Bức hình hiện rõ đường đi của viên đạn ám sát bất thành ông Trump
Bức ảnh của phóng viên New York Times có mặt tại hiện trường đã thể hiện rõ đường đi của viên đạn xuyên qua tai cựu Tổng thống Trump trong âm mưu ám sát bất thành ngày 13/7.
Khi tham gia ghi hình tại sự kiện vận động tranh cử của ông Trump ở Butler, Pennsylvania vào chiều tối 13/7 (theo giờ địa phương), Doug Mills, một nhiếp ảnh gia kỳ cựu của tờ New York Times, đã chụp được hình ảnh một viên đạn sượt qua đầu cựu Tổng thống Donald Trump.
Michael Harrigan, một đặc vụ FBI đã nghỉ hưu, có kinh nghiệm 22 năm trong nghề, đánh giá về bức ảnh: “Nó hoàn toàn có thể cho thấy sự dịch chuyển của không khí do một viên đạn gây ra”.
Ông Harrigan đưa ra đánh giá này trong một cuộc phỏng vấn vào tối 13/7 (theo giờ Mỹ) sau khi xem lại những hình ảnh có độ phân giải cao mà phóng viên Mills đã chụp từ cuộc mít tinh ở Butler. “Góc có vẻ hơi thấp khi xuyên qua tai ông ấy, nhưng không phải là không thể nếu tay súng bắn nhiều phát”.
Ông Harrigan cho biết, một phép toán đạn đạo đơn giản cho thấy rằng việc ghi lại hình ảnh viên đạn như ông Mills làm được trong bức ảnh là có thể.
Ông Mills đang sử dụng một máy ảnh kỹ thuật số Sony có khả năng chụp ảnh với tốc độ lên tới 30 khung hình mỗi giây. Ông chụp những bức ảnh này với tốc độ màn trập 1/8.000 giây – cực kỳ nhanh theo tiêu chuẩn ngành nhiếp ảnh.
Yếu tố còn lại là tốc độ của viên đạn từ súng. Ngày 13/7, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã thu hồi một khẩu súng trường bán tự động loại AR-15 tại hiện trường từ một người đàn ông da trắng đã chết mà họ tin là tay súng.
Cựu đặc vụ Harrigan nói: “Nếu tay súng bắn một khẩu súng trường kiểu AR-15, thì viên đạn cỡ nòng 5.56 mm mà hắn sử dụng sẽ di chuyển với tốc độ khoảng 3,200 feet (975m) mỗi giây khi rời khỏi họng súng. Và với tốc độ màn trập 1/8,000 giây, điều này sẽ cho phép viên đạn di chuyển một đoạn khoảng 4/10 foot (12cm) khi màn trập mở.”
“Hầu hết các máy ảnh được sử dụng để chụp ảnh những viên đạn đang bay đều là những máy ảnh đặc biệt tốc độ cực cao thường không được sử dụng để chụp ảnh thông thường, do đó, việc bắt được một viên đạn theo quỹ đạo như trong bức ảnh đó sẽ có xác suất 1/1 triệu lần chụp và gần như không thể chộp được ngay cả khi người ta biết viên đạn đang bay tới”, ông Harrigan nói.
Trong nhiệm vụ cuối cùng trong sự nghiệp, ông Harrigan đã lãnh đạo đơn vị huấn luyện súng của Cục và hiện đang làm cố vấn trong ngành súng ống.
Vào chiều 13/7 (theo giờ địa phương, rạng sáng 14/7 theo giờ VN), cựu Tổng thống Doanld Trump đang đứng trên sân khấu tại cuộc vận động tranh cử ngoài trời ở Butler, tiểu bang Pennsylvania thì bị bắn vào tai. Khi tiếng súng vang lên, ông Trump lập tức đưa tay lên tai phải, và nhanh chóng ngồi thụp xuống phía sau bục phát biểu. Nhóm mật vụ đứng gần cũng lập tức che chắn, trong khi các đặc vụ khác nhảy lên sân khấu, vây quanh ông Trump.
Các mật vụ giữ ông Trump cúi sát sàn sân khấu trong 25 giây, trước khi ai đó hét lên “tay súng đã bị hạ”. Sau đó, nhóm mật vụ đưa ông Trump ra xe.
Vụ tấn công đã giết chết một người tham gia buổi mít tinh và khiến hai người khác bị thương nặng.
Sáng sớm 14/7 (theo giờ địa phương), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận nghi phạm trong vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi. Đối tượng sống ở Bethel Park, tiểu bang Pennsylvania.
Crooks đã bị các nhân viên mật vụ bắn hạ và tử vong tại chỗ. Cảnh sát cũng đã tìm thấy một khẩu súng tiểu liên tại hiện trường. Hiện vẫn chưa rõ động cơ của Matthew Crooks khi tiến hành vụ nổ súng.
Trước đó, tại họp báo ở thành phố Butler về vụ nổ súng, đại diện FBI xác nhận vụ nổ súng nhằm vào ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa là một âm mưu ám sát.
Trên mạng xã hội X, nghị sĩ đảng Cộng hòa Dan Meuser cho biết ông Trump đã rời thành phố Butler và lên đường tới Bedminster, tiểu bang New Jersey, sau vụ nổ súng.
Hiện tại các nhà chức trách Mỹ đang gấp rút điều tra để hiểu cách thức và lý do tại sao kẻ ám sát đã ra tay nhằm vào ông Trump, chỉ vài ngày trước khi ông được đề cử làm ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Vụ nổ súng gợi lại những vụ ám sát từng gây chấn động các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vào những năm 1960 và đầu những năm 1970. Tổng thống Biden, các nhà lãnh đạo thế giới khác và các chính trị gia từ cả hai đảng chính trị lớn của Mỹ đều đưa ra hàng loạt tuyên bố lên án vụ việc.
Hiện chưa rõ vụ tấn công có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Ông Trump dự kiến sẽ chính thức được đề cử làm ứng cử viên của đảng mình tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, bắt đầu ở Milwaukee vào 15/7. Các quan chức cho biết trong một tuyên bố trên mạng xã hội rằng đại hội sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch. (T/H, tintuc)