Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Căn bệnh khiến diễn viên Đức Tiến qua đời nguy hiểm như thế nào?


Thông tin người mẫu, diễn viên Đức Tiến đột ngột qua đời ở tuổi 44 do nhồi máu cơ tim khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót thương. Vậy nhồi máu cơ tim nguy hiểm như thế nào, có biểu hiện gì, ai có nguy cơ và cách phát hiện sớm nhồi máu cơ tim…

Căn bệnh khiến người mẫu, diễn viên Đức Tiến đột ngột qua đời nguy hiểm như thế nào?- Ảnh 1.
Người mẫu, diễn viên Đức Tiến đột ngột qua đời ở tuổi 44 do nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa

Nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm, là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim của bạn ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.

Nhồi máu cơ tim thường gặp ở các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại và tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, gần đây tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa.

Diễn viên kiêm người mẫu Đức Tiến qua đời vì nhồi máu cơ tim khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp bàng hoàng, tiếc thương. Nhiều người thắc mắc, căn bệnh này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người trưởng thành.

Phát hiện cơn nhồi máu cơ tim bằng cách nào?

Nhồi máu cơ tim được phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ có cơ hội cứu sống và phục hồi sức khỏe tốt nhất. Dấu hiệu chính của cơn nhồi máu cơ tim cấp là đau ngực và khó thở. Trong đó, triệu chứng đau thắt ngực rất rõ ràng, cảm giác như bị bóp nghẹt cùng với khó thở khiến người bệnh đau đớn, quằn quại hoặc nằm gục.

Ngoài ra, nhồi máu cơ tim cấp còn có các triệu chứng khác khá đa dạng và không phải người bệnh nào cũng gặp phải như:

  • Khó thở
  • Tức nặng ngực
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Nhịp tim đập nhanh
  • Choáng váng, chóng mặt đột ngột
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau lan ra ngực, lưng hàm và các khu vực khác thuộc nửa trên cơ thể

Sau khoảng 20 phút không được cấp máu và oxy, tế bào cơ tim có thể bị tổn thương không thể phục hồi. Vì thế khi có những cơn đau ngực như vậy, hãy đến một bệnh viện gần nhất có thể hoặc đến một bệnh viện có trung tâm tim mạch can thiệp để được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

  • Cholesterol trong máu cao

Một trong những nguyên nhân nhồi máu cơ tim điển hình nhất là mỡ máu cao. Trong máu tồn tại 3 loại chất béo, trong đó có cholesterol tốt, cholesterol xấu và chất béo trung tính. Khi tỷ lệ và hàm lượng các chất béo này ở mức bình thường, hệ tim mạch và sức khỏe đều tốt. Song nếu chất béo xấu tăng lên, các mảng xơ vữa sẽ hình thành từ thành động mạch, tích tụ theo thời gian và dần gây tắc nghẽn.

  • Tăng huyết áp

Huyết áp cao khiến động mạch phải chịu áp lực lớn hơn, nếu kéo dài chúng có thể bị giãn, yếu, dễ bị đứt và gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp. Đây cũng là nguyên nhân nhồi máu cơ tim rất phổ biến.

  • Bệnh lý mạn tính

Những người bệnh đái tháo đường, Gout có nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp cao hơn người bình thường.

  • Nguyên nhân khác

Hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh, những người thừa cân, béo phì, lười vận động…là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.

Bên cạnh đó, cơn nhồi máu cơ tim dễ xuất hiện với biến chứng nặng ở những người cao tuổi, tiền sử gia đình hoặc bản thân mắc bệnh tim mạch,…

Căn bệnh khiến người mẫu, diễn viên Đức Tiến đột ngột qua đời nguy hiểm như thế nào?- Ảnh 2.
Dấu hiệu chính của cơn nhồi máu cơ tim cấp là đau ngực và khó thở.

Những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim

  • Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn.
  • Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới.
  • Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.
  • Những bệnh nhân có đái tháo đường. Những bệnh nhân này có nguy cơ nhồi máu cơ tim tương tự như bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim.
  • Những người có các yếu tố nguy cơ cao như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực là những người dễ bị nhồi máu cơ tim.

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim bằng cách nào?

Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả, bạn nên:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nên đi khám sức khỏe mỗi năm 1 lần để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim như chỉ số huyết áp, lượng đường trong máu, mức cholesterol, bất thường mạch máu…
  • Bỏ thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
  • Tập thể dục thường xuyên hoặc chơi thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày (cường độ vừa) hoặc tập luyện ít nhất 15 phút mỗi ngày (cường độ cao), ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, củ quả, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, cá. Hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung. 
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Học cách quản lý căng thẳng, tránh tự tạo áp lực cho bản thân, tập hít thở, yoga hoặc thiền. (T/H, SKDS)