Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chân xanh: Triệu chứng mới của COVID kéo dài


Cách sàng lọc và tự điều trị tại nhà triệu chứng xanh tím ở đầu cực do rối loạn thần kinh tự chủ trong chứng COVID kéo dài.

Hình JBArt/Shutterstock

[Triệu chứng] bắt đầu với cảm giác ngứa ran khó chịu và ngứa ngáy ở chân sau khi đứng được 10 phút. Sau đó, bệnh nhân thấy chi dưới của mình chuyển sang màu xanh bằng mắt thường. Bệnh nhân này đang bị chứng xanh tím đầu cực (acrocyanosis), tình trạng tụ máu ở vùng xa tim (ngón tay, ngón chân, mũi) và chưa từng bị chứng này trước đây.

Theo một nghiên cứu ca lâm sàng gần đây trên tập san The Lancet, các bác sĩ cho rằng triệu chứng của người đàn ông 33 tuổi này bắt đầu từ 18 tháng trước, sau đợt nhiễm COVID-19. Trường hợp của bệnh nhân này cung cấp bằng chứng mới rằng virus có thể gây rối loạn thần kinh thực vật (thần kinh tự chủ) kéo dài mà các chuyên gia chỉ mới bắt đầu hiểu rõ.

Tiến sĩ Manoj Sivan, giáo sư lâm sàng và nhà tư vấn danh dự về y học phục hồi chức năng tại trường Y của Đại học University of Leeds, cho biết trong thông cáo báo chí, “Đây là trường hợp nổi bật về chứng xanh tím đầu cực ở một bệnh nhân không có tiền sử bị bệnh này trước đợt nhiễm COVID-19.”

POTS và COVID kéo dài

Bệnh nhân ẩn danh này đã được chẩn đoán bị hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) – một dạng rối loạn thần kinh tự chủ có thể xuất hiện triệu chứng đổi màu xanh đỏ ở chân – vào hai tháng trước đó. POTS là chứng rối loạn tuần hoàn máu khiến nhịp tim tăng bất thường khi chuyển từ tư thế ngồi hoặc nằm sang tư thế đứng, ngoài ra còn có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu và mệt mỏi.

POTS là tình trạng tương đối hiếm gặp, ảnh hưởng đến khoảng 500,000 đến 1 triệu người ở Hoa Kỳ. Phần lớn căn bệnh này được chẩn đoán ở phụ nữ từ 15 đến 50 tuổi nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính.

Chân xanh: Một triệu chứng mới của COVID kéo dài
Hình Pepermpron/Shutterstock

Mặc dù nguyên nhân chính xác của POTS ở bệnh nhân COVID kéo dài vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến việc virus ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ. SARS-CoV-2, virus gây COVID-19, được phát hiện có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, gây viêm và tổn thương các dây thần kinh điều hòa nhịp tim, huyết áp, và các chức thần kinh tự chủ khác.

Không có cách chữa trị cho POTS, nhưng các bác sĩ có thể kê đơn thuốc để kiểm soát các triệu chứng như thuốc chẹn beta, fludrocortisone, và midodrine.

Tiến sĩ Sivan nói thêm, “Bệnh nhân gặp phải tình trạng này có thể không nhận thức được rằng đó có thể là triệu chứng của COVID kéo dài và rối loạn thần kinh tự chủ, đồng thời có thể cảm thấy lo ngại về các triệu chứng.” [Ngoài ra], Tiến sĩ Sivan lưu ý rằng bản thân các bác sĩ có thể không nhận ra mối liên hệ giữa COVID kéo dài và chứng xanh tím đầu cực.

Gần 2/3 bệnh nhân COVID kéo dài bị rối loạn thần kinh tự chủ

Theo cuộc khảo sát của KFF, trước đây gọi là Kaiser Family Foundation, khoảng 28% bệnh nhân COVID-19 phát triển các triệu chứng COVID kéo dài. Đối với đa số người, các triệu chứng sẽ biến mất, nhưng 11% vẫn tồn tại [các triệu chứng] COVID kéo dài.

Cuộc khảo sát trực tuyến khác với hơn 2,300 người lớn bị COVID kéo dài cho thấy 67% bị rối loạn hệ thần kinh tự chủ trung bình đến nặng. Điều này không có liên quan đến mức độ trầm trọng của bệnh COVID-19 ban đầu, cho thấy rối loạn thần kinh tự chủ rất phổ biến ở những bệnh nhân COVID kéo dài. Điều này có thể là do COVID-19 tác động đến bộ phận quan trọng của hệ thần kinh.

Tiến sĩ Jacob Teitelbaum, bác sĩ nội khoa được hội đồng chứng nhận và chuyên gia nổi tiếng toàn quốc trong lĩnh vực hội chứng mệt mỏi kinh niên, đau cơ xơ hóa, giấc ngủ, và chứng đau, nói rằng, “Nghiên cứu sâu rộng cho thấy COVID kéo dài gây rối loạn vùng điều hòa chính có kích thước bằng trái hạnh nhân trong não gọi là vùng dưới đồi.” Vùng dưới đồi không chỉ kiểm soát chức năng của hệ thần kinh tự chủ mà còn điều hòa giấc ngủ và hormone.

Tiến sĩ Teitelbaum cho biết nếu không điều trị, rối loạn chức năng thần kinh tự chủ sẽ có nguy cơ tiến triển. Ông nói thêm, “Các bộ phận quan trọng của hệ thần kinh tự chủ có thể bắt đầu suy yếu theo vùng dưới đồi. Đặc biệt là [rối loạn] thần kinh phế vị và các dây thần kinh kiểm soát mạch máu. Loại thứ hai được gọi bệnh lý các thần kinh sợi nhỏ.”

Cách sàng lọc và điều trị POTS tại nhà

Tiến sĩ Teitelbaum đã mô tả một thử nghiệm đơn giản tại nhà để kiểm tra các triệu chứng POTS.

Đầu tiên, nằm xuống trong 10 phút và kiểm tra nhịp tim. Sau đó, đứng yên một chỗ trong 10 phút, không dựa vào bất kỳ thứ gì, đồng thời kiểm tra mạch đập cách 2 phút một lần.

Ông nói nếu nhịp tim tăng 20 nhịp mỗi phút (bpm) trở lên trong 10 phút đứng, cho thấy bạn khó chịu đựng ở tư thế đứng.

“Tuy nhiên, nếu nhịp tim tăng từ 30 bpm trở lên, là POTS.”

Nếu không phát hiện thấy dấu hiệu của POTS, Tiến sĩ Teitelbaum đề nghị các phương pháp tự chăm sóc để làm giảm triệu chứng. Điều trị POTS ở bệnh nhân COVID kéo dài cũng tương tự như điều trị ở bệnh nhân POTS không do COVID, thường liên quan đến thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.

Những thay đổi lối sống hữu ích có thể bao gồm vận động vừa phải và tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Theo Tiến sĩ Teitelbaum, đeo tất có độ nén vừa phải (tất y khoa) khi đứng lên và đi lại, kết hợp với việc tăng lượng muối và nước, là những cách điều trị tại nhà đơn giản.

Ông nói thêm, “Vớ cao đến đầu gối có thể hữu ích, nhưng loại cao đến đùi thì tốt hơn.” (T/H, ETV)