Cuộc đua gia tăng ảnh hưởng trên thế giới bằng vắc-xin ngừa COVID-19
Vắc-xin ngừa COVID-19 đang là hàng hóa được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới. Nhưng có một thực tế là 10 quốc gia giàu có trên thế giới đang nắm giữ 75% vắc-xin ngừa COVID-19. Vì thế, nó cũng trở thành công cụ giúp các nước lớn gia tăng ảnh hưởng trên bàn cờ chính trị.
Lý do Mỹ không dễ dàng từ bỏ bản quyền vắc-xin
Tính đến ngày 27/5, theo dữ liệu do Bloomberg thu thập, có khoảng 1.74 tỷ liều vắc-xin đã được tiêm ở 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, với tỷ lệ tiêm khoảng 29,8 triệu liều mỗi ngày, tăng mạnh so với cách đây 1 tuần. Tại Mỹ, đã có 289 triệu liều vắc-xin được tiêm cho người dân, trung bình mỗi ngày Mỹ tiêm khoảng 1.7 triệu liều vắc-xin thì cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này cũng phải mất 4 tháng nữa mới có thể phủ sóng vắc-xin tới 75% dân số.
Số lượng vắc-xin trên toàn thế giới hiện đã đủ để tiêm chủng cho khoảng 11.4% dân số toàn cầu, tuy nhiên sự phân bổ vắc-xin đang mất cân đối và là một thách thức trên toàn thế giới. Các quốc gia và khu vực có thu nhập cao nhất tiêm chủng nhanh gấp 30 lần so với các nước có mức thu nhập thấp nhất. Số liều vắc-xin vượt qua cột mốc quan trọng là 1 tỷ liều, tốc độ tiêm chủng ngày càng gia tăng. Nếu 100 triệu liều vắc-xin đầu tiên thế giới mất 61 ngày mới hoàn thành, thì 100 triệu liều sau cùng trong số 1 tỷ liều này chỉ mất có 5 ngày.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tiết lộ rằng, gần một nửa các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông, đề nghị Mỹ giúp đỡ mua vắc-xin COVID-19. Đây không chỉ là cơ hội để Mỹ cho thấy ảnh hưởng của mình đối với thế giới, mà quốc gia này cũng từng tính đến khả năng chia sẻ bản quyền vắc-xin. Cụ thể là công thức bào chế, giúp các nước sản xuất vắc-xin chống dịch bệnh. Nga, Pháp cũng ủng hộ việc dỡ bỏ bản quyền đối với vắc-xin.
Tuy nhiên cũng có một bộ phận những người phản đối, trong đó có các quốc gia “sân nhà” của các công ty dược lớn như Anh, Đức. Họ cho rằng, việc chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ không những không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, một mặt nào đó còn làm mất lợi thế của Mỹ trước các nước đối trọng như Nga và Trung Quốc. Đặc biệt, nó có khả năng khiến Mỹ mất đi lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm sinh học và giúp Trung Quốc đạt bước nhảy vọt hàng chục năm nghiên cứu.
Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke nói: “Hãng dược Pfizer và Moderna mất nhiều năm để nghiên cứu và phát triển những vắc xin này. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và các nước khác muốn tiếp cận. Ý định của họ là lấy được bí quyết để có thể phát triển các loại vắc-xin khác”.
Dù Mỹ là quốc gia giữ bản quyền vắc-xin và đang dư thừa vắc-xin, nhưng ý việc xuất khẩu vắc-xin của Mỹ vẫn chỉ là dự định. Mỹ đồng ý chỉ chia sẻ một số lượng nhỏ vắc-xin- khoảng vài triệu liều cho Mexico và Canada. Trong thời gian tới, nếu việc xuất khẩu vắc-xin trở thành hiện thực, các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh sẽ được hưởng lợi.
Đứng trước chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin của phương Tây, tác động mạnh tới các nước thu nhập trung bình và thấp –những nơi không thể dễ dàng tiếp cận với các mũi vắc-xin. Chính vì thế Trung Quốc và Nga đã bước vào cuộc đua này không chỉ để lấp chỗ trống…
Nga và Trung Quốc không đứng ngoài cuộc đua
Trong cuộc chạy đua nhằm gia tăng ảnh hưởng trên bàn cờ chính trị thế giới, vắc-xin được ví như một thứ “vũ khí” lợi hại đối với các nước đang sở hữu bản quyền vắc-xin ngừa COVID-19. Theo NBCnews, có thông tin cho rằng Nga và Trung Quốc đang tìm cách “bắt tay nhau” trong chiến lược bán hoặc tài trợ vắc-xin cho quốc gia khác nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trên vũ đài chính trị thế giới.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phủ nhận những cáo buộc trên và cho rằng, Nga mong muốn ” có càng nhiều liều vắc-xin càng tốt” để “tất cả các nước, kể cả những nước nghèo nhất, có cơ hội ngăn chặn đại dịch.”
Theo một báo cáo của công ty phân tích dược phẩm có trụ sở tại London (Anh) -Airfinity công bố hồi tháng 4, trong số gần 250 triệu liều vắc xin sản xuất, Trung Quốc đã gửi hơn 100 triệu liều đến hơn 49 quốc gia. Mặc dù, Nga đã gửi vắc-xin tới 22 quốc gia, đồng thời đồng ý cung cấp khoảng 630 triệu liều vắc-xin Sputnik V cho hơn 100 quốc gia trên thế giới. (SKDS)