Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cầu gì cho Tổ tiên vào dịp Lễ Vu Lan?

“Muôn nhờ đức Phật từ bi, giải oan cứu khổ, hồn về Tây Phương” vốn là ước nguyện của nhiều người khi còn đang luân hồi lưu lạc giữa bộn bề nhân thế…

Mạn đàm về ‘Văn tế thập loại chúng sinh’ của Nguyễn Du

Nhắc đến Nguyễn Du, người đời sẽ nghĩ ngay đến “Truyện Kiều” nhưng ít người biết cụ là người giác ngộ Phật pháp. Người ta hay coi khoác áo cà sa, cắt tóc đi tu, hàng ngày tụng kinh gõ mõ mới là người tu hành, nhưng đọc“Văn Tế thập loại chúng sinh” có thể nhiều người sẽ nghĩ khác: 

“Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương
… … 
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,
Có chữ rằng: “Vạn cảnh giai không”
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”.

Thường là, vào dịp đầu tháng Bảy (âm lịch), những người có tín ngưỡng đều hướng về cội nguồn, báo hiếu tổ tiên trong ngày “Lễ Vu lan” hoặc “Lễ xá tội vong nhân”. Tích về hai lễ này khác nhau nhưng có điểm chung: dịp này ở Âm phủ sẽ xá tội cho những vong hồn lúc sống làm nhiều việc trái đạo, khi chết phải giam vào địa ngục chịu tội, chịu khổ, do đó nhiều gia đình nhớ về tổ tiên, thành tâm cầu nguyện để những vong hồn còn đang chịu tội sớm được siêu thoát. 

Phải chăng Thần, Phật đã sớm an bài cho đại thi hào Nguyễn Du sinh ra tại Việt Nam, dùng sứ mệnh văn chương mà nhắn nhủ thế nhân làm người cho phải đạo? Dựa vào tích Lễ Vu lan viết ra “Văn tế Thập loại chúng sinh” để tế người đã khuất nhưng thực ra là dùng thủ pháp ôn cố tri tân” để thức tỉnh người sống thoát khỏi đường mê. Đọc áng văn tế của Nguyễn Du, chúng ta dường như đang xem một bộ phim về tương lai nhân thế, từ đó có sự lựa chọn hướng đi đúng đắn cho quãng đời còn lại.

Nhân sinh có bách nghệ, cụ Nguyễn Du khái quát thành 10 loại người chính trong xã hội tham gia ở các ngành nghề, đứng đầu là kẻ ác (vì số này ở giai tầng nào cũng có), chuyên dùng sức mạnh để chiếm dụng tiện nghi của người yếu thế, những kẻ này cứ tưởng rằng nhờ sức mạnh thì không ai làm gì được họ, vì thế cứ yên tâm kê cao gối ngủ hưởng thụ “vinh hoa, phú quý” cả đời, ấy thế mà:

“Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở
Khôn đem mình làm đứa sất phu,
Lớn sang giàu nặng oán thù,
Máu tươi lai láng, xương khô rã rời”...

Tiếp theo Nguyễn Du tả về: những kẻ sống ăn bám nhưng lại tưởng rằng mình là “cung quế Hằng Nga”, ấy vậy mà “một phen thay đổi sơn hà, tấm thân chiếc lá biết là về đâu?”; rồi đến người: làm quan, làm tướng, buôn bán, chài lưới, gái bán hoa, binh lính, tù tội, bị hàm oan, ăn xin ăn mày “nằm cầu gối đất, sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”. Những người này bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội vì danh, vì lợi nhọc nhằn ngược xuôi tranh đấu, dấn thân chỗ hiểm, nguy cơ tứ bề; kẻ làm quan thì vô đạo, kẻ làm tướng thì ham công – “phơi thây trăm họ nên công một người”, khiến nhiều chúng sinh phải đầu rơi, máu chảy, bao gia đình tan nát; và cuối cùng là những chúng sinh yểu mệnh như: hài nhi tấm bé lỗi giờ sinh nên sớm lìa bỏ mẹ cha, người chết do tai nạn, v.v…

Dù khi sống là Hoàng đế, quan lại hay bá tánh trăm họ, tương truyền sau khi chết đều phải đi qua cây cầu có tên “Nại Hà” chịu sự phán xét công và tội khi sống rồi mới tiếp tục chuyển kiếp, nên mới có câu: “Muốn biết quả đời này, hãy xem nhân đời trước”. Bởi thế mà:

“Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách tán biết đâu bây giờ?”.

Vì không gặp được Phật pháp nên các vong hồn phải nương tựa ở: ngang bờ dọc bụi, ngọn suối chân mây, ngọn cỏ bóng cây, v.v. Thần, Phật luôn từ bi, ở những câu thơ cuối tác giả chỉ ra con đường thoát khổ vĩnh hằng cho mỗi từng sinh mệnh:

“Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không”

Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”

(Hình Shutterstock).

Cầu gì cho Tổ tiên vào dịp lễ Vu Lan?

Với những người có đức tin chân chính thì thế giới Phật quốc luôn là thế giới tốt đẹp nhất, vì ở đó không có nỗi khổ của: lão, bệnh, tử và không có tranh giành, đấu đá, hơn thua, giảo hoạt, v.v. Người muốn vào Phật quốc thì cần phải trừ sạch những tính xấu kể trên, nếu tâm tính bất hảo mà đưa vào Phật quốc thì cũng bằng như làm ô uế chốn thiêng liêng thánh khiết – điều này là tuyệt đối không thể.

Tây Du Ký có đoạn kể về Tôn Ngộ Không học được phép trường sinh, có thể lên trời, xuống biển nhờ biết phép cân đẩu vân”, nhưng tính giảo hoạt, đấu đá, tự đại, v.v… chưa trừ bỏ nên khi lên trời làm “Tề Thiên Đại Thánh” đã ăn trộm đào, uống rượu, phá phách làm ra “Đại náo thiên cung”, còn cả gan định thay thế cả Ngọc Hoàng nên bị Phật tổ Như Lai giam dưới núi Ngũ Hành Sơn 500 năm. Về sau, Tôn Ngộ Không phò tá Đường Tăng đi lấy Kinh, trải qua 81 nạn rồi mới được vào Phật quốc.

Thi hào Nguyễn Du khuyên “lấy Phật làm lòng”, người ta nghĩ chỉ cần trong tâm có Phật là sẽ đến Phật quốc, nhưng qua câu chuyện về Tôn Ngộ Không kể trên đã cho thấy muốn vào Phật quốc thì phải trừ sạch tính xấu hay còn gọi là ma tính. “Lấy Phật làm lòng” ý là phải dựa vào lời Phật dạy hướng nội mà tu để trừ bỏ đi hết thảy những ác tâm như: giả-ác, tranh đấu, giảo hoạt, tham lam, nóng giận, đố kỵ, v.v.. Khi Phật tính khởi lên, thì ma tính tự diệt.

Bỏ đi tính xấu thực ra cũng là đang lựa chọn bước đi con đường trở thành người ‘Thiện’. Người thiện sẽ không dối trá (Chân thật), trước những việc không vừa ý xảy đến với mình phải ‘Nhẫn’. Nếu ai đó tự nhận mình là ‘Thiện’ nhưng trước những việc không vừa ý lại không ‘Nhẫn’ thì chỉ là giả ‘Thiện’. Tựu chung lại, ba chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” là điều trân quý nhất nên nguyện cầu vào dịp Lễ Vu lan. Tổ tiên ở trên các tầng trời cũng thấy vui mừng vì con cháu ở cõi người trong tâm có “Chân-Thiện-Nhẫn”, gia đình hòa thuận an vui; nếu tổ tiên còn chịu tội ở địa ngục thì cũng nhờ con cháu sống thiện mà sớm được ân xá. Người xưa nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, hiếu là khởi đầu của Thiện, làm tròn hiếu đạo là đã bước đi trên con đường Thiện, mong bạn hãy kiên trì. (DKN)