Căng thẳng Úc-TQ: Dù ở vị thế bất lợi, Canberra vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng trong cuộc chơi
Theo chuyên gia của S&P Global Platts, trong cuộc cạnh tranh thương mại Úc-Trung Quốc, dù đang ở vị thế bất lợi khi Bắc Kinh đã tìm được nguồn cung thay thế, nhưng Canberra vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng trong cuộc chơi.
Trong bài phỏng vấn với chương trình Squawk Box Asia của kênh CNBC vừa qua, ông Andrei Agapi – Giám đốc định giá nông nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương của S&P Global Platts (một đơn vị thành viên của Standard & Poor’s – nhà cung cấp hàng đầu các chỉ số và nguồn dữ liệu xếp hạng tín dụng độc lập) nhận định rằng, Trung Quốc hiện đang nhập khẩu các sản phẩm từ Mỹ, bao gồm lúa mì, ngô và đậu nành, nhiều hơn từ các thị trường được coi là “truyền thống” như Úc.
Chuyên gia Agapi giải thích, động thái này được tiến hành sau khi Bắc Kinh đồng ý thực hiện điều khoản “mua đáng kể” các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký hồi tháng 1 năm nay giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhà phân tích Agapi cho biết thêm, Trung Quốc có khả năng sẽ mua hàng hóa nhiều hơn trong bối cảnh quốc gia châu Á đang tìm cách bổ sung và lấp đầy kho hàng dự trữ.
Một yếu tố thúc đẩy Trung Quốc có nhu cầu mua nông sản mạnh mẽ là sự phục hồi của nền kinh tế sau đợt dịch tả lợn châu Phi. Thêm vào đó, nền kinh tế số 2 thế giới cũng đã phục hồi phần lớn, thậm chí ghi nhận tăng trưởng dương, sau đại dịch Covid-19.
Do đó, chuyên gia Agapi cho biết, nhu cầu về lương thực thực phẩm nói riêng và các mặt hàng khác nói chung tại Trung Quốc đang tăng khá mạnh mẽ.
Theo ông Agapi, điều này có nghĩa là sẽ có cơ hội nhiều hơn cho các nhà cung cấp khác chứ đây không chỉ là sân chơi của các nhà xuất khẩu Mỹ.
Tất nhiên, theo vị chuyên gia này, vẫn không thể phủ nhận thực tế, Trung Quốc không hoàn toàn cần lúa mì và lúa mạch… từ Úc, nhưng ngược lại, Úc vẫn cần thị trường Trung Quốc. Và do đó, vấn đề đặt ra là các nhà sản xuất Úc phải làm thế nào để dung hòa được thực tế này.
“Bất cứ thứ gì rẻ nhất, với nguồn cung dồi dào nhất, sẽ có được lợi thế”, chuyên gia này nhận định.
Ông Agapi giải thích rằng điều đó có thể là điềm báo tốt lành cho nông dân Úc, những người vừa trải qua 3 năm hạn hán liên tiếp. Giờ đây, họ đang ở trong “thời điểm khá tốt để cạnh tranh” khi năng suất cây trồng được cải thiện.
Những thuận lợi này giúp người nông dân xứ sở chuột túi có thể linh hoạt hơn trong việc định giá hàng hóa và việc họ ra giá thấp hơn để cạnh tranh với những nhà sản xuất khác cũng có thể là một phương án tốt vào thời điểm này.
Cũng theo vị chuyên gia của S&P, vào tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã áp mức thuế được coi là “mạnh tay” với lúa mạnh nhập khẩu từ Úc, khiến mặt hàng này không thể vào thị trường quốc gia châu Á. Ông Agapi nói rằng thực tế này một lần nữa nêu bật tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường đối với sản phẩm của Úc.
Bất đồng thương mại giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn khi Trung Quốc một lần nữa áp thuế lên các sản phẩm của Úc, lần này là nhắm vào ngành công nghiệp xuất khẩu rượu vang.
Rõ ràng, theo vị chuyên gia này, Canberra rất cần đa dạng hóa thị trường để không bị ảnh hưởng và hàng hóa không bị mắc kẹt bởi những quyết định trả đũa thương mại đến từ Bắc Kinh.
Ông Agapi nhận định, hàng hóa của Úc có thể bán sang nhiều thị trường khác, không nhất thiết là ở Trung Quốc. Nhà phân tích giải thích rằng lúa mạch và lúa mì của Úc vốn “có tính cạnh tranh rất cao” ở các nước như Indonesia, Philippines hay thậm chí là tại Trung Đông.
Vị chuyên gia của S&P nhấn mạnh: “Bạn luôn có thể tìm được người mua. Về cơ bản, đó là vấn đề giá cả”. (TGVN)