Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

BRI: Canberra chặn mưu toan của Bắc Kinh xâm nhập vào Úc

Tháng 04/2021, chính phủ liên bang Úc đã hủy bỏ hai thỏa hiệp (MoU) đã ký giữa tiểu bang Victoria và Bắc Kinh trong khuôn khổ sáng kiến «Vành đai và Con đường» (tên cũ là « Một Vành đai, Một con đường ») của Trung Quốc. 

Để có một cách nhìn tổng quát và am hiểu hơn về những vấn đề liên quan đến các thỏa thuận đã ký giữa chính phủ của một tiểu bang nước Úc với chính quyền Trung Quốc và những hệ lụy của nó, mời quý vị nghe những phân tích và nhận định sắc nét từ ông Lưu Tường Quang.

Ông là một luật sư, đồng thời là một nhà báo có mối quan tâm chuyên sâu đến các vấn đề chính trị, ngoại giao tại Úc và các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nhà báo Lưu Tường Quang nguyên là Trưởng nhiệm SBS Radio (Head of SBS Radio), một Cơ quan Truyền thông Đa Văn hóa của Úc Châu.

Quan hệ song phương giữa Úc và Trung Quốc ngày càng băng giá.
Quan hệ song phương giữa Úc và Trung Quốc ngày càng băng giá. (Hình AFP)

**********

RFI Tiếng Việt :  Trước hết, xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia phỏng vấn. Thưa ông, được biết, sáng kiến « Vành đai và Con đường» (Belt and Road Initiative – BRI) với khoản đầu tư 124 tỷ đôla được chủ tịch Tập Cận Bình thai nghén từ năm 2013 và đưa lên bàn đàm phán thông qua diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Kinh năm 2017, với sự có mặt của 29 vị nguyên thủ cùng các đại diện đến từ 100 quốc gia. « Vành đai và Con đường» của Bắc Kinh được cho là « món nợ ngoại giao nguy hiểm » hay « ngoại giao bẫy nợ » (debt trap diplomacy). Sau khi trực tiếp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Kinh, ông Daniel Andrews, thủ hiến bang Victoria đã lần lượt ký hai thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc là « Biên bản ghi nhớ » (10/2018) và sau đó là « Hiệp định khung » (10/2019). Vậy xin ông cho biết nội dung cụ thể của các thỏa thuận này là gì ?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Thưa quý thính giả của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, thủ hiến Daniel Andrews của bang Victoria, một trong 6 tiểu bang của liên bang Úc, đã từng đến Bắc Kinh vào năm 2015 để thăm dò. Năm 2017, ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh « Vành đai và Con đường » tại Bắc Kinh với tư cách là một đại biểu của chính phủ tiểu bang Victoria, chứ không phải đại diện cho Úc.

Sau đó, vào tháng 10/2018, ông Daniel Andrews đã ký một « Biên bản ghi nhớ » (MoU) về hợp tác « Vành đai và Con đường» với đại sứ của Trung Quốc tại Canberra Thành Cảnh Nghiệp. Rồi đến ngày 23/10/2019, cả hai bên ký thêm một « Thỏa hiệp khung » (Framework Agreement).

Nhưng cả hai thỏa hiệp này đều không có tính cách ràng buộc, nghĩa là thi hành đến đâu là tùy ý, không bên nào bắt buộc bên kia phải làm gì. Cả hai thỏa hiệp này nhằm vào ba lĩnh vực ưu tiên trong sự hợp tác giữa Victoria và Bắc Kinh, thứ nhất là trong vấn đề hạ tầng cơ sở. Chính phủ Victoria hy vọng với thỏa hiệp này, Trung Quốc sẽ đổ tiền đầu tư và kỹ thuật canh tân hạ tầng cơ sở cho tiểu bang, từ đó, tạo ra công ăn việc làm cho cư dân địa phương.

Lĩnh vực thứ hai là sáng tạo (innovation), làm thế nào để canh tân các ngành kỹ nghệ, đặc biệt là ngành kỹ nghệ sinh hóa ở mức cao tại Victoria. Và, lĩnh vực thứ ba là trong vấn đề phát triển thương mại và tiếp cận vào thị trường của nhau. Tất nhiên, thị trường Trung Quốc là một thị trường lớn nhất thế giới, trong khi tiểu bang Victoria là một thị trường rất nhỏ, chỉ với 6 triệu dân. Cho nên, đây là một thỏa hiệp mà Victoria hy vọng đem lại nhiều lợi nhuận trên căn bản là tạo nhiều công ăn việc làm.

RFI : Mặc dù có những lời cảnh báo và sự không đồng thuận tham gia của các quốc gia liên minh, cũng như sự không đồng tình của liên bang đối với siêu dự án đầy tham vọng bành trướng của Trung Quốc, bằng cách nào chính phủ Victoria của ông Daniel Andrews đã thực hiện việc ký kết một cách trơn tru như vậy, thưa ông ?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Điều này có vẻ hơi khó hiểu, nhưng thực tế, ông Daniel Andrews, thủ hiến của tiểu bang Victoria, là thủ hiến của chính phủ Đảng Lao động. Tất nhiên, theo thủ tục công quyền tại Úc và riêng tại Victoria, thông thường, thủ tướng hay thủ hiến làm gì cũng phải qua Hội đồng nội các tại chính quyền liên bang và chính phủ tiểu bang. Sau đó, các vấn đề sẽ được giao cho các bộ ngành thực hiện.

Nhưng trong trường hợp này, ông Daniel Andrews không theo phương thức thông thường. Thứ nhất, ông quy tụ tất cả các cuộc thảo luận, tiếp xúc vào trong văn phòng riêng – văn phòng chính trị của ông. Các bộ sẽ không biết kết quả, hoặc chỉ biết được kết quả sau khi đã đạt được, chứ không được tham dự vào tiến trình thảo luận.

Thứ hai, theo các nguồn tin được phổ biến rộng rãi từ các cơ quan truyền thông Úc, trong văn phòng chính trị riêng của thủ hiến Daniel Andrews có một vài cố vấn rất đặc biệt. Trong thời gian trước khi ký thỏa hiệp năm 2018, ông Andrews có hai cố vấn gốc Hoa, tốt nghiệp đại học và đã hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại Úc là ông Mike Yang và bà Jean Dong. Cả hai người được cho rất có ảnh hưởng đối với ông Daniel Andrews khi làm cố vấn trong văn phòng chính trị riêng của ông. Thêm vào đó, theo hãng tin News.com.au (Australia’s leading news site, 28/05/2020), chính hai người này đã đưa đẩy ông Daniel Andrews nhiều cơ hội tiếp xúc các quan chức Trung Quốc và dẫn tới việc ký kết hai thỏa hiệp nói trên.

RFI : Thưa ông, mối bang giao đầu tư thương mại qua « Vành đai và Con đường» giữa Victoria và Bắc Kinh có thật sự đem lại lợi ích cho sự phát triển của tiểu bang này đúng như mong đợi của hủ hiến Daniel Andrews ?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Có thể nói, câu trả lời là « Không » bởi hai lý do. Thứ nhất, cả hai thỏa hiệp MoU chưa được thi hành thì đã bị hủy bỏ. Thứ hai, khi Bắc Kinh và Victoria đồng ý ký hai thỏa hiệp MoU rồi, họ dự định vào năm 2020 sẽ ký thêm một thỏa hiệp nữa về « Lộ trình Vành đai và Con đường » (BRI Road Map). Tuy nhiên, vì lý do đại dịch COVID-19 xảy ra, đầu tiên là ở Vũ Hán cuối năm 2019 đầu năm 2020 và sau đó tràn ra khắp thế giới, nên thỏa hiệp thứ ba không đạt được.

Vậy, lý do tại sao, việc ký kết bang giao ngoại thương với Bắc Kinh đã không đem lại cho Victoria lợi nhuận gì ? Trong rất nhiều năm qua, phần thặng dư (surplus) có được từ mối giao thương giữa Úc và Trung Quốc, trị giá 150 tỷ Úc kim, là thuộc chính phủ liên bang Úc.

Riêng, phần giao thương giữa tiểu bang Victoria và Trung Quốc thì kết quả ngược lại. Tiểu bang Victoria bao giờ cũng thua lỗ trong rất nhiều năm kể từ năm 2014. Đến khi hai bên ký kết hai thỏa hiệp (2018, 2019), thì sự thua lỗ tăng lên 25%. Cho nên, vào thời điểm 2021, Victoria đã bị thất thu 42 tỷ Úc kim trong vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Phần lớn, tức là 65%, các ngành xuất khẩu của Victoria sang Trung Quốc là thực phẩm và các loại sản phẩm tơ sợi chứ, không phải là các loại hàng hóa thiết yếu mà Trung Quốc cần, chẳng hạn như quặng mỏ và phần lớn lúa mạch, tôm hùm của Tây Úc, than đá của Queensland và New South Wales, thịt bò của Queensland, rượu vang, rượu nho của Nam Úc.

Cho nên, một mặt khi chúng ta nói rằng các thỏa hiệp MoU chưa đem lại một lợi nhuận nào cho Victoria, ngược lại chúng ta cũng nói rằng Victoria có một giao thương thua lỗ. Mặt khác, chúng ta cũng nói thêm rằng, hiện tại trong khi Bắc Kinh đang có sự trừng phạt kinh tế với nước Úc nói chung thì sự trừng phạt kinh tế đó chưa ảnh hưởng nhiều đến Victoria, bởi lý do các sản phẩm bị hạn chế, bị cấm, bị đánh thuế cao đều không sản xuất tại Victoria.

RFI : Vào ngày 21/04 vừa qua, bà Marise Payne, Ngoại trưởng Úc đã thông báo hủy bỏ « Biên bản ghi nhớ » và « Khung thỏa thuận » mà thủ hiến bang Victoria và Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã ký kết. Thưa ông, chính phủ liên bang đã làm thế nào để có thể hủy bỏ thỏa thuận đã ký của tiểu bang ?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Đứng về mặt hiến pháp, thật sự không có gì khó khăn, mà quan trọng là nhìn nhận vấn đề từ quan điểm chính trị. Trong quá trình thương thuyết giữa Victoria và Bắc Kinh để đưa đến các thỏa hiệp MoU, thủ hiến Daniel Andrews lúc nào cũng giữ bí mật và gom mọi việc vào trong văn phòng của mình. Ông không thông báo, cũng như không thảo luận với Bộ Ngoại giao và Thương mại của liên bang. Thậm chí, khi được mời tham dự thuyết trình về những tin tức tình báo mật về Bắc Kinh, của Tổ chức Tình báo Quốc gia tại Úc, ông Andrews cũng từ chối tham dự.

Cho nên, có thể nói, ông đã đơn độc đi đến việc ký kết hai thỏa hiệp nói trên với Bắc Kinh. Chính phủ liên bang, kể cả thủ tướng Scott Morrison cũng như ngoại trưởng Marise Payne, đã rất nhiều lần cảnh báo rằng tiểu bang Victoria đang có những hành động đơn phương rất nguy hiểm, gây nguy hại đến quyền lợi quốc gia, nhất là đến chính sách ngoại giao của nước Úc. Đó không phải là đường lối của chính phủ Liên Đảng.

Tuy nhiên, trong vấn đề bang giao thương mại với Bắc Kinh trong khuôn khổ « Vành đai và Con đường», liên bang nói chung tức chính phủ Liên Đảng Tự do Quốc gia và Đảng Lao Động đối lập đều có một lập trường nhất quán đối với hành động của tiểu bang Victoria. Nói cách khác, chính phủ Lao Động Victoria đã không nhận được sự ủng hộ của Đảng Lao Động ở cấp liên bang trong các vấn đề giao thương với Bắc Kinh trong khuôn khổ « Vành đai và Con đường» .

Năm 2020, chính phủ Liên đảng đệ trình và được Quốc hội đã thông qua « Australia’s Foreign Relations Act 2020 », đạo luật về bang giao quốc tế hay ngoại giao của nước Úc. Do đó, trên căn bản quyền hạn của « Australia’s Foreign Relations Act 2020 », ngoại trưởng Marise Payne đã quyết định hủy bỏ bốn thỏa hiệp mà tiểu bang Victoria đã ký kết.

Hai thỏa hiệp không có tầm quan trọng, đó là thỏa hiệp với Iran về hợp tác kỹ thuật và thoả hiệp với Syria. Hai thỏa hiệp còn lại có tính chất quan trọng vì liên quan đến Trung Quốc, đó là hai thỏa hiệp MoU mà ông Daniel Andrews đã ký với Bắc Kinh năm 2018, 2019. Tuy nhiên, khi hủy bỏ hai thỏa hiệp này, ngoại trưởng Marise Payne cũng cẩn thận nói rất rõ đây không phải là một chính sách chống Trung Quốc, mà chỉ là để bảo vệ chính sách ngoại giao và quyền lợi quốc gia của nước Úc mà thôi.

Không ảnh thị trấn Darwin, nơi có cảng biển thương mại Darwin, cho Trung Quốc thuê đến 99 năm.
Không ảnh thị trấn Darwin, nơi có cảng biển thương mại Darwin, cho Trung Quốc thuê đến 99 năm. (Hình Wikipedia)

RFI : Việc chính quyền của thủ tướng Scott Morrison hủy bỏ tham gia « Vành đai và Con đường» đã làm cho sự căng thẳng càng nóng hơn và động cơ đàm phán có thiện chí càng lạnh giá giữa Úc và Trung Quốc, khó có thể được hâm nóng trong một sớm một chiều. Theo ông, hướng đi cho mối quan hệ này trong tương lai sẽ như thế nào?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Chắc chắn, trong tương lai xa, chúng ta không thể dự đoán được, vì còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố địa chính trị trên toàn thế giới. Nhưng, ít nhất trong tương lai gần hay trung hạn, chúng ta có thể nói chắc chắn rằng, bang giao song phương giữa nước Úc và Trung Quốc sẽ trở nên tệ hại hơn, xấu hơn và căng thẳng hơn.

Bằng chứng là chỉ cách đây vài ngày, để trả đũa chính phủ liên bang Úc hủy bỏ hai thỏa hiệp MoU giữa tiểu bang Victoria với Bắc Kinh, Trung Quốc đã hủy bỏ một cuộc « Đối thoại chiến lược kinh tế giữa Úc và Trung Quốc » (China – Australia Strategic Economic Dialogue). Đây là một cơ chế để Bộ trưởng Thương mại hai bên gặp gỡ định kỳ để thảo luận những vấn đề đem lại lợi nhuận cho cả đôi bên. Chẳng những vậy, qua báo chí do nhà nước kiểm soát, họ chỉ trích và mạ lị nước Úc một cách rất thậm tệ. Cho nên, đó không phải là một bối cảnh mà bang giao song phương có thể được cải thiện.

Đặc biệt, gần đây nhất, nếu nhìn từ quan điểm địa chính trị và quan điểm tiếp cận lục địa Úc Châu, Trung Quốc có những động thái có thể coi như một sự đe dọa cho nước Úc. Theo nguồn tin Sky News (05/2021), Bắc Kinh đang cố gắng thuyết phục nước Papua New Guinea, một thuộc địa của nước Úc, độc lập vào năm 1975 và nằm sát nách với tiểu bang Queensland của Úc, chấp nhận một đề nghị : để Trung Quốc xây một thành phố kỹ nghệ (Industrial City) tại Daru, trị giá 40 tỷ Úc kim.

Nếu Trung Quốc có thể xây dựng một thành phố kỹ nghệ chỉ cách ranh giới của Queensland độ hơn 100 cây số, rõ ràng đây là khả năng mà Trung Quốc có thể kiểm soát sự giao lưu thông thương trên đường biển của hai nước Papua New Guinea và Úc Châu. Cho nên, ngoài việc bày tỏ sự bất bình trực tiếp với Úc, Trung Quốc đang có những kế hoạch để cải thiện quan hệ với các quốc gia tại vùng Nam Thái Bình Dương, như Papua New Guinea, Vanuatu, Solomon Islands, ngay cả Fiji, những  quốc gia mà nước Úc có rất nhiều mối quan hệ gần gũi. Đây là mối đe dọa rất lớn về an ninh quốc phòng của nước Úc.

Do đó, trong tương lai gần hay trung hạn, bang giao song phương giữa nước Úc và Trung Quốc sẽ tiếp tục căng thẳng, gây nhiều khó khăn. Nước Úc, với tư cách một quốc gia đã phát triển, độc lập, vẫn giữ lập trường cứng rắn, nhưng sẵn sàng nối lại đối thoại, sẵn sàng thảo luận với Bắc Kinh trên cơ sở bình đẳng. Hiện tại, nước Úc, thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã kiện Bắc Kinh về vấn đề đánh thuế cao đối với lúa mạch, chúng ta đón chờ xem kết quả.

RFI : Ngoài ra, theo ông, liệu rằng chính phủ liên bang có dùng quyền phủ quyết mới này để can thiệp vào quyết định cho Tập đoàn Landbridge (Trung Quốc) thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu Úc kim, mà chính phủ vùng lãnh thổ Bắc Úc (Northern Territory) đã đưa ra năm 2015 ?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Vào năm 2015, chính phủ lãnh thổ Bắc Úc đã ký khế ước với Landbridge, một công ty thương mại của tỷ phú Diệp Thành (Ye Cheng), với giá 506 triệu Úc kim trong 99 năm. Đây là một quyết định mà nước Úc tỏ ra hối tiếc. Theo thể thức được áp dụng vào năm 2015, Ủy ban Tái xét Đầu tư Nước ngoài (Foreign Investment Review Board) của chính phủ liên bang đã chấp nhận thỏa hiệp giữa Bắc Úc và Công ty Landbridge. Lúc bấy giờ, chính phủ Úc, kể cả bộ Quốc Phòng Úc, tỏ vẻ không có mấy quan tâm về hậu quả về việc cho thuê này.

Vấn đề này được thảo luận trước năm 2018 và hoàn cảnh thúc đẩy chính phủ, cũng như các giới chuyên gia, nghiên cứu nhiều hơn và suy nghĩ nhiều hơn về hậu quả đối với nền an ninh quốc gia sau khi ông Daniel Andrews ký hai thỏa hiệp MoU với Bắc Kinh. Đặc biệt, sau khi ngoại trưởng Marise Payne hủy hỏ hai thỏa hiệp MoU của Victoria trong tháng trước đây.

Vấn đề đặt ra là thỏa hiệp cho thuê 99 năm này có ảnh hưởng như thế nào về phương diện an ninh quốc phòng. Thứ nhất, chúng ta đặt giả thuyết cho thuê là vấn đề thương mại. Theo chính sách đối ngoại của nước Úc (« Australia’s Foreign Relations Act 2020 »), những thỏa hiệp với nước ngoài về phương diện thuần túy thương mại không được áp dụng. Có nghĩa là nếu quyết định hủy bỏ thỏa hiệp giữa LandBridge với chính phủ của lãnh thổ Bắc Úc, chính phủ Úc không thể dựa vào đạo luật này.

Tuy nhiên, chính phủ liên bang có thể vẫn làm được, bởi chính phủ dựa vào quyền phủ quyết trong vấn đề an ninh và quốc phòng để hủy bỏ khế ước này, nếu quả thật, cuộc điều tra hiện nay của Bộ Quốc phòng cho thấy việc nguy hại đến nền an ninh của nước Úc.

Bộ trưởng Quốc Phòng mới của Úc là ông Peter Dutton đã rất nhiều lần chỉ trích kế hoạch « Vành đai và Con đường» như một thủ thuật tuyên truyền, nhằm thực hiện mộng bá quyền của ông Tập Cận Bình. Mặt khác, nếu chính phủ Liên Đảng của thủ tướng Morrison coi đây là một vấn đề có khả năng gây nên nguy hại cho vấn đề an ninh của nước Úc, thì tất nhiên chính phủ vẫn có thể quyết định dựa vào quyền an ninh quốc phòng để hủy bỏ khế ước cho thuê.

Nhưng, vì là một khế ước cho thuê đã được chấp nhận và đang thi hành, nên trong trường hợp này, chính phủ phải bồi thường. Vấn đề bồi thường bao nhiêu và có hay không hủy bỏ là một vấn đề mà chúng ta có thể trở lại bàn luận trong tương lai. Vì hiện tại chính phủ Úc mở cuộc điều tra, nhưng chưa có kết luận, nên vấn đề thương thảo bồi thường giữa hai bên chưa được đặt ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số tiền này không hề nhỏ. 

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney, Úc. (RFI)