Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cảnh báo hai biến chủng nCoV có thể kết hợp tạo thành phiên bản mới

Hiện tượng tái tổ hợp này được phát hiện trong một mẫu bệnh phẩm, tìm thấy tại California, Mỹ. Giới chuyên gia cảnh báo chúng ta có thể sắp phải đối mặt giai đoạn mới của dịch.

Hiện tượng trên được chuyên gia Bette Korber, thành viên Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, ở bang New Mexico, Mỹ, phát hiện. Mẫu bệnh phẩm chứa virus đặc biệt này là một bệnh nhân ở California, Mỹ.

Trường hợp duy nhất

Theo tạp chí New Scientist, hai biến chủng virus xuất hiện hiện tượng tái tạo nói trên gồm có chủng B117 từ Anh và B1429 tại California. Phiên bản virus mà Bette phát hiện chứa cấu trúc gene của cả hai biến chủng trên. Trong đó, biến chủng B117 đã được cảnh báo có khả năng lây lan cao gấp 30-50% so với thông thường. Điều này khiến giới khoa học lo lắng bởi nó tiềm ẩn nguy cơ gây ra làn sóng Covid-19 mới tại Los Angeles bởi chúng mang theo đột biến rất đáng lo ngại.

Trong cuộc họp do Học viện Khoa học New York tổ chức ngày 2/2, chuyên gia Bette cho biết bà đã thấy bằng chứng “khá rõ ràng” về biến chủng virus lai khi so sánh cơ sở dữ liệu bộ gene của SARS-CoV-2 tại Mỹ.

bien chung nCoV moi anh 1
Nhân viên y tế xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân ở California. Ảnh: Los Angeles Times/Getty Images.

Trên thực tế, phát hiện của bà Bette Korber chỉ nhìn thấy một bộ gene tái tổ hợp duy nhất trong hàng nghìn trình tự gene virus nCoV. Đến nay, bà cũng chưa phát hiện thêm virus có truyền từ người này sang người khác hay nó chỉ là cá thể duy nhất.

Hiện tại, các chuyên gia chưa thể đánh giá tầm quan trọng và ý nghĩa của phát hiện này vì có rất ít thông tin sinh học về nó. Tuy nhiên, biến chủng virus mới thực sự mang đột biến Δ69/70 từ chủng B117 của Anh và L452R, thuộc chủng B.1429 (phát hiện tại California). Đột biến Δ69/70 được cho là giúp chủng B117 dễ lây lan hơn. Còn L452R từng được cảnh báo có khả năng chống lại các kháng thể.

Bà Korber nói tại cuộc họp ở New York: “Hiện tượng này có thể cho phép SARS-CoV-2 kết hợp các biến chủng, đột biến ưu tú và tạo thành chủng đặc biệt”.

Cơ chế hình thành “virus lai”

Không giống các đột biến thông thường, những biến chủng như B117 khi phát triển sẽ phái sinh, thay đổi tích lũy sau chu kỳ lây nhiễm sang vật chủ. Sự tái tổ hợp có thể mang lại nhiều đột biến cùng lúc. Hầu hết, qua thời gian, chúng không mang lại bất kỳ lợi thế nào cho virus. Nếu có, chúng sẽ tạo ra những biến chủng virus mới với độ tinh vi và ưu tú hơn.

Theo tiến sĩ François Balloux, Đại học College London, Anh, hiện tượng tái tổ hợp có thể là chìa khóa của quá trình virus tiến hóa. Nhiều chuyên gia thậm chí cho rằng đây là cơ chế hình thành, nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Hiện tượng tái tổ hợp thường xảy ra ở virus corona. Bởi enzyme sao chép bộ gene của chúng có xu hướng trượt khỏi sợi RNA mà nó đang sao chép. Sau đó, nó trở về vị trí cũ và nối lại những khuyết thiếu mình tạo ra. Nếu tế bào vật chủ chứa 2 bộ gene của 2 biến chủng SARS-CoV-2 khác nhau, enzyme có thể nhảy liên tục từ trình tự gene này sang trình tự gene khác. Lần kết hợp khác nhau có thể dẫn đến “virus lai”.

Sự xuất hiện gần đây của ngày càng nhiều biến chủng virus mới được xem là nguyên liệu thô để quá trình tái tổ hợp. Các bệnh nhân có thể nhiễm cùng lúc nhiều biến chủng của virus nCoV.

bien chung nCoV moi anh 2
Một số chuyên gia đặt giả thiết cơ chế tái tổ hợp có thể là nguồn gốc hình thành SARS-CoV-2. Ảnh: NAIDS.

Giáo sư, tiến sĩ Lucy van Dorp tại Đại học College London, Anh, cho hay bà cũng chưa nghe về thông tin virus lai, tái tổ hợp từ hai hoặc nhiều biến chủng. Tuy nhiên, bà cũng chia sẻ nếu điều đó xảy ra cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Bởi một số trường hợp bệnh nhân nhiễm cùng lúc 2 biến chủng viurs mới đã được ghi nhận.

Cuối tháng 1, các nhà nghiên cứu ở Brazil báo cáo những trường hợp đầu tiên của thế giới nhiễm cùng lúc hai biến chủng SARS-CoV-2. Nhóm tác giả ghi chép thông tin cho thấy biến chủng mà hai bệnh nhân này mắc gồm có P.2 (còn gọi là B.1.1.28), được tìm thấy ở thành phố Rio De Janeiro, Brazil.

Đồng thời, họ cũng có kết quả dương tính với biến chủng SARS-CoV-2 thứ hai. Tuy nhiên, nhóm tác giả chưa thể xác định tên của biến chủng này.

Giáo sư Sergei Pond, Đại học Temple, Pennsylvania, Mỹ, cho biết: “Chúng ta có thể sắp chứng kiến hiện tượng hai hoặc nhiều virus tái tạo, hợp nhất thành một chủng mới, nhất là khi ngày càng nhiều người nhiễm biến chủng virus mới”. Ông Pond là chuyên gia đang theo dõi các thể tái tổ hợp của virus bằng cách so sánh với hàng nghìn trình tự gene được thu thập trên thế giới.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng vẫn chưa có bằng chứng rộng rãi và mạnh mẽ về virus lai. Tuy nhiên, tất cả virus corona đều có thể tái tổ hợp. Vấn đề của chsung ta là khi nào điều này xảy ra.

Tháng 12/1, hai nhóm nghiên cứu khác báo cáo kết quả đối chiếu của họ và cho thấy họ chưa tìm thấy dữ liệu về sự tái tổ hợp như bà Bette đề cập. Nếu điều này được kiểm chứng, đây sẽ là thể virus lai đầu tiên mà chúng ta phát hiện trong đại dịch. (Z/N)