây, mặc dù đã nuốt chửng Hồng Kông, vẽ lại bản đồ địa chính trị của Biển Đông, mở rộng biên giới trên đất liền ở dãy Himalaya và thiết lập một trại cải tạo Hồi giáo với hơn một triệu người (Duy Ngô Nhĩ) bị cầm giữ, mà hai chính quyền liên tiếp của Hoa Kỳ đã gọi đó là “tội diệt chủng”“tội ác chống lại loài người.” Ngược lại, như hai vòng trừng phạt của Biden năm ngoái vốn được quảng bá mạnh mẽ, Nga vẫn là mục tiêu dễ dàng cho việc leo thang các lệnh trừng phạt của Mỹ trong thập kỷ qua, chẳng qua là vì Mỹ có ít tiền bạc đóng góp trong nền kinh tế Nga.

Trong bối cảnh này, việc phương Tây chỉ nhắm mục tiêu vào Nga chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc trở thành người hưởng lợi chính từ các lệnh trừng phạt, do đó nó hỗ trợ “giấc mơ Trung Quốc” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc thay thế Mỹ trở thành cường quốc ưu việt trên thế giới.

Các biện pháp trừng phạt mới do Biden lãnh đạo chống lại Nga có thể sẽ bị chế độ của Tập cắt giảm – trừ khi phương Tây cũng theo đuổi biện pháp tương tự với Trung Quốc. Nhưng khả năng đó có vẻ xa vời.

Là một phần của chiến lược ngoại giao nhằm giành được những nhượng bộ quan trọng từ phương Tây, Bắc Kinh sẽ chơi trò mèo vờn chuột với Washington về các lệnh trừng phạt Nga, trò mà họ đã chơi lâu nay qua các lệnh trừng phạt Triều Tiên. Nó sẽ giả vờ hợp tác với Mỹ trong khi âm thầm phá hoại các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm cả việc giúp Nga tìm ra các giải pháp tài chính tập trung vào Trung Quốc.

Sự phẫn nộ trước việc Nga xâm lược Ukraine không nên làm che khuất một thực tế quan trọng: Trung Quốc, với dân số và nền kinh tế lớn hơn Nga khoảng 10 lần, đang đặt ra thách thức lớn nhất đối với Mỹ. Trong khi các ưu tiên và tham vọng chiến lược của Nga tập trung ở khu vực lân cận của mình, Trung Quốc đang nỗ lực để thay thế Mỹ với tư cách là cường quốc thống trị toàn cầu.

Như Giám đốc FBI Christopher Wray đã nói vào tháng trước, “Không có quốc gia nào gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với các ý tưởng, sự đổi mới và an ninh kinh tế của chúng ta hơn Trung Quốc”. Và “quy mô của chương trình đột nhập can thiệp mạng máy tính (hack) của họ… lớn hơn mọi quốc gia khác cộng lại”. Theo Wray, Trung Quốc đã mở rộng hoạt động gián điệp của mình ở Hoa Kỳ đến mức trung bình cứ 12 giờ FBI lại mở một cuộc điều tra phản gián mới.

Đối với Trung Quốc, quốc gia có hình ảnh toàn cầu đang ở một mức thấp lịch sử, cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Washington và Moscow (với Nga được coi là “đế chế tội ác” trong nhận thức của phương Tây) không thể đến vào thời điểm nào tốt hơn thế. Tập ngày càng tỏ ra thèm muốn chấp nhận những rủi ro lớn, tin rằng Trung Quốc có cơ hội có tính chiến lược qua một khe cửa hẹp để sửa đổi trật tự quốc tế có lợi cho mình, trước khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, tăng trưởng kinh tế bị đình trệ và một môi trường chính trị toàn cầu không thuận lợi.

Putin, thông qua cuộc chiến tranh xâm lược của mình, đang vô tình giúp đỡ Bắc Kinh, bao gồm cả việc đánh lạc hướng Mỹ khỏi thách thức Trung Quốc. Cuộc chiến, vốn tạo nên một cuộc đối đầu kéo dài và nguy hiểm giữa Nga và NATO, sẽ giúp Tập theo đuổi “giấc mơ Trung Quốc” của mình.

Biden có khả năng sẽ thực hiện đúng cam kết của mình là khiến Nga phải trả giá “đắt, về mặt kinh tế và chiến lược”. Việc thuần hóa một Ukraine phần lớn là thù địch có thể khiến Nga sa vào vũng lầy, đặc biệt là khi vũ khí sát thương của phương Tây tiếp tục đổ sang các lực lượng kháng chiến Ukraine. Việc Biden yêu cầu Quốc hội hỗ trợ thêm 10 tỷ đô la là đáng kinh ngạc, cho thấy rằng chiến lược Ngăn chặn 2.0 của ông ta chứa đựng một kế hoạch Afghanistan 2.0 nhằm tái tạo ở Ukraine cuộc chiến bí mật do CIA dẫn đầu trong những năm 1980, thứ cuối cùng đã đẩy lực lượng Liên Xô ra khỏi Afghanistan.

Tuy nhiên, sự vướng víu ngày càng tăng của Mỹ đối với an ninh châu Âu sẽ mở ra không gian rộng lớn hơn cho chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một khu vực sẽ định hình trật tự thế giới mới. Trên thực tế, chính sách của Hoa Kỳ, thay vì thọc mũi dùi gây chia rẽ vào giữa mối quan hệ Nga và Trung Quốc, thì nó lại đang đóng vai trò như một cầu nối giúp đoàn kết họ chống lại một nước Mỹ đã phải gồng mình lên quá mức.

Cơ bản hơn, chính sách của Hoa Kỳ hiện nay đã học được rất ít từ sai lầm chiến lược của mình khi đã hỗ trợ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới thời các tổng thống Mỹ kế tiếp nhau, từ Richard Nixon đến Barack Obama, dẫn đến việc quốc gia đó ngày nay đặt ra một thách thức quân sự, kinh tế và công nghệ trên quy mô mà Mỹ chưa từng thấy trước đây.

Hầu như mỗi khi Hoa Kỳ giáng đòn trừng phạt vào bất kỳ quốc gia nào trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, thì nó lại giúp thúc đẩy các lợi ích thương mại và chiến lược của Trung Quốc.

Các biện pháp trừng phạt Nga, mặc dù không hứa hẹn sẽ thay đổi hành vi của Putin, nhưng lại là một trong những món quà lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ gửi đến Bắc Kinh. Bằng cách đưa Nga, quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới vào túi của Bắc Kinh, các biện pháp trừng phạt sẽ mang lại lợi ích lớn cho một Trung Quốc đói tài nguyên, bao gồm cả việc cho phép nước này đưa ra điều kiện cho các điều khoản của mối quan hệ song phương và đảm bảo khả năng tiếp cận nhiều hơn với công nghệ quân sự của Nga.

Sau thất bại ở Afghanistan của Biden và tiếp đến phải thúc thủ trong việc ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine, thì liệu Đài Loan có thể trở thành thảm họa chính sách đối ngoại tiếp theo của ông ta hay không? Tập có khả năng sẽ dành thời gian và chờ đợi một thời điểm thích hợp trước khi tiến đánh Đài Loan, đánh bại một nước Mỹ hiện đang bị phân tâm bởi nỗi sửng sốt tuyệt đối và hạ màn cho uy thế đã kéo dài từ lâu của phương Tây. (The Hill, basam)