Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chế độ dinh dưỡng giúp bạn phòng ngừa COVID như thế nào?

Thực phẩm khiến chúng ta cảm thấy ngon miệng và khỏe khoắn thực ra chưa hẳn là thực phẩm an toàn. Thực phẩm an toàn phải là thực phẩm giúp duy trì hệ miễn dịch của chúng ta.

Giữa đại dịch và thói quen ăn uống của chúng ta có một mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Sự căng thẳng do cách ly xã hội, cộng với nền kinh tế đang gặp khó khăn đã khiến nhiều người tìm cách giết thời gian và giải tỏa căng thẳng bởi nào là bỏng ngô, snack, thức ăn nhanh… Nhưng lạm dụng quá nhiều những loại đồ ăn thức uống này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kích thước vòng eo mà còn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Người Mỹ thường rất quan tâm đến cân nặng của họ. Theo thống kê, có 45 triệu người Mỹ sẵn sàng chi 33 tỷ đô la hàng năm cho các sản phẩm giảm cân. Nhưng lại có đến 1/5 người Mỹ gần như không ăn rau hoặc ăn ít hơn một khẩu phần mỗi ngày.

Khi chỉ tập trung vào các sản phẩm giảm cân chứ không xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày, người ta thường có xu hướng xem nhẹ vai trò thiết yếu của dinh dưỡng trong việc giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên trong thực tế có tồn tại một mối quan hệ rõ ràng giữa chế độ ăn uống cân bằng và một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, hoạt động ổn định. 

Bên cạnh vắc-xin và các biện pháp cách ly xã hội, một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh chính là cách bảo vệ tốt nhất giúp chúng ta chống lại nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Để làm được điều đó, bạn nhất định phải duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Mặc dù điều này không phải lúc nào cũng có thể thay thế được thuốc chữa bệnh, nhưng khẩu phần dinh dưỡng tốt có thể bổ trợ cho thuốc và vắc xin, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh mãn tính cũng như gánh nặng cho hệ thống y tế.

(Ảnh: Standret/Shutterstock)

Ảnh hưởng của chế độ ăn uống theo kiểu phương Tây

Các nhà khoa học chỉ ra rằng những người đã gặp vấn đề về sức khỏe từ trước thường có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 cao hơn rất nhiều. Trong đó gồm những người mắc bệnh tiểu đường, béo phì, sỏi thận, phổi hoặc tim mạch. Nhiều trường hợp trong số này có liên quan đến việc hệ thống miễn dịch bị rối loạn chức năng.

Những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc mắc hội chứng chuyển hóa sẽ có phản ứng miễn dịch chậm, tạo điều kiện cho virus dễ dàng xâm nhập và tấn công cơ thể. Khi đó, cơ thể sẽ kháng cự lại bằng một phản ứng viêm dữ dội hơn, và các mô vốn khỏe mạnh sẽ bị tổn thương cùng với sự xâm nhập của virus. Vẫn chưa rõ mức mức độ tổn thương này ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ tử vong, nhưng đấy là một điểm cần lưu ý.

Vậy điều này có liên quan gì đến chế độ dinh dưỡng? Chế độ ăn của người phương Tây thường có tỷ lệ thịt cao, chất béo bão hòa cũng như những thực phẩm giàu đường và muối trong khi lại thiếu trái cây và rau quả. Chế độ này mặc dù đáp ứng đủ lượng calo cần thiết nhưng lại không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể chúng ta cần để hoạt động bình thường, bao gồm vitamin A, C và D, cùng các khoáng chất sắt và kali. Và điều này góp phần tạo ra một hệ thống miễn dịch hoạt động kém: quá ít vitamin và khoáng chất trong khi có quá nhiều calo rỗng.

Ngược lại, một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ có khả năng phản ứng nhanh chóng để hạn chế hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng trong khi vẫn tránh làm tổn thương các tế bào của cơ thể. Và đường chính là một chất phá vỡ sự cân bằng này. Một tỷ lệ đường tinh luyện cao trong chế độ ăn uống có thể gây ra chứng viêm mãn tính, cùng với bệnh tiểu đường và béo phì. 

Mặc dù hội chứng viêm là một phần tự nhiên của phản ứng miễn dịch, nhưng nó có thể gây hại khi hoạt động liên tục. Thật vậy, bản thân chứng béo phì có đặc trưng là tình trạng viêm mãn tính và phản ứng miễn dịch suy giảm.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng vắc xin có thể kém hiệu quả hơn ở những người béo phì. Điều tương tự cũng áp dụng cho những người thường xuyên uống quá nhiều rượu.

(Ảnh: Shutterstock)

Tác dụng của các chất dinh dưỡng với cơ thể

Các chất dinh dưỡng hay những hợp chất cần thiết giúp chúng ta phát triển đúng cách, khỏe mạnh và duy trì hệ thống miễn dịch. Trái ngược với các phản ứng chậm liên quan đến việc thiếu dinh dưỡng, vitamin A chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả bệnh sởi. Cùng với vitamin D, nó điều chỉnh hệ thống miễn dịch và giúp ngăn ngừa hệ thống hoạt động quá mức. Vitamin C, một chất chống oxy hóa, bảo vệ chúng ta khỏi những tổn thương do các gốc tự do gây ra.

Polyphenol, hoạt chất được tìm thấy trong tất cả các loại thực vật, cũng có đặc tính chống viêm. Có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn giàu polyphenol thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, như tăng huyết áp, kháng insulin và bệnh tim mạch.

Tại sao chúng ta không ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật hơn và bớt tiêu thụ những thực phẩm giàu muối và đường lại? Đây là một vấn đề khá nan giải. Thông thường mọi người hay bị ảnh hưởng bởi lịch trình công việc bận rộn và bị lôi kéo bởi các hình ảnh quảng cáo. Thay đổi thói quen này là một việc dài hơi và nên được bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ. Giáo dục dinh dưỡng cần được chú trọng, từ mẫu giáo đến trung học phổ thông cho đến các trường y.

Chúng ta thông thường có rất nhiều lựa chọn đối với thức ăn nhanh nhưng lại gặp hạn chế trong việc tiếp cận các cửa hàng tạp hóa với thực phẩm lành mạnh Trong trường hợp này, giáo dục phải đi đôi với tiếp xúc thực tế. Những mục tiêu dài hạn này có thể mang lại lợi ích đáng kể chỉ với một khoản đầu tư tương đối nhỏ.

Bên cạnh đó, tất cả chúng ta có thể thực hiện từng bước nhỏ để dần dần cải thiện thói quen ăn uống của chính mình. Không yêu cầu chúng ta phải hoàn toàn ngừng tiêu thụ bánh ngọt, khoai tây chiên hay nước có gas. Nhưng chúng ta cần phải thật sự nhận thức được rằng thực phẩm khiến chúng ta cảm thấy ngon miệng và khỏe khoắn thực ra chưa hẳn là thực phẩm an toàn. 

Đại dịch COVID-19 sẽ không phải là thử thách cuối cùng chúng ta phải đối mặt, vì vậy, chúng ta hãy tận dụng mọi biện pháp để bảo vệ chính mình. Hãy coi dinh dưỡng tốt như một tấm vé bảo hiểm an toàn cho sức khỏe của bạn; nó không đảm bảo bạn sẽ không bị ốm, nhưng nó giúp đảm bảo những gì bạn thu được là tốt nhất. (T/T)