Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cách biệt giàu nghèo ở Úc ngày càng trầm trọng vì lạm phát


Báo cáo mới nhất từ CommBank iQ cho thấy, mặc dù lạm phát kéo dài, người lớn tuổi tại Úc vẫn duy trì xu hướng chi tiêu thoải mái, trong khi giới trẻ phải chật vật cắt giảm cả những nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày…

Cách biệt giàu nghèo ở Úc ngày càng trầm trọng vì lạm phát.

Tại Úc, người tiêu dùng lớn tuổi đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho mọi thứ, từ du lịch cho đến ăn uống, trong khi giới trẻ thậm chí còn phải cắt giảm cả các nhu yếu phẩm hàng ngày như thức ăn hay điện nước, một báo cáo từ CommBank iQ -liên doanh giữa Ngân hàng Commonwealth Bank và công ty dữ liệu Quantium Group cho thấy.

Điều này một lần nữa cho thấy cách biệt giàu nghèo giữa các thế hệ đang có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn.

Lãi suất cao và chi phí sinh hoạt đắt đỏ đã có những tác động không đồng đều đến cư dân Úc. Những người trẻ tuổi phải chịu sức ép lớn nhất từ gánh nặng kinh tế bởi chi phí đi vay, thuê nhà, sinh hoạt,… Ngược lại, nhóm tiêu dùng lớn tuổi hầu như không có nợ ngân hàng và được hưởng lợi từ lợi suất tiết kiệm lâu năm của họ.

Những người ở độ tuổi 20 bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát kéo dài. Họ chấp nhận cắt giảm hầu hết các chi tiêu hàng ngày như tiện ích, thực phẩm, bảo hiểm…

Do vậy, người tiêu dùng trên 65 tuổi có xu hướng chi tiêu ở mức cao hơn mức lạm phát, với riêng chi tiêu cho du lịch đã tăng 11%. Còn nhóm tuổi từ 25 – 29 đã cắt giảm chi tiêu của họ thêm 3.5% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.

“Đối với những bạn trẻ này, việc cắt giảm chi tiêu đi lại, hàng gia dụng và quần áo cũng đi đôi với việc giảm bớt chi tiêu cho thực phẩm và tiện ích. Do đó, rất có thể sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ chuyển về sống cùng cha mẹ hoặc trì hoãn kế hoạch ra ở riêng”, báo cáo lưu ý.

Tuy nhiên, chi tiêu cho việc đi ăn ngoài đã tăng lên trong quý đầu năm nay so với 1 năm trước đó, nhưng thói quen ăn uống lại có sự thay đổi lớn. Xu hướng mua đồ ăn nhanh tăng lên, trong khi chi tiêu tại các quán cà phê và nhà hàng lại giảm, điều này có thể liên quan đến việc mọi người chuyển sang các lựa chọn ăn uống có giá thành hợp lý hơn.

Báo cáo CommBank iQ cũng chỉ ra rằng mặc dù chi tiêu vẫn trên đà giảm như năm ngoái nhưng tốc độ đã bắt đầu chậm lại. “Nhìn chung, áp lực chi phí sinh hoạt và niềm tin người tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện”, báo cáo nhấn mạnh.

Tỷ lệ lạm phát của Úc chậm lại ít hơn dự kiến trong quý 1/2024 do giá thuê nhà (+2.1%) và chi phí giáo dục (+5.9%) tăng lên, làm mờ đi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Úc (RBA).

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý 1/2024 tăng 3.6% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn so với tốc độ tăng 4.1% trong quý 4/2023, trích dẫn số liệu từ Cục Thống kê Úc (ABS). CPI trong tháng 3 đã tăng nhẹ lên 3.5% so với mức 3.4% của tháng 1 và tháng 2.

“Lạm phát dịch vụ là “thủ phạm” chính cản trở tiến độ. Lạm phát toàn phần vẫn sẽ tiếp tục giảm bớt từ đây nhưng tiến độ sẽ chậm hơn một chút”, Harry Murphy Cruise, chuyên gia kinh tế của Moody’s Analytics cho biết. (T/H, T/G)