Monday, January 20, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Biến thể Delta ‘nhanh hơn’ thuốc điều trị COVID-19?

SAN FRANCISCO, California – Thuốc Molnupiravir do hãng dược Ridgeback Biotherapeutics và Merck hợp tác sản xuất là phương pháp điều trị COVID-19 đầy triển vọng, nhưng mối lo ngại lớn nhất hiện nay là sự hoành hành của biến thể Delta.

Thuốc Molnupiravir. (Hình: Twitter SaMiSa2002)

Loại thuốc đặc trị COVID-19 này do hai hãng dược của Đức và Mỹ hợp tác sản xuất, có thể ra mắt vào Tháng Chín hoặc đầu Tháng Mười, mở ra viễn cảnh tươi sáng các quốc gia đang thiếu vắc-xin, theo Forbes.

Thử nghiệm Molnupiravir đã bước vào giai đoạn cuối sau khi các thử nghiệm trước cho kết quả khả quan. Merck cho biết hãng sẽ có dữ liệu đầy đủ vào Tháng Chín hoặc Tháng Mười và thuốc có thể sẵn sàng vào cuối năm nay. Thuốc Molnupiravir giống Tamiflu chữa bệnh cúm, có tác dụng ngăn COVID-19 phát triển, được dùng trong giai đoạn đầu của bệnh. Thuốc uống hai liều mỗi ngày và sử dụng trong vòng năm ngày.

Các bác sĩ cho biết hiện có một vài loại thuốc điều trị COVID-19, nhưng việc sản xuất thuốc mới, nhắm vào virus là một quá trình phức tạp và tốn kém. Hơn 18 tháng, từ khi đại dịch bùng phát, chỉ một loại thuốc kháng virus có tên Remdesivir được khuyến nghị sử dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thuốc này chưa đủ hiệu quả.

Các nhà khoa học kỳ vọng các loại thuốc mới, với mục tiêu ngăn virus nhân lên một cách hiệu quả, có thể làm giảm số ca nhập viện và tử vong do COVID-19.

Hãng dược Merck ở Rahway, New Jersey. (Hình: Getty Images)

“Các nhà sản xuất vắc-xin đang sản xuất vắc-xin thế hệ thứ hai để đi trước đại dịch một bước, nhưng dịch bệnh diễn biến rất khó lường. Vì vậy, bạn cần những biện pháp khác để đối phó với sự tiến hóa của virus,” bà Daria Hazuda, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và vắc-xin tại Merck, cho biết.

Adolfo Garcia-Sastre, giám đốc Viện Y Tế Toàn Cầu và Các Mầm Bệnh Mới Xuất Hiện, của trường y khoa Icahn ở Mount Sinai, New York, cũng dành thời gian đầu năm năm 2020 để nghiên cứu một loại thuốc chống COVID-19 mới. Virus tấn công các tế bào người và dùng các protein trong tế bào cũng như các vật liệu khác để tổng hợp nên virus mới. Do đó, xác định các yếu tố này có thể là bước đầu giúp ngăn chặn hoạt động của virus.

Vì Molnupiravir đã cho thấy hiệu quả chống lại các chủng virus Corona gây cảm lạnh thông thường, nó có thể được nghiên cứu với các virus này hoặc loại virus khác hoàn toàn.

Tuy nhiên, virus liên tục biến đổi, đặt ra thách thức cho các nhà nghiên cứu. Đột biến có thể thay đổi protein của virus, khiến chúng có khả năng kháng thuốc. Và như vậy, mục tiêu của các nhà khoa học là tìm ra loại protein có thể trị được virus, dù nó có biến thể như thế nào.

Chi phí để phát triển thuốc mới có thể lên đến hơn $1 tỷ. Do đó, bằng cách tận dụng một loại thuốc và hợp chất sẵn có, Adolfo Garcia-Sastre và Daria Hazuda đã tiết kiệm nhiều thời gian và tiền của. Nếu Plitidepsin hoặc Molnupiravir không thành công, hai nhà khoa học khẳng định công sức của họ không uổng phí. Các loại thuốc này có thể dẫn dắt hoặc là điểm xuất phát cho những nghiên cứu khác.

Hồi đầu Tháng Sáu, chính phủ Mỹ đã duyệt chi $1.2 tỷ để mua 1.7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir. Tiến Sĩ John Whyte, người phụ trách y tế của phòng thí nghiệm Merck & Co Inc., cho biết Mỹ cần các loại thuốc điều trị để sẵn sàng cho các làn sóng dịch bệnh mới.

Sau khi lỡ mục tiêu chích ngừa, Mỹ phát động chiến dịch vận động chích vắc-xin nhắm đến 55 triệu người, giữa lúc biến chủng Delta đang hoành hành khắp các tiểu bang.

“Chúng tôi không chỉ hướng đến những điểm chích ngừa đại trà, mà sẽ có kế hoạch ‘gõ cửa’ từng nhà, những phòng khám lưu động. Chúng tôi đang chích vắc-xin tại nhà thờ, tại các cuộc họp giữa phụ huynh và giáo viên, tiệm cắt tóc, cửa hàng tạp hóa,” ông Xavier Becerra, bộ trưởng Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Mỹ (HHS), cho biết.

Khoảng 170 triệu người Mỹ trưởng thành đã chích ít nhất một liều vắc-xin, tương đương 54% dân số. Trong khi đó, số người đã chích ngừa đầy đủ chỉ chiếm 46.1% tổng số dân. Một phân tích của AP cho thấy với tốc độ này, thậm chí đến cuối Tháng Bảy vẫn chưa đạt được mục tiêu của Tổng Thống Joe Biden đề ra.

Điều đáng lo ngại hiện nay là liệu việc sản xuất thuốc trị COVID-19 có chậm chân hơn biến thể Delta đang rình rập cho một đợt bùng phát dịch bệnh mới sau ngày Lễ Độc Lập và trong mùa Hè này hay không? (N/V)