Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Các nhà xuất cảng rượu vang của Úc đạt lợi nhuận lớn tại Á Châu


Mặc dù vừa trải qua một năm đầy biến động trên thị trường rượu vang toàn cầu, các nhà xuất cảng của Úc đang thu được lợi nhuận đáng kể trên khắp Á Châu sau khi bị Bắc Kinh từ chối thị trường tại Trung Quốc.

Những chai rượu vang Úc được nhìn thấy tại một cửa hàng bán rượu vang nhập cảng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 27/11/2020. (Ảnh: Florence Lo/Reuters)

Trong số liệu mới nhất của mình, Wine Australia tiết lộ rằng khối lượng tổng thể đã giảm 17% xuống còn 619 triệu lít, dẫn đến giá trị xuất cảng giảm 30% xuống còn 2.03 tỷ AUD (1.45 tỷ USD).

Báo cáo Xuất cảng cho thấy xuất cảng sang các thị trường Bắc Mỹ và Âu Châu ổn định hoặc giảm nhẹ — một báo cáo trước đó vào tháng 04/2021 cho thấy mức tăng đáng kể ở Anh Quốc và Đức .

Hiệp hội ngành cho biết “điều kiện thị trường khó khăn chưa từng có” trong 12 tháng qua kết thúc vào tháng 12/2021, là do các vấn đề như tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sự “đầu cơ” ở một số thị trường sau khi khách hàng tích trữ rượu trong đợt bùng phát COVID-19 năm 2020.

Tuy nhiên, Wine Australia đổ lỗi cho cuộc chiến thuế quan đang diễn ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào Úc là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm lớn nhất đối với kinh doanh của các nhà xuất cảng.

Xuất cảng sang Trung Quốc đại lục từ tháng 10/2020 bắt đầu giảm mạnh sau khi Bắc Kinh áp thuế, dao động từ 116 đến 218% đối với sản phẩm rượu vang của Úc.

Giá trị xuất cảng (triệu AUD, FOB) – Trung Quốc đại lục so với phần còn lại của thế giới. (Ảnh: Wine Australia)

Các số liệu hiện tại cho thấy khối lượng xuất cảng sang Trung Quốc giảm 93% xuống còn 6.4 triệu lít, tương đương với việc giảm 97% giá trị xuất cảng xuống 29 triệu AUD – thiệt hại gần 1 tỷ AUD về giá trị và 90 triệu lít.

Đồng thời, giá trị xuất cảng tăng đáng kể được ghi nhận ở các quốc gia xung quanh Trung Quốc đại lục bao gồm Singapore (tăng 108% lên 166 triệu AUD), Hồng Kông (tăng 45% lên 191 triệu AUD), Hàn Quốc (tăng 74% lên 47 triệu AUD) , Đài Loan (tăng 65% lên 31 triệu AUD), và Thái Lan (tăng 31% lên 28 triệu AUD).

Bà Rachel Triggs, giám đốc điều hành về các Vấn đề Doanh nghiệp và Quy định pháp luật của Wine Australia, cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 03/02: “Đây là lần đầu tiên xuất cảng không bao gồm Trung Quốc đại lục đạt 2 tỷ AUD cho một năm dương lịch kể từ năm 2009.”

Bà nói, “Đại dịch vẫn đang làm gián đoạn hoạt động thương mại, cuộc khủng hoảng vận chuyển hàng hóa toàn cầu đang tiếp tục gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển và tăng chi phí vận chuyển, và trong khi xuất cảng tăng trưởng đến nhiều điểm đến, sẽ cần thời gian để bù đắp tổn thất trong thương mại sang Trung Quốc đại lục.”

“Đây không phải là điều sẽ xảy ra trong một sớm một chiều, cũng không phải trong vòng một năm. Tuy nhiên, lĩnh vực rượu vang của Úc mau phục hồi và có những dấu hiệu ban đầu cho thấy nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa thị trường đang được đền đáp.”

(Ảnh: Wine Australia)

Kể từ tháng 04/2020, Úc đã khắc phục một chiến dịch chèn ép thương mại đang diễn ra của ĐCSTQ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Hành động này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Đại sứ Trung Quốc tại Canberra Cheng Jingye, người đã cảnh báo về hành động tiềm tàng chống lại mối quan hệ thương mại của Úc với Trung Quốc.

Trong những tháng tiếp theo, ĐCSTQ đã thực hiện một loạt lệnh cấm, đình chỉ và các rào cản pháp lý đối với than, rượu, thịt bò, lúa mạch, tôm hùm, gỗ, thịt cừu và bông xuất cảng sang nước này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg đã tiết lộ hồi tháng Chín rằng mặc dù xuất cảng của Úc giảm 5.4 tỷ USD trong năm tính đến quý vào tháng 06/2021.

Ông nói với Diễn đàn Lãnh đạo Crawford của Đại học Quốc gia Úc rằng xuất cảng sang “phần còn lại của thế giới đã tăng 4.4 tỷ USD.”

Trong khi đó, các tin tức đã xuất hiện cho biết bất chấp ý định của Bắc Kinh nhằm làm tê liệt thương mại của Úc, các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc đang lách các biện pháp chèn ép kinh tế của ĐCSTQ bằng cách nhập cảng hàng hóa thông qua các thị trường thay thế và sau đó đưa chúng vào Trung Quốc – “thương mại xám”.

Vào tháng 05/2021, cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện hơn 569 kg tôm hùm trong một cuộc truy quét, với giá trị ước tính khoảng 19,300 USD. Lượng tôm này được phát hiện cùng với các mặt hàng tiêu biểu được những kẻ buôn lậu ưa thích bao gồm túi xách, đồ trang sức, vi cá mập và điện thoại thông minh.

Trong một trường hợp khác, theo South China Morning Post, cảnh sát Trung Quốc đã thu giữ 100 hộp – nặng 1,274kg – chứa Tôm hùm đá miền Tây nổi tiếng của Úc. Giá trị thị trường của loài giáp xác ước tính là 46,500 USD. (ETV)