Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

BỎ RÁC VẮC-XIN: Nỗi buồn vắc-xin Covid-19 hết hạn

Trong khi phần lớn thế giới còn chưa có đủ vắc-xin Covid-19 để tiêm phòng cho toàn bộ người dân thì các nước phát triển lại để lãng phí những liều thuốc đó.

Do cung nhiều hơn cầu, nhiều nước phát triển đang lãng phí hàng triệu liều vắc-xin Covid-19. (Hình Reuters)

Tại trường Đại học Leiden ở Hà Lan, có hơn 90 thùng vắc-xin Covid-19 của hãng AstraZeneca trị giá hàng nghìn USD đang nằm yên trong chiếc tủ lạnh âm sâu bảo quản vắc-xin. Nhưng chúng hầu hết sẽ hết hạn vào tháng Tám này.

Bác sĩ Dennis Mook-Kanamori thuộc Trung tâm Y tế Đại học Leiden thấy thật lãng phí khi để hàng nghìn liều vắc-xin này hết hạn mà không được sử dụng.

Nhưng điều khiến ông thực sự bất bình là chính phủ Hà Lan để mặc vắc-xin hết hạn thay vì chia sẻ cho thế giới.

Giới y tế Hà Lan ước tính, nếu không có gì thay đổi, đến tháng Mười, khoảng 200,000 liều vắc-xin của hãng AstraZeneca tại nước này sẽ bị tiêu hủy.

Thực tế đáng buồn

Đáng tiếc thay, đây không phải vấn đề của riêng Hà Lan. Trên thế giới, có hàng triệu liều vắc-xin Covid-19 sắp hết hạn sử dụng và đang nằm im trong những chiếc tủ đông tại các quốc gia giàu có. Israel vừa mới tiêu hủy hơn 80,000 liều vắc-xin Pfizer vào cuối tháng Bảy, Ba Lan phải vứt bỏ 73,000 liều vắc-xin của nhiều hãng khác nhau.

Trong khi đó, riêng bang North Carolina (Mỹ), khoảng 800,000 liều vắc-xin sắp hết hạn. Trên toàn nước Mỹ, tổng số liều vắc-xin hết hạn hoặc sắp hết hạn lên đến hàng triệu.

Nguyên nhân là trong khi chính phủ mua nhiều vắc-xin với mong muốn miễn dịch cộng đồng, vẫn còn nhiều người dân không đi tiêm chủng. Ví dụ như tại bang Arkansas có những ngày các địa điểm tiêm chủng phải đóng cửa vì chẳng người dân nào tới tiêm.

Trong khi đó, phần lớn thế giới chưa có đủ vắc-xin để thực hiện các chiến dịch tiêm chủng rộng rãi.

Tại châu Phi, chỉ hơn 2% dân số được tiêm ít nhất một liều, trong khi Hà Lan đã tiêm chủng đầy đủ hơn nửa số dân. Chính phủ Hà Lan nói vì lý do pháp lý và hậu cần, họ không thể xuất khẩu vắc-xin cho các nước, bất chấp nhiều chỉ trích.

Theo ông Jesse Goodman, Giáo sư luật y học toàn cầu tại Đại học Georgetown, vắc-xin thường giảm chất lượng nhanh hơn các loại thuốc khác. Ngoài ra, khi quá hạn sử dụng, vắc-xin có thể không tạo ra phản ứng miễn dịch tốt như khi còn hạn. Các loại vắc-xin mRNA như Pfizer và Moderna rất dễ hư hỏng.

Cần chấm dứt lãng phí

Việc phát triển thành công một số loại vắc-xin hiệu quả ngừa Covid-19 trong vòng chưa đầy một năm thực sự là kỳ tích của nhân loại. Tuy nhiên, cũng vì thế mà bức tranh đối lập giữa nước giàu và nước nghèo được khắc họa rõ nét hơn.

Các nước phát triển, với nguồn lực dồi dào sẽ thu mua số lượng lớn vắc-xin để tập trung tiêm phòng cho công dân nước mình, dẫn đến thiếu nguồn cung cho các nước kém phát triển hơn.

Thậm chí, các nước giàu còn đặt mua số lượng vắc-xin khổng lồ, xảy ra tình trạng cung nhiều hơn cầu.

Số liệu chỉ ra, các nước giàu có, chỉ với 16% dân số toàn thế giới đã mua tới 60% nguồn cung cấp vắc-xin trên toàn thế giới, có quốc gia thậm chí đặt mua số lượng nhiều hơn số dân của mình. Canada mua cho 453.1% dân số, Anh mua 270.3%, Australia mua 225.1%, Mỹ mua 182.8% dân số.

Bỏ phí vắc-xin Covid-19 đồng nghĩa với việc “ném tiền qua cửa sổ”. Nếu tính tại Mỹ, với mỗi liều vắc-xin trị giá khoảng 20 USD/liều, có nghĩa nước này có thể lãng phí tới hàng chục triệu USD chỉ trong vài tháng.

Không chỉ vậy, tại các quốc gia vốn thiếu thốn nguồn cung vắc-xin cũng vẫn gặp tình trạng dư thừa, dẫn tới vắc-xin hết hạn. Tại châu Phi, quá trình vận chuyển vắc-xin chậm trễ đồng nghĩa các quốc gia ở đây rất ít thời gian để triển khai tiêm chủng trước khi chúng hết hạn.

Liberia có 15 ngày để phân phối hàng chục nghìn liều AstraZeneca được chuyển tới từ Liên minh châu Phi, nhưng khoảng 27,000 liều sau đó bị hết hạn.

Benin, quốc gia ở Tây Phi, phải bỏ 51,000 liều vào tháng Bảy sau khi mất ba tháng vận chuyển.

Tại Malawi, chính phủ đã tiêu hủy 20,000 liều vắc-xin AstraZeneca hết hạn vào tháng Năm. Một số nước khác như Palestine, từ chối tiếp nhận vắc-xin gần hết hạn.

Tuy nhiên, một số quốc gia cũng đã có các động thái để tránh lãng phí vắc-xin. Ngày 28/7 vừa qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã gửi thư tới Johnson & Johnson tuyên bố rằng, các liều vắc-xin của hãng vẫn an toàn và hiệu quả trong tối thiểu sáu tháng nếu được bảo quản đúng cách, thay vì bốn tháng rưỡi như trước.

Một đại diện của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga nói họ dự kiến tăng thời hạn sử dụng vắc-xin Sputnik V từ sáu tháng lên một năm.

Một số chuyên gia hy vọng COVAX, cơ chế chia sẻ vắc-xin Covid-19 do Liên hợp quốc hậu thuẫn hoặc thông qua các thỏa thuận song phương khác, vắc-xin sẽ được chuyển tới những nơi cần trước khi chúng hết hạn. (TGVN)