Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Câu chuyện đằng sau mì trường thọ –món ăn phổ biến trong dịp Tết Nguyên Đán của người Á Đông


Sợi mì dài của món ăn đã trở thành biểu tượng của sự trường thọ trong văn hóa Á Đông, khiến chúng trở thành món ăn phổ biến trong các lễ hội và dịp đặc biệt.

Mì trường thọ là món ăn được sử dụng nhiều vào dịp năm mới hay các dịp sinh nhật. (Ảnh CNN Trevel)
Mì trường thọ là món ăn được sử dụng nhiều vào dịp năm mới hay các dịp sinh nhật. Hình CNN Travel

Trong nền ẩm thực Á Đông nói chung cũng như những món ăn truyền thống dịp Tết Nguyên Đán nói riêng, có rất nhiều món ăn ngon miệng và nổi tiếng. Song, không thể không nhắc tới một món mì với cái tên đặc biệt, mì trường thọ. Nó không chỉ là món ăn bổ dưỡng mà còn ẩn chứa ý nghĩa, thay cho lời chúc sức khỏe, trường thọ cho người ăn. Chính bởi ý nghĩa đó nên mì trường thọ thường được người ta ăn vào những dịp sinh nhật hay dịp năm mới.

Đặc biệt vào dịp năm mới, nhu cầu ăn mì trường thọ tăng cao hơn cả. Aberdeen Yau Kee, một nhà máy sản xuất mì được thành lập từ những năm 1950 thông tin trên CNN, khoảng thời gian trước Tết Nguyên Đán là lúc họ bận rộn nhất trong năm, để kịp sản xuất ra số lượng lớn mì, cung cấp cho các nhà hàng hay người dân vì nhu cầu sẽ tăng khoảng 20-30% trong dịp này.

Vào mỗi dịp năm mới, các nhà máy hay các nhà hàng có phục vụ mì trường thọ luôn bận rộn hơn bình thường. (Ảnh CNN Travel)
Vào mỗi dịp năm mới, các nhà máy hay các nhà hàng có phục vụ mì trường thọ luôn bận rộn hơn bình thường. Hình CNN Travel

Johnny Mui, chủ một nhà hàng mì ở Chinatown, New York (Mỹ) cũng cho biết, anh cũng phải tất bật với những nhà cung ứng nguyên liệu khác như tôm hay hành lá để đảm bảo có đủ món ăn, phục vụ thực khách vào dịp Tết Nguyên Đán. “Mỗi dịp Tết đến, hầu như bàn nào đến nhà hàng của chúng tôi cũng gọi mì trường thọ.”, Johnny Mui nói thêm.

Mì trường thọ là gì? Tại sao lại là mì “trường thọ”?

Theo nhiều tài liệu hay sách lịch sử ghi lại, mì trường thọ có thể được ra đời từ thời nhà Hán, khoảng năm 141 – 87 TCN. Người Hoa từ xưa quan niệm, sợi mì dài chính là biểu tượng cho sức khỏe dồi dào và sự trường thọ của con người, sợi mì kéo càng dài thì người ăn sẽ càng mạnh khỏe và sống lâu. Chính vì ý nghĩa sâu xa này nên món ăn dần được gọi nhiều với cái tên là mì “trường thọ”.

Ở mỗi nơi, mì trường thọ lại có những phiên bản khác nhau, có thể là mì rau cả bó xôi, mì khô, mì thịt bò hay mì xào tương…

Mì trường thọ có nhiều phiên bản khác nhau ở tùy vùng miền.
Mì trường thọ có nhiều phiên bản khác nhau ở tùy vùng miền.

Ví dụ như ở ngôi làng Nam Sơn, Trung Quốc, sợi mì để làm mì trường thọ được làm từ loại bột đặc biệt, đem đi cán mỏng rồi cắt thành từng sợi nhỏ, đan chéo và phơi dưới nắng vài giờ đồng hồ. Khi hoàn thành, mì sẽ khô và mang hương vị thơm ngon. Bên cạnh nước dùng, có thể ăn cùng các món ăn kèm khác như thịt vịt quay, thịt xá xíu, tôm sú hay các loại rau, nấm…

Hay ở Quảng Đông, mì trường thọ được gọi là mì Yi Mein, được làm từ mì trứng màu vàng, có vị dai và xốp đặc trưng. Với kỹ thuật nhào bột làm nên sợi mì của người đầu bếp. những sợi mì Yi Mein có thể kéo dài tới 3m. Hoặc mì trường thọ với vị truyền thống, chỉ có mì và một chút rau ở Chiết Giang.

Những sợi mì để làm mì trường thọ sẽ dài hơn so với sợi mì thông thường. (Ảnh CNN Travel)
Những sợi mì để làm mì trường thọ sẽ dài hơn so với sợi mì thông thường. Hình CNN Travel

Tuy nhiên, dù là phiên bản mì trường thọ nào thì món ăn vẫn mang theo một ý nghĩa đồng nhất là cầu chúc cho sức khỏe và tuổi thọ trong dịp năm mới, tuổi mới, bên cạnh đó còn là sự may mắn và thịnh vượng. Chính vì vậy, mì trường thọ là một trong những món ăn được người ta nhắc tới nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên Đán.

Cách thưởng thức mì trường thọ

So với sợi mì thông thường, sợi mì trường thọ kể cả khi chế biến ra hay khi đến với thực khách để thưởng thức, sợi mì của nó sẽ dài hơn. Bởi theo quan niệm, ngay cả khi chế biến cho đến khi ăn, người ta sẽ không cắt nhỏ những sợi mì.

Khi ăn, người ăn cũng phải đưa sợi mì vào miệng và ăn hết trong một hơi. Điều này tượng trưng cho việc tuổi thọ được kéo dài và không bị đứt quãng. Việc cắn đứt sợi mì giữa chừng được cho là một hành động không mấy may mắn.

Khi ăn mì trường thọ, người ta quan niệm không nên cắn đứt sợi mì. (Ảnh CNN Travel)
Khi ăn mì trường thọ, người ta quan niệm không nên cắn đứt sợi mì. Hình CNN Travel

Ăn mì trường thọ dần trở thành một hành động mang nét đẹp văn hóa vào những ngày đầu năm mới. Ngày nay, không chỉ phổ biến với người Hoa, khái niệm mì trường thọ đã được mang tới nhiều nơi trên thế giới. Có thể kể tới những đất nước khác như Hàn Quốc, Singapore hay Malaysia. Như ở Hàn Quốc, mì trường thọ của họ là một loại mì xào và được gọi là japchae; ở Singapore hay Malaysia thì thường được làm từ bún lúa mì misua cùng hỗn hợp các loại rau thái nhỏ nhiều màu sắc và cá sống.

Nếu đi du lịch tới những nơi có cộng đồng người Á Đông vào dịp Tết Nguyên Đán này, bạn đừng quên ghé thăm một nhà hàng và thưởng thức thử mì trường thọ. Vừa để biết và hiểu thêm về hương vị món ăn, vừa như để có một năm mới mạnh khỏe và may mắn. (T/H, T/Q)