Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Các đảo nhân tạo Trung Quốc ở Trường Sa có thể sụp xuống biển

WASHINGTON, Hoa Kỳ – Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa có thể sụp xuống biển vì bồi đắp ẩu tả và tác động từ biến đổi khí hậu.

Một bài phân tích của tạp chí National Interest hôm Thứ Tư, 4 Tháng Mười Một, nêu ra các nhược điểm có thể dẫn tới hệ quả tai hại cho tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đảo nhân tạo Đá Chữ Thập Trung Quốc xây dựng gồm cả phi trường, cảng biển, rồi trang bị các hệ thống võ khí tối tân. (Hình: CSIS/Digital Globe)

Từ năm 2013, Bắc Kinh đã cho tàu nạo hút lòng biển, lấy cát bồi đắp bảy bãi đá ngầm cướp của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa trước sự bất lực của nhà cầm quyền CSVN. Sau mấy năm bồi đắp và xây dựng, nay bảy bãi đá ngầm đó đã trở thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên Biển Đông, với cả cảng biển và phi đạo, phục vụ tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.

Các căn cứ đó từng được mô tả như những mẫu hạm khổng lồ không thể đánh chìm, phục vụ đế quốc đỏ ở Bắc Kinh, cản trở các hoạt động hợp pháp của các nước nhỏ phía Nam trên vùng biển đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế và chủ quyền biển đảo của họ.

Trung Quốc trắng trợn xây sắp xong kho chứa tên lửa trên Biển Đông -  NguoiViet.de

Trong số bảy đảo nhân tạo đó, ba đảo nổi bật quan trọng nhất là đảo Đá Chữ Thập, đảo Vành Khăn và đảo Su-bi vì chúng không những có cảng biển mà còn có cả phi đạo dài đến 3,000 mét, thích hợp cho các phi cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc sử dụng.

Theo tờ South China Morning Post từng cho hay, giữa khoảng các năm 2013-2016, các tàu nạo vét của Trung Quốc đã nghiền nhỏ san hô lòng biển thành vụn cát để làm vật liệu xây dựng các căn cứ tại các đảo nhân tạo. Cứ một giờ, tàu nạo vét của công ty Tianjing làm được 4,500 mét khối vật liệu “gần đủ để lấp đầy hai hồ tắm cỡ hồ tranh đua thể thao Olympic.”

Dù tàn phá môi trường thiên nhiên không cái gì còn, nhưng Bắc Kinh lại nói ngược là họ cố gắng tái tạo môi trường bị hủy hoại. Theo báo Economist, các căn cứ trên các đảo nhân tạo giúp Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ Biển Đông trong bất cứ tình huống nào. Các cảng biển giúp họ chuyển vận đồ tiếp liệu đến cho quân lính đồn trú. Các tàu khảo sát được họ dùng để tìm kiếm dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp.

Dân Việt Nam biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc cướp bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Theo bài viết của tờ Economist, người ta được nghe thấy tin đồn về các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa đang chìm dần xuống biển. Nền tảng của chúng đang biến dần thành những khối xốp (sponge) vì thời tiết khắc nghiệt ở khu vực. Đó là chưa kể sự tác hại nghiêm trọng mỗi khi có các cơn bão lớn thổi qua hằng năm.

Bắc Kinh từng áp lực với các nước tranh chấp cùng khai thác dầu khí ở các vùng biển hoàn toàn đặc quyền kinh tế của người ta, dựa trên cái chủ quyền chín vạch “lưỡi bò” tưởng tượng. Bắc Kinh còn gây áp lực với các nước khác, đặc biệt là Việt Nam, không để các công ty dầu khí quốc tế hợp tác với các nước. Rosneft, công ty dầu khí của Nga, tiếng là nước Nga với Trung Quốc tình nghĩa anh em, nhưng cũng phải khựng lại, không dám tiến hành dự án dò tìm ở khu vực bãi Tư Chính.

Tuy các căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa đối diện với tương lai bất định, nó cũng không cản trở được Bắc Kinh tiến hành các kế hoạch khống chế Biển Đông. Càng ngày, Bắc Kinh càng vận chuyển tới đó các trang bị tối tân hơn. (N/V)